Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

RANH GIỚI GIỮA CÁ NHÂN TIÊU BIỂU & CƯỚP LÀ RẤT MONG MANH







Ông Hồ Xuân Mãn "Cá nhân tiêu biểu học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh"

 

'Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh' là trùm du đãng
Thursday, August 28, 2014 3:51:40 PM






HÀ NỘI (NV) .- 
Nhiều tờ báo ở Việt Nam vừa đục bỏ thông tin, hình ảnh ca ngợi ông Nguyễn Thành Hưng, người từng được Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng CSVN vinh danh là “Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh”. 

Ảnh chụp ông Nguyễn Thành Hưng vào thời điểm được vinh danh là “Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh”. (Hình: Báo Bắc Ninh)
Hồi trung tuần tháng này, ông Hưng – người được vinh danh là “Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh” hồi năm ngoái - bị bắt vì là một trong hai ông trùm điều hành hoạt động buôn lậu gỗ tại Việt Nam, có dưới trướng hàng trăm du đãng chuyên bảo kê, tống tiền, đâm thuê chém mướn và dính líu tới một số vụ án mạng.  
Cách nay khoảng hai tuần, Bộ Công an Việt Nam đã điều động hàng trăm cảnh sát bao vây, khám xét, bắt chín người của hai công ty có tên là Đại An và Thành Hưng, có trụ sở cùng đặt tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đứng đầu trong số chín người bị bắt này là  ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Đại An và ông Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Công ty Thành Hưng.
Ông Minh nguyên là một trung úy quân đội. Đầu thập niên 1980, trung úy Minh là người điều hành một tổ chức buôn lậu đủ thứ từ Trung Quốc vào Việt Nam và ngược lại. Năm 1982, tổ chức buôn lậu của trung úy Minh bị Công an Lạng Sơn vây bắt, trung úy Minh bắn chết một đại úy công an và bắn bị thương hai sĩ quan khác.
Nhờ có cha là lãnh đạo tỉnh Hà Bắc, trung úy Minh chỉ bị phạt 19 năm tù, song chỉ ở tù 13 năm thì được “ân xá”. Một năm sau ngày ra tù ông Minh trở thảnh trùm buôn lậu gỗ, không chỉ tổ chức khai thác, mua bán gỗ ở Việt Nam, ông Minh còn tổ chức khai thác gỗ tại cả Lào và Campuchia.
Ông Nguyễn Thành Hưng có xuất thân khác ông Minh một chút. Khi đang là giáo sinh của một trường Trung học Sư phạm, ông Hưng tổ chức một băng cướp, thực hiện nhiều vụ cướp táo bạo. Cũng vì vậy, ông Hưng bị bắt đi, bắt lại nhiều lần. Tính ra, ông Hưng phải ngồi tù 23 năm.
Trong tù, ông Minh kết bạn với ông Hưng. Ra khỏi tù, ông Minh được ông Hưng rủ buôn lậu gỗ.
Vào thập niên 2000, ông Minh lập Công ty Đại An, ông Hưng lập Công ty Thành Hưng. Cả hai nhanh chóng được thừa nhận là những “đại gia” vì tài sản được tính bằng triệu Mỹ kim, sở hữu những chiếc xe trị giá vài trăm ngàn Mỹ kim.   
Từ thập niên 2000 đến nay, cá nhân ông Minh và Công ty Đại An của ông Minh, cũng như cá nhân ông Hưng và Công ty Thành Hưng của ông Hưng được tặng vô số danh hiệu, giải thưởng của cả chính quyền tỉnh Bắc Ninh lẫn chính quyền CSVN.
Vào dịp “Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”, Công ty Đại An của ông Minh được chọn làm “doanh nghiệp tiêu biểu”. Còn ông Hưng được báo chí Việt Nam bơm thổi thành “Hoa giang hồ” – xem đó như một “điển hình” mọi người cần “học tập” không chỉ vì biết phục thiện mà còn vì rất thành công trên thương trường. Năm ngoái, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng CSVN vinh danh ông Hưng là “Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh”!
Khi vây bắt ông Minh và ông Hưng cùng bảy thuộc hạ hồi trung tuần tháng này, Bộ Công Việt Nam cho biết, họ đã thu giữ được sáu khẩu súng, một trái lựu đạn và rất nhiều đạn đủ loại.
Ông Minh và ông Hưng đã sử dụng hai Công ty Đại An và Công ty Thành Hưng để hợp pháp hóa hoạt động khai thác, buôn lậu gỗ khắp Đông Dương. Cả hai được xem là chủ sở hữu kho gỗ lớn nhất Đông Nam Á. Các doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới gỗ mà không muốn gặp rắc rối khi nhập cảng, vận chuyển gỗ và xuất cảng đồ gỗ mỹ nghệ thì phải “nhờ” hai công ty này “bảo trợ”. Ông Minh và Ông Hưng còn bị cáo buộc là đứng đằng sau vô số vụ tống tiền, hành hung và một số vụ giết người nhằm thị uy.
Những bài viết ca ngợi “Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh” Nguyễn Thành Hưng, kể rằng, sở dĩ ông Hưng “phục thiện” và “thành đạt” vì ông ta luôn “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xem ông Hồ Chí Minh như “kim chỉ nam để nghĩ và làm mọi việc”. Đó có thể là lý do khiến tất cả những bài viết này bị đục bỏ. (G.Đ)

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Bài đăng trên nguyentandung.org


(Chính trị) - Ban Bí thư vừa kết luận xem xét hủy bỏ quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân của ông Hồ Xuân Mãn (nguyên Ủy viên Trung ương (UVTƯ) Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế). Ông Mãn khai man, gian dối, ‘chạy” thành tích và có sự “tiếp tay” của không ít cán bộ. Phóng viên Báo Công an TPHCM đã tìm ra nhiều sự thật xung quanh vụ việc này.
KHAI MAN ĐỂ ĐƯỢC PHONG ANH HÙNG
Trong Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thừa Thiên – Huế lần thứ ba vào ngày 21-8-2010, ông Hồ Xuân Mãn được trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (gọi tắt là danh hiệu Anh hùng). Đây là vinh dự lớn không chỉ của ông Mãn mà đối với toàn thể nhân dân cố đô Huế. Một tháng sau, ông Mãn về hưu sau hai nhiệm kỳ làm Bí thư Tỉnh ủy (2000 – 2010).
Ngày 2-1-2014, đoàn công tác Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương (T.Ư) Đảng có buổi làm việc thông báo kết luận với nội dung: Ban thi đua – khen thưởng T.Ư báo cáo các cơ quan chức năng Nhà nước có thẩm quyền xem xét hủy bỏ quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng và thu hồi hiện vật, tiền thưởng của ông Mãn; đồng thời UBKT T.Ư chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đã để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm trong việc xét đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Mãn. Theo kết luận của UBKT T.Ư, 17 thành tích mà ông Mãn khai chỉ đúng có hai. Tuy nhiên, một trong hai thành tích lại gây hậu quả xấu, đó là diệt giặc nhưng làm tổn hại đến cách mạng, nhân dân địa phương.
Như vậy, 15 thành tích còn lại ông Mãn khai đều là bịa đặt, gian dối như: đã tự tổ chức đơn vị đánh gần 100 trận, diệt 150 tên Mỹ – Ngụy, phá hủy 1 máy bay, 37 xe quân sự (1969 – 1975); dẫn đường cho Quân đoàn 2 giải phóng Huế và truy quét ngụy quân, ngụy quyền… Thành tích “láo” đồng nghĩa với những tặng thưởng cũng được nghi vấn là giả mạo: 33 lần được tặng Dũng sĩ diệt Mỹ; Chiến sĩ thi đua; các Huân chương Chiến công, Giải phóng; Kháng chiến các hạng…
Trong số 17 thành tích mà ông Hồ Xuân Mãn khai tại bản thành tích của mình, kết quả thẩm tra, xác minh cho thấy có đến 15 thành tích không đúng thực tế.
Kết quả trên gây chấn động dư luận, nhưng không làm mọi người bất ngờ bởi chuyện danh hiệu Anh hùng của ông Mãn đã bị nghi ngờ và tố cáo từ lâu. Gần 20 cựu chiến binh (CCB), cán bộ hưu trí là những “nhân chứng sống”, những đồng đội, có người là chỉ huy của ông Mãn tố cáo ông cựu bí thư khai man, bịa đặt, cướp công đồng đội để được phong tặng danh hiệu Anh hùng.
Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, một anh hùng sẽ bị tước danh hiệu. Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế cho biết: “Sắp tới Tỉnh ủy sẽ thực hiện công việc theo kết luận của Ban Bí thư về thẩm quyền của tỉnh là xem xét sai sót, vi phạm các cơ quan, cá nhân trong tỉnh theo quy định. Dự kiến có thể ra Tết tiến hành kiểm điểm Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cá nhân liên quan”.

Vì đại cuộc, ông Hồ Văn Nghĩa cũng tố cáo, vạch trần người cháu của mình
NHỮNG CÁ NHÂN, ĐƠN VỊ LIÊN QUAN SAI PHẠM
Một con người “ưu tú, có thành tích xuất sắc” nhưng sau 10 năm làm cách mạng (như ông Mãn đã khai) mới được vào Đảng (năm 1974) và 25 năm sau ngày giải phóng mới được phong tặng danh hiệu Anh hùng, khiến nhân dân nghi ngờ, không phục. Ông Mãn tự làm thành tích, không có đơn vị vũ trang hay tập thể giới thiệu, bầu chọn mà được đơn vị công tác (Tỉnh ủy) xác nhận. Bản báo cáo thành tích được 15 người của Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí với tỷ lệ 100%. Nghiêm trọng hơn, dù không ai biết cụ thể những việc ông Mãn làm, nhưng vẫn nhất trí với thành tích đó. Rồi hồ sơ lần lượt được chuyển đến Ban chỉ huy quân sự (CHQS) huyện, Bộ CHQS tỉnh, Quân khu 4, Bộ Quốc phòng và các ban ngành ở T.Ư.
Danh hiệu cao quý của Nhà nước trao nhầm người, là lỗi ở người khai đã bịa đặt. Nhưng cũng cần làm rõ trách nhiệm, sai phạm của cá nhân, tập thể đã “tê liệt”, để lọt hồ sơ giả. Trước đây, một số lãnh đạo tỉnh khẳng định với báo chí là việc xét tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Mãn được thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc. Thế nhưng những người tố cáo nói hồ sơ này đi trái nguyên tắc: từ trên xuống chứ không phải dưới lên (cơ sở đề nghị, cấp trên xét duyệt) và người ký chỉ việc ký, không được đọc, sao lưu…
Ông Hồ Viết Bá, Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy, lúc đó là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy đã ký xác nhận vào bản báo cáo thành tích. Việc làm này không đúng thẩm quyền vì ông Bá không phải là cấp trên của ông Mãn. Ông Bá cho biết: “Ban Bí thư đã có kết luận rồi và UBKT T.Ư đang làm, tôi nói sẽ không khách quan. Nếu sai đến đâu, kỷ luật ra sao thì tôi xin chịu, chấp hành theo quyết định của UBKT T.Ư, bây giờ biết nói sao?”.
Thượng tá Nguyễn Văn Lương, nguyên Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phong Điền (đã nghỉ hưu) viết xác nhận: “Khi đang đương chức, là chỉ huy trưởng tôi có ký hồ sơ của anh Mãn và một số người khác nữa. Tôi có đọc thành tích của anh Mãn nhưng lâu rồi nên không nhớ hết”.
Đại tá Đặng Ngọc Nghĩa, Phó tham mưu trưởng Quân khu 4, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên – Huế (giai đoạn 2005 – 2011, một trong 15 người thuộc Thường vụ Tỉnh ủy từng ký xác nhận hồ sơ cho ông Mãn) thừa nhận: “Tôi ký vào tờ trình chấp hành theo nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy. Lúc đó 100% thường vụ đều nhất trí, không ai phản đối gì. Ngành quân đội làm chặt chẽ từ Ban CHQS huyện lên tỉnh, sau đó đề nghị ra Quân khu 4, Tổng cục Chính trị – Bộ Quốc phòng rồi Nhà nước. Lúc đó ông Mãn là Bí thư Tỉnh ủy, ông cũng có công qua hai nhiệm kỳ. Tôi là lớp hậu sinh, ông Mãn khai thế nào thì biết vậy và ông ấy phải chịu trách nhiệm về lời khai”.
Thường vụ Tỉnh ủy lúc đó gồm 15 người là cán bộ chủ chốt của Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và các ban ngành của tỉnh, hiện đa số đều đang đương chức hoặc chức vụ cao hơn. Với câu hỏi: 15 người nhất trí với hồ sơ của ông Mãn mà không phát hiện ra bất thường, không ai phản đối gì mặc dù không rõ về thành tích của ông Mãn?
Những nhân chứng sống vạch trần sự gian dối của ông Mãn
Tiếp tục liên hệ với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội đồng cùng Ban thi đua khen thưởng tỉnh để tìm hiểu về tờ trình, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Mãn, chúng tôi đều nhận được câu trả lời là “bận họp” hoặc gặp “UBKT T.Ư mà hỏi”. Chiều 6-1-2014, phóng viên liên hệ với ông Lê Hồng Liêm, Phó chủ nhiệm UBKT T.Ư thì ông nói đang họp ở Hà Nội và không thể trả lời qua điện thoại.
“ÔNG MÃN MÀ ANH HÙNG THÌ HUẾ CÓ HÀNG NGHÌN NGƯỜI”
Các CCB, cán bộ hưu trí – những người vạch trần sự gian dối của ông Hồ Xuân Mãn đã nói như thế. Ông Hoàng Phước Sum (trung tá), nguyên Đội trưởng An ninh huyện Phong Điền) cho biết: “Hay tin Mãn được phong anh hùng, nhân dân Phong Điền và nhiều nơi trong nước phản ứng dữ lắm. Mãn mà anh hùng thì hàng nghìn người ở Huế cũng là anh hùng. Chúng tôi (gần 20 cán bộ hưu trí, CCB) là những đồng đội, nhiều người là cấp trên của Mãn, cùng chiến đấu, cùng quê với Mãn, quá hiểu về Mãn. Lúc đó, anh em đã làm đơn khiếu nại nhưng không được trả lời, giải quyết. Đến khi có bản báo cáo thành tích của Mãn, anh em mới có cơ sở để tố cáo. Nay Ban Bí thư có kết luận Mãn bịa đặt thành tích và đang xem xét thu hồi danh hiệu. Anh em phấn khởi lắm vì vụ việc nhạy cảm và phức tạp đã được T.Ư giải quyết khách quan, nghiêm minh”.
Các CCB cho biết nguyên nhân vạch trần Hồ Xuân Mãn là vì uy tín, sự trong sạch của Đảng; vì danh dự của quân đội, trách nhiệm đối với những liệt sĩ; vì sự thật chứ không hề có tư thù cá nhân. Trong quá trình chống tiêu cực, những người tố cáo tự bỏ tiền túi ra đi nhiều nơi để thu thập tài liệu, chứng cứ; tìm thêm nhân chứng; gặp lãnh đạo, ban ngành có liên quan. Trong thời gian đó, họ đối diện với nhiều cạm bẫy, nguy hiểm: bị mua chuộc, dụ dỗ, tung tin thất thiệt, đe dọa, hành hung… Việc này đã được báo cáo đến cơ quan ban ngành từ T.Ư đến địa phương đề nghị làm rõ, nhưng nay vẫn chưa có kết quả.
Thật đau đớn khi những người cùng chiến đấu với Hồ Xuân Mãn không ai xem là đồng đội, bởi ông ta đã cướp công của chính đồng đội mình. Ông Mãn còn bị chính người trong dòng tộc tố cáo, tẩy chay. Ông Hồ Văn Nghĩa, nguyên Trưởng ban an ninh huyện Phong Điền, chú ông Mãn cho rằng bị ông Mãn lừa, cho người bịt mặt đến hành hung mình. “Mãn gian dối, bịa đặt thành tích. Chạy đua để nhận anh hùng làm chi cho nhục. Giờ nó còn mặt mũi nào về quê nhìn anh em, họ hàng, làng xóm”, ông Nghĩa nói.
Các CCB tiếp tục đề nghị thu hồi danh hiệu “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của ông Mãn. Năm 2010, ông Mãn là một trong ba Bí thư Tỉnh ủy tiêu biểu của cả nước được tuyên dương vì có nhiều thành tích trong cuộc vận động này. Bởi theo ông Hoàng Phước Sum: “Mãn khai bịa đặt để được anh hùng thì không đủ tư cách, đạo đức, phẩm chất để cho các thế hệ học tập, noi theo”. Trong lần biểu dương đó, ông Mãn kể lại chuyện trong một lần đi công tác về, được vợ chuyển cho tập tài liệu kèm theo phong bì, bên trong có 3.000 USD. Ông liền mang đến báo cáo cơ quan và công an. Ông Sum nói: “Chuyện này khó tin quá, không ai chứng thực cả. Không ai đi đưa tài liệu cùng phong bì mà không nói tên, nói rõ mục đích”.
CHUYỆN VỀ ÔNG “VUA CỐ ĐÔ”
Cái tên Hồ Xuân Mãn rất “nổi tiếng”. Những ngày này, người dân bàn tán sôi nổi và bày tỏ vui mừng vì T.Ư kiên quyết thu hồi danh hiệu Anh hùng đã trao nhầm và đang chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục xử lý cán bộ vi phạm. Ban Bí thư chưa kỷ luật ông Mãn vì căn cứ Quy định 181 của Bộ Chính trị, theo tờ trình của Hội đồng chuyên môn bệnh viện sức khỏe miền Trung thì ông Mãn đang bị bệnh hiểm nghèo. Như vậy đến khi nào cơ quan chức năng xác nhận ông Mãn hết bệnh hiểm nghèo thì mới kỷ luật?
Những người tố cáo lại cho biết, ông Mãn vẫn đi lại bình thường và vẫn xuất hiện ở nhiều nơi. Ông Hoàng Tiến Dũng, một người đứng đơn tố cáo cho biết: “Tháng trước, Mãn đi dự đám cưới con của một lãnh đạo huyện tại xã Phong Hiền, cũng có ăn nhậu. Ông Mãn hát ba bài, trong đó có bài “Cuộc đời vẫn đẹp sao”… Ngày 21-12-2013, ông Mãn ăn nhậu tại nhà cộng đồng thôn Vĩnh Hương, xã Phong An, cũng hát hò”. Ngày 3-3-2013, ông Mãn có mặt trong buổi lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho GS.TS Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế. Và người dân xôn xao mỉa mai: Anh hùng dỏm đi dự lễ của anh hùng thật. Ngày 31-12, có mặt trong buổi lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ông Mãn ngồi ở một góc hội trường với vẻ buồn rầu…
Lúc còn đương chức, quyền lực ông Mãn đi kèm với tai tiếng. Trong bài “Đất cố đô có vua” (Báo Lao Động ngày 26-11-2005) và một số bài báo khác nói về ông cán bộ to nhất tỉnh đi nhậu ở một nhà hàng. Đoạn cao trào, “vua” ghì đầu cô gái hôn vào má trước mặt nhiều người. Cô gái vừa chửi “đồ mất dạy” vừa tát vào mặt “vua”. “Vua” liền hô hào nói chủ nhà hàng đuổi ngay cô tiếp viên. Vụ việc trên vẫn còn được nhiều người kể đến hôm nay. Ông Thương (trú phường Vỹ Dạ, TP.Huế), chủ một nhà hàng cho biết: “Trước đây, một số báo viết về ông Bí thư sàm sỡ nhân viên ở nhà hàng C.A, phường V., TP.Huế. Nhà hàng tôi tên Châu Anh, mọi người tưởng là xảy ra ở đó. Rồi khách vắng dần, tôi buôn bán không được phải trả lại mặt bằng, đi chỗ khác làm ăn. Có thể sự việc xảy ra ở một nhà hàng thân thiết của ông Bí thư. Tôi được nghe ông bí thư có “bảo kê” cho một người tên M. mở nhà hàng “Nhất Hồ”, nghĩa là: nhất Hồ Xuân Mãn và khu ăn chơi giải trí lớn ở thị xã Hương Trà. Thằng M. vốn sửa xe dạo, lang thang bụi đời nhờ có cha thân với ông bí thư mà phất lên nhanh chóng. Rồi M. thành lập Công ty vận tải Nhất Hồ nhưng sau đó tan rã từ khi ông bí thư về hưu”.
Ông Mãn có thú tiêu khiển là săn bắn chim. Cách đây 19 năm, trong một lần đi săn, đạn lạc làm chị H.T.T.P (43 tuổi, trú huyện Phong Điền) bị trọng thương. Sau chuyện đó, người dân mỗi lần thấy ông Mãn xách súng đi bắn chim thì tránh xa kẻo… lãnh đạn.
Hoàng Quân (Theo CATP)
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về banbientap@nguyentandung.org
Theo dõi NGUYENTANDUNG.ORG qua FB, G+:
Thích và chia sẻ bài này trên:
Chia sẻ facebook
Ý kiến bạn đọc (10)
  1. Đầu tiên là tước danh hiệu anh hùng LLVT, rồi khai trừ khỏi Đảng, rồi mới xem xét trách nhiệm của các ban, ngành và cá nhân liên quan.
  2. Quá xấu hổ,cướp công của đòng đội mà cũng làm được bí thư.Anh hùng lực lượng mà còn làm giả được huống hồ những việc khác. Mong rằng cơ quan chức năng làm đến nơi đến chốn,không để chìm xuồng.
  3. tôn vinh cái chức danh quá khiến không ít kẻ lợi dụng và quyền lực hóa nó để đoạt cái lợi ích cá nhân từ trong lợi ích chung, từ đó sinh ra cái bệnh giả danh, giả chức.. cũng vì xao nhãng cái thực, lơ là cái hư khiến nó sinh nở và lớn ra xâm hại đến cấu trúc hệ thống dân cường nước thịnh, ăn sâu vào cái nguyên khí quốc gia làm suy kiệt trí lực, bào mòn dân tín. khi nào cái chất còn chưa mổ xẻ đánh giá đúng như nó có, thì cái hư kia còn tồn tại và ăn mòn thế hệ nào nó đi qua.
  4. Xã hội có những con người như vậy mà làm Quan thì chỉ khổ cho dân.ông cựu bí thư này nên khai trừ khỏi Đảng, cắt lương hưu thì về tội lừa dối Nhân Dân, Lừa đối Đảng. Có công trạng nhưng làm sai cũng phải xử như Dân mới công bằng
  5. Thât không thể tưởng tượng được lại có thể sảy ra sự việc quá ấu trĩ , đây mới chỉ là con số một và còn rất nhiều những việc tương tự vẫn đang sảy ra. Mong Đảng và chính phủ soi xét diệt trừ tận gốc những thứ rác rưởi đó
  6. Thằng này lúc đương chức lấy bao nhiêu tiền của quốc khố của dân cần điều tra cả về tài sản.
  7. ông Hồ Xuân Mãn thành “anh hùng lực lượng vũ trang - Người Anh hùng dân tộc Việt nam - bệnh quan liêu xin cho. Ai là người ký quyết định thì kỷ luật và cách chức người này đầu tiên. có lẽ Chủ Tịch Nước là người tiếp tay đầu tiên và mang tính quyết định. không cần phải điều tra tìm hiểu làm gì, tiếp đến thủ tướng, bộ quốc phòng, bộ văn hóa, bộ công an.. Người đầu ngành liên quan phải xử Trảm thôi. Phong tặng danh hiệu bừa bãi, quan liêu quá
  8. Trước hết là lũ nịnh xếp BTV tỉnh Ủy Thừ Thiên Huế (15/15) kế tiếp là BKT TW, Bộ QP, Bộ CA, ..Chủ Tịch Nước...
  9. Sử lý cắt chức những kẻ đồng loã
  10. Tội của ông Hồ Xuân Mãn còn nặng gấp mấy chục lần cái bọn tham ô tiền tỷ... ! Ông cả gan dám lừa rối Đảng , Nhà nước và xã hội thì chuyện tham ô - tham nhũng cờ bạc & gái gú ông cũng chẳng chê mà còn dám làm tới bến ..! Ông này Mãn xứng đáng chịu án tử hình !

Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

Đảng đã, đang, sẽ chỉ tín nhiệm những người như Hồ Xuân Mãn


Mình chẳng lạ gì ông Hồ Xuân Mãn và từ lâu đã không màng tới những người cùng loại với ông ta.
Lẽ ra mình sẽ tiếp tục cười khẩy và im lặng, nếu như bác Nguyễn Phú Trọng không cảnh cáo những người góp ý “sửa đổi Hiến pháp”, đụng đến sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng là “suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức”. Ở thời điểm này, có lẽ chuyện ông Hồ Xuân Mãn là ví dụ tốt nhất để cùng ngẫm nghĩ về việc có nên im lặng, chấp nhận nghe bác Trọng phê phán đó là “suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức”…
1.
Hôm 4 tháng 3, tờ Dân Việt đăng bài “Anh hùng bị tố khai man thành tích” (1), cho biết, hàng chục đảng viên, từng là cán bộ, chiến sĩ đã sống và chiến đấu với ông Hồ Xuân Mãn, cùng lên tiếng tố cáo nhân vật vốn là cựu Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, ngụy tạo thành tích để được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Trước đó hai ngày, nội dung tương tự cũng được tờ Công an TP.HCM đề cập trong bài “Nguyên Bí thư Tỉnh ủy nói gì khi bị tố cáo?” (2).
Các tác giả của hai bài báo đã gặp nhiều nhân chứng, dẫn nhiều ý kiến, dữ kiện, khẳng định, cả 17 “chiến công” mà ông Hồ Xuân Mãn đã “lập” trong giai đoạn từ 1964-1975, nhằm “báo công” và trở thành “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” đều là… gian dối.
Ông Mãn trở thành “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” năm 2010. Năm 2012, tờ Cựu Chiến binh, số ra tháng 11 đăng bài “Về lại Phong Điền”, chính thức nêu nghi vấn về các thành tích của “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” Hồ Xuân Mãn. Bài này được cán bộ và dân chúng Thừa Thiên – Huế copy, chuyền nhau đọc.
Đầu năm nay, tờ Đại Đoàn Kết đăng hai bài (3), kế đó, An ninh Thế giới – một phụ bản của tờ Công an nhân dân - nhồi tiếp hai bài nữa (4), cùng giúp ông Mãn giải độc dư luận từ bài “Về lại Phong Điền”.
Tới đầu tháng này thì cả Công an TP.HCM lẫn Dân Việt cùng xới lại vấn đề, theo hướng, đứng về phía những người tố cáo, phản bác thông tin của Đại Đoàn Kết và An ninh Thế giới.
Thật ra, chẳng phải tới bây giờ ông Hồ Xuân Mãn mới được công chúng quan tâm…
2.
Cuối năm 2005, tờ Lao Động gây xôn xao dư luận khi đăng “Đất cố đô có vua” (5) – một bài viết ngắn, kể chuyện viên quan to nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế bị một nữ tiếp viên bạt tai vì đã sàm sỡ với cô. Chuyện chưa ngừng ở đó, sau khi bị bạt tai, viên quan to nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ra lệnh cho chủ nhà hàng phải đuổi nữ tiếp viên muốn bảo vệ phẩm giá của cô, ngay lập tức. Đồng thời còn dọa sẽ cho đóng cửa nhà hàng có cô tiếp viên “to gan” này và các nhà hàng lân cận!?. Tác giả “Đất cố đô có vua” kể thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên, viên quan to nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế sàm sỡ với các nữ tiếp viên dù họ chỉ đáng tuổi con, cháu ông ta giữa thanh thiên bạch nhật, đó là một thứ thói quen, một loại “chuyện thường ngày” mà viên quan to nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế hay làm. Theo tác giả, viên quan to nhất tỉnh bị tát vì “đi đêm có ngày gặp ma”. Thế thôi!
Tuy “Đất cố đô có vua” được viết theo kiểu phiếm chỉ nhưng dân Thừa Thiên - Huế và giới thạo tin biết rất rõ, viên quan to nhất tỉnh là ai. Họ không lạ gì tư cách, tính cách của “đồng chí” Hồ Xuân Mãn…
Đến năm 2008, thiên hạ thêm một lần phải để ý tới ông Hoàng Xuân Mãn, khi tận mắt mục kích hoặc đọc, nghe tường thuật về Lễ tế Nam Giao trong Festival Huế. Nhà báo Trương Duy Nhất kể như thế này qua “Không phải là vua nhưng mộng ước cũng như... vua!”, ở blog Một góc nhìn khác (6): “Trong nhóm quan chức phưỡn bụng trên thượng đàn trong lễ tế có một vị khoác… hoàng bào. Đó là ông Hồ Xuân Mãn, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên- Huế. Sao ông Mãn dám… liều thế nhỉ? Hay ông nghĩ mình là… Vua?”…
Đầu năm 2010, một lần nữa ông Hồ Xuân Mãn gây xôn xao dư luận vì được công nhận là một trong những “những tấm gương tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân cả nước đã có nhiều thành tích trong học tập và nhất là làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Việc công nhận ông Hồ Xuân Mãn là “điển hình” về “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, khiến nhà giáo Hà Văn Thịnh, giảng viên Đại học Huế, viết bài “Xin hỏi ông Bí thư Tỉnh ủy” (7), đề nghị ông Mãn nói rõ hơn về “thành tích” giảm tỷ lệ người nghèo từ 28% xuống còn 8%. Bài “Xin hỏi ông Bí thư Tỉnh ủy” xuất hiện trên báo điện tử VietNamNet một vài ngày rồi biến mất. Ông Mãn không trả lời, những người phát động việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cũng không thèm bận tâm.
Rồi ông Mãn được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
3.
Mình viết tới đây thì thấy, vừa có thêm tờ Tuổi Trẻ tham gia vào vụ lật lại hồ sơ “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” Hoàng Xuân Mãn.
Trong bài “Anh hùng khai man thành tích?” (8), phóng viên tờ Tuổi Trẻ cho biết, họ có gặp ông Lê Sáu, cựu bí thư Huyện ủy Phong Điền, giai đoạn 1969-1971 để hỏi thăm về “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” Hoàng Xuân Mãn.
Ông Lê Sáu nhận định, không thể xem chuyện ngày xưa, ông Mãn giết ông Hoàng Sớm –trưởng ấp Phò Ninh là “thành tích” vì dù giết được ông Hoàng Sớm nhưng “trận đánh” này đã làm chín thường dân, trong đó có cả trẻ em chết.
Đáng chú ý là sau bài viết kể trên, một blogger có nickname là “anhmanxx”, tiếp tục cung cấp thêm một số thông tin trên blog của blogger này (9). Theo đó, trong “trận đánh” để “khử” ông Hoàng Sớm, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” Hồ Xuân Mãn đã thản nhiên xả súng vào đám giỗ, dẫu cho ông nội ông Mãn và nhiều bà con của chính ông ta đang ngồi tại đó. Ngoài 9 thường dân vô tội thiệt mạng, “trận đánh” này còn làm cho 8 thường dân khác bị thương. Bây giờ, cứ tới ngày ấy, thôn Phò Ninh, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế có đến 10 đám giỗ.
4.
Với Đảng, với bác Nguyễn Phú Trọng, bác Nguyễn Sinh Hùng, một kẻ như ông Hồ Xuân Mãn là một “đồng chí” vừa “vững vàng về lý tưởng”, vừa “kiên định về lập trường”.
Đảng, tất nhiên, đã, đang, sẽ chỉ tín nhiệm những người như ông Mãn. Sự tín nhiệm này thể hiện ở những chức vụ mà ông ta đã đảm nhận: Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, những danh hiệu mà ông ta được tặng: “Điển hình của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Bạn có muốn làm “người tốt”, có “đạo đức”, “điển hình”, “anh hùng” theo kiểu ông Hồ Xuân Mãn? Ông Hồ Xuân Mãn không phải là cá biệt, có không ít người giống hệt ông ta. Họ bảo họ là ưu việt, họ có quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, quyết định mọi thứ liên quan đến số phận, tương lai, không chỉ của chính bạn mà còn làm như thế với cả con, cháu bạn. Không chấp nhận điều này, bạn sẽ là “kẻ xấu”, bị “suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức”.
Bạn sẽ “dạ” thật to hay nói “không”?

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

HỮU THU TẮT TIẾNG. TẠI SAO?

Hữu Nguyên

TBT Đinh Đức Lập từng cho đăng nhiều bài "giải cứu" ông Hồ Xuân Mãn trên báo Đại Đoàn Kết

Báo Đại Đoàn Kết thời tổng biên tập Đinh Đức Lập thường xuyên xuất hiện những bài hoặc hàng loạt bài báo khiến nhiều bạn đọc không nắm rõ vấn đề chưng hửng chẳng biết nên tin vào ai, còn những bạn đọc có thông tin và bộ lọc tốt thì vừa đọc vừa muốn … ói. Chẳng hạn như hai bài viết dưới đây bênh vực ông Hồ Xuân Mãn, trong khi ông này đang bị nhiều cựu cbiến binh, cán bộ cách mạng lão thành tố cáo nhiều vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc Đảng lẫn pháp luật Nhà nước.
Nay sự thật đã rõ ràng, những sai phạm của ông Mãn đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận. Báo Đại Đoàn Kết mà ông Đinh Đức Lập là tổng biên tập chịu trách nhiệm về các nội dung đăng tải sẽ phải nói sao đây với bạn đọc của báo nói riêng và công luận nói chung về những bài viết rõ ràng có sự bẻ cong ngòi bút này?
Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ, là những bằng chứng cụ thể, rõ ràng cho thấy cách làm báo, cách chỉ đạo nội dung của ông Đinh Đức Lập trong thời gian làm tổng biên tập tại báo Đại Đoàn kết là hết sức có vấn đề. Nếu không phải do trình độ nhận thức, bản lĩnh nghề nghiệp của ông Lập quá yếu kém để có thể thẩm định nội dung trước khi đăng tải thì chỉ có thể hiểu các bài viết như thế này xuất phát từ động cơ không trong sáng. Là điển hình của sự bẻ cong ngòi bút vì lợi ích cá nhân của người đứng đầu tờ báo cũng như của những người viết ra những bài báo như thế này.
Làm báo kiểu Đinh Đức Lập như dẫn chừng về vụ ông Hồ Xuân Mãn chỉ làm mất uy tín, phá hỏng truyền thống của báo Đại Đoàn kết và làm mang tiếng xấu cho MTTQVN.

Xem kết luận về những sai phạm của ông Hồ Xuân Mãn tại đây.

Bài trên báo Đại Đoàn Kết:




Ông Hồ Xuân Mãn có cướp công? - Bài 1: Nhân chứng một thời (08/01/2013) 

"Em đi đâu cũng nghe người ta bàn chuyện báo chí viết về anh Hồ Xuân Mãn. Theo em, với kinh nghiệm của mình anh nên tìm hiểu sự việc thế nào. Có phải anh Hồ Xuân Mãn là "người cướp công của đồng đội?”. Đó là E-mail của đồng nghiệp gửi cho tôi sau khi bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Hà có tựa đề "Về lại Phong Điền” đã được photo phát tán nhiều nơi làm dấy lên sự hoài nghi, lo lắng về nhân phẩm, đạo đức và thậm chí bôi nhọ thanh danh của một con người từng là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế 2 nhiệm kỳ. Vì thế, chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu sự thật. 


Giấy chứng nhận Dũng sĩ, Chiến sĩ thi đua
trong những năm chiến tranh mà ông Hồ Xuân Mãn còn lưu

Ông Hồ Xuân Mãn, sinh năm 1949, quê ở thôn Phò Ninh, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế; tham gia cách mạng khi 14 tuổi, đến năm 1967 thì thoát ly gia đình, trực tiếp cầm súng đánh giặc. Trong những năm chiến tranh, từ một chiến sĩ an ninh vũ trang tỉnh Thừa Thiên, ông làm Đội trưởng Trinh sát an ninh vũ trang Ban An ninh huyện Phong Điền. Từ năm 1973 cho đến ngày quê hương Thừa Thiên - Huế giải phóng (26-3-1975), ông Hồ Xuân Mãn là Trưởng ban An ninh kiêm Xã đội trưởng xã Phong An, huyện Phong Điền. Suốt thời gian 5 năm (1970 -1975) bám dân, bám đất và kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội, ông Hồ Xuân Mãn đã lập nhiều chiến công xuất sắc và góp phần tạo nên vành đai Sơn - An - Nguyên diệt Mỹ nổi tiếng.
Năm 1994, tại khách sạn Hương Giang (Huế), thấy ông Lê Việt Hà (Trưởng Công an TP. Huế) gọi, xưng hô rất thân mật với ông Hồ Xuân Mãn (Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy), tôi hỏi: "Hai anh đã thân nhau à?”. Ông Lê Việt Hà cho biết: "Từ giữa năm 1968, ở vùng thượng nguồn sông Bồ, trên đường đi công tác, bọn mình gặp biệt kích Mỹ”. Rồi chỉ vào ông Hồ Xuân Mãn đang ngồi đối diện, ông Hà khẳng định: "Chính anh Mãn đã cõng và cứu mình thoát chết. Nghĩa tình sâu đậm lắm, không ở trong cuộc không biết mô!”.
Đại tá Nguyễn Việt Hùng - nguyên Giám thị Trại giam Bình Điền, quê ở xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy nhớ lại: "Toán chúng tôi có 3 người. Anh Lê Việt Hà đi đầu, kế đến là tôi và anh Hồ Xuân Mãn. Trong khi chúng tôi đang leo dốc thì địch bất ngờ nổ súng. Anh Hà kêu thất thanh: -Hùng ơi, mình bị thương rồi! Tôi hỏi anh Mãn: Anh Hà bị thương thì mần răng?Anh Mãn nói: -Phải đưa lui và cấp cứu ngay! Trong khi chúng tôi thay nhau cõng tìm nơi để vừa tránh địch vừa tiến hành băng bó vết thương thì anh Lê Việt Hà trăng trối: "Đ/c Lớn đang nợ tôi mấy chục triệu” (tiền của chế độ cũ, anh Hà ứng để về đồng bằng mua gạo cho đơn vị) và hô khẩu hiệu: Đảng Lao động muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Hô đến lần thứ 3 thì anh Hà ngất lịm. Chúng tôi tưởng anh Lê Việt Hà đã hy sinh nên đem giấu vào một bụi rậm rồi tìm đường trở lại đơn vị, bởi lúc này địch đã gọi máy bay đến oanh kích rất dữ dội. Sáng hôm sau chúng tôi được đơn vị phân công quay trở lại tìm kiếm anh Lê Việt Hà. Ngoài 2 chúng tôi còn có thêm anh Hồ Văn Ninh, sau này là Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Thừa Thiên - Huế (vừa nghỉ hưu). Tìm mãi không thấy, anh Mãn ngại rằng, không lẽ ngửi được mùi máu, cọp đã tha xác anh Hà? Dù vậy, cả mấy anh em chúng tôi phân nhau tìm kiếm, nếu hy sinh thì phải tìm cho được thi thể của anh Lê Việt Hà để mai táng và báo cáo cho đơn vị. Hóa ra nửa đêm tỉnh lại, anh Lê Việt Hà đã bò đi tìm nước uống và bị ngất xỉu nên nằm lại bên bụi lá nón, gần bờ khe. Anh Lê Việt Hà thoát chết trong hoàn cảnh ấy”.
Trong hồi ký của mình, ông Lê Sáu, quê ở huyện Phú Lộc, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên, nguyên Bí thư Huyện ủy Phong Điền thuật lại: "Ngày 6-9-1969, tôi được Thường vụ Khu ủy Trị Thiên - Huế điều động trở lại Phong - Quảng Điền thay đồng chí Vũ Thắng (sau này là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế) làm Bí thư Huyện ủy Phong Điền phụ trách Quảng Điền. Đầu năm 1970, sau khi đồng chí Hồ Xuân Mãn dự học lớp nghiệp vụ An ninh ở Quảng Bình vào, theo đề nghị của tôi, đồng chí Tư Minh - Phó Bí thư Khu ủy, Trưởng ban An ninh Khu đồng ý không để đồng chí Hồ Xuân Mãn về lại đơn vị cũ mà chuyển về công tác tại Ban An ninh huyện Phong Điền do tôi làm Trưởng ban. Mãi đến khi đồng chí Ngô Văn Viện (cần vụ) bị thương mới chọn đồng chí Hồ Xuân Mãn làm thư ký và bảo vệ cho tôi. Lớp học nghiệp vụ An ninh 3 tháng được tổ chức tại xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình do ông Hồng Lam, cán bộ An ninh Khu ủy Trị Thiên - Huế phụ trách. Đồng chí Nguyễn Đình Bảy - Phó Ban An ninh Khu ủy Trị Thiên - Huế; Vĩnh Thành - Trưởng Ty Công an Đặc khu Vĩnh Linh cùng nhiều cán bộ của C500 được Bộ Công An cử vào tham gia giảng dạy. Lớp học chỉ có 2 trung đội. Một do ông Ngọc Anh (quê Hương Trà, chồng của chị Lành, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ Huế) làm Trung đội trưởng. Trung đội còn lại do ông Hồ Xuân Mãn làm Trung đội trưởng. Số học viên nay chỉ còn vài người như: ông Nguyện (nguyên Phó Phòng Tổ chức Công an Thừa Thiên - Huế), ông Cưụ (Công an Phong Điền), bà Điền, bà Hợi (Công an Hương Điền cũ), ông Cống (Công an Quảng Điền), ông Kiên (Công an Phú Lộc), ông Nguyễn Việt Hùng (nguyên Giám thị Trại giam Bình Điền), chị Lê Thị Thu (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBMTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế)... Cuối năm 1970, Thường vụ Huyện ủy Phong Điều quyết định cử đồng chí Hồ Xuân Mãn làm Đội trưởng Trinh sát An ninh ở Phong An - Phong Sơn”.
Ông Ngô Kha, quê ở Quảng Trị, sau khi tốt nghiệp Đại học, năm 1964 đã vào chiến trường Thừa Thiên - Huế công tác. Trong những năm chiến tranh, ông Phụ trách Báo Cờ giải phóng, Bí thư Đảng ủy Ban Tuyên huấn Thừa Thiên. Ông Ngô Kha cho biết: "Hễ lần nào tỉnh mở Đại hội chiến sĩ thi đua thì lần đó đều có anh Hồ Xuân Mãn tham dự. Tôi biết rõ điều này vì tôi được phân công viết giúp bản báo cáo thành tích cho anh Mãn và nhiều người khác. Năm 1973, sau Đại hội thi đua của tỉnh Thừa Thiên, một số cán bộ tiêu biểu được chọn đi dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua tổng kết 18 năm chống Mỹ của Quân khu Trị Thiên - Huế tổ chức ở Cồn Tiên - Quảng Trị. Ông Ngô Kha là đại biểu chính thức. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ tham dự Đại hội với tư cách là phóng viên Tạp chí Văn nghệ Trị Thiên - Huế vừa mới thành lập”.
Ông Hồ Viết Lễ - nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thương mại Thừa Thiên - Huế, một trong những Chiến sĩ thi đua tham dự Đại hội ở Cồn Tiên nhớ lại: "Theo kế hoạch, tôi được phân công báo cáo điển hình xã T.(tức Phú Thạnh - Phú Đa ngày nay), anh Nguyễn Văn Thạnh báo cáo điển hình xã M. (tức Mỹ Thủy - Thủy Phương), anh Hồ Xuân Mãn báo cáo điển hình xã A. (tức xã Phong An).”
Ngoài 3 lần tham dự Đại hội chiến sĩ thi đua, ông Hồ Xuân Mãn từng đã có 33 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ, 3 Huân chương Chiến công hạng Ba, 3 Huân chương Giải phóng các hạng và 1 Huân chương Quyết thắng, 3 huy hiệu Chiến sĩ thi đua, nhiều bằng khen và cả giấy chứng nhận danh hiệu "Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”.
Trong những chiến công xuất sắc của ông Hồ Xuân Mãn, theo ông Lê Sáu thì việc ông Hồ Xuân Mãn phối hợp với lực lượng của 2 xã Phong An -Phong Sơn vào đầu tháng 10-1972 diệt được tên ác ôn khét tiếng (xin không nêu tên) là vang dội nhất, vì tên này có đặc điểm là sau khi sát hại cán bộ, du kích của ta, hắn tự xẻo tai rồi đeo lên cổ. Hắn khoe đã giết được 82 cán bộ, du kích Phong - Quảng nằm vùng. Trong hồi ký của mình, ông Lê Sáu còn dẫn nhiều trường hợp anh Hồ Xuân Mãn đã cùng đồng đội tham gia diệt ác trừ gian và tổ chức đánh địch rất cụ thể, nhưng vì đó là chiến tranh và phần lớn vợ con họ hiện đang còn sống, có những người cùng quê; hơn nữa Đảng ta chủ trương khép lại quá khứ nên ông Lê Sáu không đồng ý nêu cụ thể.

Hữu Thu-Bảo Hân


http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1390&chitiet=59848&Style=1

Ông Hồ Xuân Mãn có cướp công? - Bài 2: Những chiến công thầm lặng09/01/2013


Để bảo toàn lực lượng, Huyện ủy Phong Điền chủ trương gấp rút đưa những cơ sở còn lại ra vùng giải phóng. Nhận nhiệm vụ của cấp trên giao, ông Hồ Xuân Mãn đã cùng với lực lượng 2 xã Phong An và Phong Sơn bí mật tổ chức đưa hơn 20 gia đình cơ sở cách mạng lên chiến khu. 
Sau gần 1 tháng rời địa bàn đi dự Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua ở Cồn Tiên, ông Hồ Xuân Mãn quay trở lại A Lưới và biết ở quê mình chị Hạnh - Huyện ủy viên, Bí thư xã Phong An; anh Đời - Bí thư xã Phong Sơn; anh Thuận - Xã đội trưởng Phong An; anh Đàm, anh Anh - du kích và nhiều đồng chí khác đã lần lượt hy sinh. Trước tình hình đó, ông báo cáo với ông Vũ Thắng - Bí thư Tỉnh ủy và ông Nguyễn Đình Bảy - Phó Ban An ninh Khu ủy xin trở lại Phong Điền. Về đến nơi, ông Lê Tư Sơn - Bí thư Huyện ủy, ông Phạm Văn Danh - Trưởng Ban An ninh huyện cho ông Hồ Xuân Mãn biết: "Tình hình Phong An bây giờ gay go lắm. Thường vụ tin đồng chí và giao đồng chí tìm mọi cách trở lại chỉ đạo phong trào.” 
Liên quan đến nội dung bài viết "Về lại Phong Điền” của nhà văn Nguyễn Quang Hà, ngày 5-12-2012, ông Đồng Hữu Vinh - Trung tá, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm Chính trị Ban CHQS huyện Phong Điền và ông Nguyễn Văn Lương - Thượng tá, nguyên Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phong Điền đã có văn bản phản hồi. Ông Đồng Hữu Vinh cho biết: "Tôi thấy rằng: một số nội dung và ngôn từ của bài báo phản ánh không đúng sự thật và bị cường điệu hóa làm cho người đọc hiểu sai vấn đề.”...Có đoạn thoại (trích đăng trong bài báo), theo khẳng định của ông Đồng Hữu Vinh "là hoàn toàn sai sự thật”. 
Để tránh địch phát hiện, ông Hồ Xuân Mãn và ông Hùng (du kích) lội xuống bàu (ruộng sâu) dùng cỏ để ngụy trang. Trong cuộc đời tham gia hoạt động cách mạng của ông Hồ Xuân Mãn, theo ông đây là thời điểm gian khổ nhất, vì ban đêm thì lạnh, muỗi bu kín đầu còn ban ngày nắng như đổ lửa, nước lại nóng, bụng đói lại bị đỉa hành. Đêm xuống, cởi hết áo quần, toàn thân đầm đìa máu và đỉa. Hai ngày sau, họ mới tiếp cận được ấp Phò Ninh và gặp được chị Nguyệt - cơ sở của ta. Chị Nguyệt khuyên họ: "Đi đi, ở đây là chết vì địch đóng ở khắp nơi”. Thông qua chị Nguyệt, cuối cùng ông Hồ Xuân Mãn đã gặp được chị Hoa - cơ sở mật của an ninh. Gặp lại cán bộ cách mạng, chị Hoa òa khóc: "Chết hết rồi, chú về chi nữa!”
Từ đó, cùng với anh em an ninh, du kích, ông Hồ Xuân Mãn gây dựng lại phong trào. Chi bộ mật, Chi đoàn mật, 5 tổ du kích mật được khôi phục và hoạt động trở lại. Tháng 3-1975, mặc dù không có lực lượng chủ lực hỗ trợ nhưng ông Hồ Xuân Mãn đã cùng lực lượng tại chỗ tổ chức nhân dân 2 xã Phong An - Phong Sơn nổi dậy, phá toang cánh cửa phía Bắc, tạo điều kiện cho Quân đoàn II tiến quân vào giải phóng Huế.
Nếu không được nghe những người trong cuộc kể lại những câu chuyện sau đây thì khó mà hình dung về phẩm chất của một người anh hùng một lòng kiên trung với Đảng, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ cán bộ lãnh đạo trong những năm đầy gian khổ và ác liệt của chiến tranh.
Đó là tháng 6-1970, một đoàn cán bộ 5 người, gồm ông Vũ Thắng - Bí thư Đảng ủy Đoàn 6 và 2 cần vụ, ông Lê Sáu - Bí thư Huyện ủy Phong Điền, Thường vụ Đảng ủy Đoàn 6, do ông Hồ Xuân Mãn (lúc đó là thư ký và bảo vệ cho đồng chí Lê Sáu) dẫn đầu hành quân từ dốc Cao Bồi trên đất Lào để trở về hậu cứ Phong Điền. Do đoàn không có trinh sát, không có giao liên dẫn đường nên tính mạng của 4 con người, trong đó có 2 vị lãnh đạo chủ chốt của Thừa Thiên đều phó thác vào ông Hồ Xuân Mãn. Khi đến đoạn đường gần cao điểm Cóc Bai - ngã 3 Quảng Trị thì diễn ra tình huống: địch vừa phục kích và cắm 3 cái đầu máu đang còn chảy. Trước diễn biến bất ngờ đó, ông Hồ Xuân Mãn đã cùng với ông Viết (bảo vệ của đồng chí Vũ Thắng) tiến hành kiểm tra. Biết địch đã rút, không gài lựu đạn nên cả đoàn tổ chức mai táng. Nhóm 3 người của Đoàn 6 tạm dừng lại chờ dò đường, còn ông Mãn, ông Sáu tiếp tục đi. Gần giữa chiều, linh cảm bất an nên ông Mãn dừng lại nói nhỏ với Thủ trưởng của mình: "Chú đợi cháu ở đây” rồi tiếp tục trinh sát. Được một quãng, ông Mãn phát hiện giữa đường địch lại cắm 1 cái đầu. Đi tiếp, ông lại phát hiện thêm 1 cái đầu khác. Cả 2 máu còn chảy, chứng tỏ địch vừa phục kích tại đây.

Văn bản của ông Đồng Hữu Vinh và Nguyễn Văn Lương 
có xác nhận của Thượng tá Đặng Trần Sơn 
- Chính trị viên Ban CHQS huyện Phong Điền

Kể cho nghe tôi nghe đến đoạn này ông Lê Sáu nói: "Thú thật đến lúc đó mình cảm thấy ớn lạnh. Phải là con người gan lỳ, không biết sợ mới dám liều lĩnh đi một mình như thế. Đó là phẩm chất của một anh hùng!”. 
Về đến căn cứ của xã Phong Thu, ông Hồ Xuân Mãn lại nhận nhiệm vụ đi tìm gạo, muối cứu đói cho bộ phận của ông Phan Bằng - Tỉnh đội trưởng và ông Võ Lạng (sau giải phóng là Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc) - Cán bộ tổ chức của Trung đoàn 6 đã đói nhiều ngày đang tìm đến để xin tiếp tế. Đó là một nhiệm vụ rất nguy hiểm. Trong những năm chiến tranh, để bảo vệ số lương thực cất giấu, trước khi chuyển chỗ đóng quân, anh em ta thường gài lựu đạn để phòng địch hoặc thú rừng phá hoại. Anh Hoàng Khuê (Thu) - Bí thư xã Phong Thu đã chết vì mìn do anh em gài lại ở hầm cũ. Trước khi đi, ông Lê Sáu dặn ông Mãn: Phải hết sức cẩn thận "vì đồng chí là người duy nhất gắn liền sinh mạng với tôi và sứ mệnh của Đảng bộ 2 huyện Phong - Quảng”.
Ông Lê Sáu thuật lại trong hồi ký: "Như một người đi dò mìn, anh Mãn lần từng đoạn, phát hiện vật nổ cả dưới đất lẫn trên cây, vượt qua đoạn này đến đoạn khác. Gần 12 giờ trưa anh Mãn mới tìm ra chỗ giấu gạo, muối và gùi về được 50 lon gạo, 3 lon muối và mang theo 2 quả lựu đạn mà anh em mình đã gài ở miệng hầm. Anh Mãn chia cho anh Phan Hường 18 lon gạo, 1 lon muối, anh Võ Lạng 32 lon gạo, 2 lon muối. Cân lương khô mang từ khu ủy về anh Mãn cũng cho luôn đoàn của anh Võ Lạng.”
Trong hồi ký của mình, ông Lê Sáu còn ghi lại kỷ niệm mà trong gần 10 năm làm Bí thư Huyện ủy Phong Điền, ông không bao giờ quên cái đêm anh Hồ Xuân Mãn tổ chức đưa ông vượt qua căn cứ địch ở Đồng Lâm - Ngành Ngạnh. Ông Sáu cho biết: "Đoạn đường không dài mà ở đó có 36 cụm biệt kích Mỹ chốt giữ. Đêm đó, tôi bị vọt bẻ nên phải lết từng bước một, tránh hết ổ biệt kích này, lết qua ổ biệt kích khác chốt xen kẽ nhau giữa các quả đồi. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, địch phát hiện được, chúng tôi chỉ có tử chiến, khó thoát chết.”.
Sự thật về năm tháng chiến đấu can trường của ông Hồ Xuân Mãn có thể viết thành một cuốn truyện ký. Tuy nhiên, chỉ riêng một số thông tin vừa nêu cũng đã đủ hình dung về phẩm chất của một cán bộ nằm vùng. Điều cần nói thêm là kể từ khi đất nước đổi mới, từ một Bí thư Huyện ủy, ông Hồ Xuân Mãn phấn đấu và trở thành Bí thư Tỉnh ủy 2 nhiệm kỳ, được tặng thêm 8 Huân chương, trong đó có 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì và 1 Huân chương chuyên án an ninh tôn giáo, 1 Huân chương Đại Đoàn Kết dân tộc, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 1 Huân chương Hữu nghị, 1 Huân chương Itxala. 
Năm 2010, xét thành tích cả thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ông Hồ Xuân Mãn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Hữu Thu - Bảo Hân

Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Tại sao chưa ghi tên AHLLVTND Hồ Xuân Mãn vào Lịch sử Thừa Thiên Huế?

 ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN
Các cá nhân quân đội
TT
Họ và tên
Quê quán
Ngày tuyên dương
01
Nguyễn Riêng
Dương Nỗ, Phú Vang, TTH
07.05.1956
02
Hồ Vai (Ku Thời)
Hồng Bắc, A Lưới, TTH
05.05.1956
03
Trương Xà (Trương Chí Cương)
Hương Văn, Hương Trà, TTH
01.01.1967
04
Hồ Kan Lịch
Hồng Bắc, A Lưới, TTH
17.09.1967
05
Hồ Dục
Hồng Kim, A Lưới, TTH
17.09.1967
06
Liệt sĩ Nguyễn Viết Phong
Thủy Phương, Hương Thủy, TTH
17.09.1967
07
Liệt sĩ Trần Tiến Lực
Lộc An, Phú Lộc, TTH
23.11.1969
08
Nguyễn Thị Lài (Nguyễn Thị Quyến)
Thủy Phương, Hương Thủy, TTH
23.11.1969
09
Hồ A Nun
Hồng Bắc, A Lưới, TTH
23.11.1969
10
Nguyễn Văn Thái
Phú Lương, Phú Vang, TTH
20.09.1971
11
Trịnh Tố Tâm
Ứng Hòa, Hà Tây
20.09.1971
12
Lê Thị Thu Hạnh
Phong Chương, Phong Điền, TTH
15.01.1976
13
Liệt sĩ Nguyễn Văn Chư
Thủy Phương, Hương Thủy, TTH
06.11.1978
14
Liệt sĩ Nguyễn Văn Tấn
Xã Thuận Hóa, huyện Hướng Hóa
25.01.1983
15
Liệt sĩ Nguyễn Bá Lại
Xuân Phong, Phong Điền, TTH
20.12.1994
16
Liệt sĩ A Vầu
Hồng Kim, A Lưới, TTH
20.12.1994
17
Liệt sĩ Phạm Thị Liên
Thủy Thanh, Hương Thủy, TTH
20.12.1994
18
Liệt sĩ Nguyễn Đăng Bạn
Phong Hòa, Phong Điền, TTH
20.12.1994
19
Liệt sĩ Huỳnh Khái
Vĩnh Thái, Phú Vang, TTH
20.12.1994
20
Huỳnh Thị Hườn (má Hai)
Thừa Thiên Huế
20.12.1994
21
Liệt sĩ Phan Địch
Phú Đa, Phú Vang, TTH
20.12.1994
22
Liệt sĩ Hồ Đông
Xuân Phú, Phú Vang, TTH
20.12.1994
23
Hồ Thị Đơm
A Ngo, A Lưới, TTH
20.12.1994
24
Liệt sĩ Kan Tréc
Hồng Quảng, A Lưới, TTH
20.12.1994
25
Liệt sĩ Võ Văn Lâm
Hải Thủy, Hương Thủy, TTH
30.08.1995
26
Thân Trọng Một
Thủy Xuân, thành phố Huế
30.08.1995
27
Cu Tríp (Cao Minh Bồn)
Hồng Lâm, A Lưới, TTH
30.08.1995
28
Liệt sĩ Lê Duy Vi
Nam Định
30.08.1995
29
Liệt sĩ Nguyễn Văn Đạt
Lộc Vĩnh, Phú Lộc, TTH
12.01.1996
30
Liệt sĩ Đặng Lễ
Vĩnh Phú, Phú Vang
23.07.1997
31
Liệt sĩ Dương Quang Đấu
Phú Hồ, Phú Vang
23.07.1997

 ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN
Các cá nhân công an
TT
Họ và tên
Quê quán
Thời gian tuyên dương
01
Hoàng Thức Bảo
Phong Hiền, Phong Điền, TTH
06.06.1976
02
Nguyễn Thị Lài
Thủy Thanh, Hương Thủy, TTH
06.06.1976
03
Trần Phong (Lưỡng)
Phú An, Phú Vang, TTH
06.06.1976
04
Liệt sĩ Đỗ Nam
Thủy Thanh, Hương Thủy, TTH
06.06.1976
05
Liệt sĩ Nguyễn Văn Trung
Thủy Phương, Hương Thủy, TTH
06.06.1976
06
Liệt sĩ Nguyễn Đình Xướng
Thủy Phương, Hương Thủy, TTH
06.06.1976
07
Liệt sĩ Dương Thanh Bình
Thủy Châu, Hương Thủy, TTH
13.08.1980
08
Liệt sĩ Phan Hữu Sính
Vĩnh Thái, Vĩnh Linh, Quảng Trị
13.08.1980
09
Liệt sĩ Nguyễn Xuân Thưởng
Hương Toàn, Hương Trà, TTH
03.08.1995
10
Liệt sĩ Tôn Thất Cảnh
Thuận Thành, thành phố Huế
03.08.1995
11
Liệt sĩ Hồ Ngọc Ba
Phú Đa, Phú Vang, TTH
03.08.1995
12
Liệt sĩ Nguyễn Duy Luật
Thủy Phương, Hương Thủy, TTH
03.08.1995
13
Liệt sĩ Trần Xuân Ngạn
Phú Xuân, Phú Vang, TTH
03.08.1995
14
Liệt sĩ Nguyễn Quang Yên
Thủy Thanh, Hương Thủy, TTH
03.08.1995
15
Liệt sĩ Hoàng Thị Thí
Phong Thái, Phong Điền, TTH
22.07.1998
16
Liệt sĩ Nguyễn Văn Chính
Thủy Phương, Hương Thủy, TTH
29.01.1996
17
Liệt sĩ Võ Quang Hải (Vũ Hùng Sơn)
Thủy Xuân, thành phố Huế, TTH
29.01.1996
18
Liệt sĩ Trần Xuân Tịnh
Vinh Hà, Phú Vang, TTH
29.01.1996
19
Nguyễn Đình Bảy
Lộc Điền, Phú Lộc, TTH
08.06.2009
 Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân các địa phương
 Các đơn vị quân đội
 Các đơn vị công an
 Các cá nhân công an
Bản quyền của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế
Kỹ thuật, giải pháp và thiết kế: Trung tâm Tin học Hành chính - Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (CIAM)