Hồ Xuân Mãn

Đọc hết các bài viết tưng công Hồ Xuân Mãn

Nhớ đêm về xóm Bồ 

Tạp Văn
09:34 | 10/12/2012
HỒ XUÂN MÃN
(Nguyên UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế)

Năm 1973, để chuẩn bị cho ký kết hiệp định Paris, Khu ủy và Quân khu Trị Thiên - Huế chủ trương tổ chức các lực lượng (bao gồm cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) tổ chức đánh chiếm các căn cứ và phân chi khu địch để giành đất, nắm dân, cắm cờ giành quyền làm chủ.


Đồng chí Hồ Xuân Mãn, Bí thư tỉnh uỷ, thăm và giao nhiệm vụ cho lãnh đạo xã Hồng Thuỷ - Ảnh: internet

Lúc đó tôi là Trưởng Công an, cùng với lực lượng xã đội Phong An (Phong Điền) nhận nhiệm vụ phối hợp với du kích xã Phong Sơn tổ chức, nghiên cứu địa bàn dẫn đường đưa Trung đoàn 1 Sư 324 do anh Phan Thỏa làm Trung đoàn trưởng (nay đã nghỉ hưu sống ở Đông Hà - Quảng Trị) về địa bàn hoạt động của mình.
Đó là công việc không hề đơn giản, bởi ngoài dẫn đường, tìm nơi trú quân, đặt trận địa cối 120 ly..., chúng tôi còn được giao nhiệm vụ phải dựa vào dân để lo mọi thứ từ hậu cần, thuốc men, tải thương, chăm sóc thương binh, mai táng liệt sĩ... cho cả Trung đoàn.
Trên thực tế lực lượng du kích, an ninh chúng tôi thời điểm đó không nhiều. Cả Phong An và Phong Sơn điểm lại chỉ có chừng 10 người nhưng nhờ chú trọng xây dựng lực lượng tại chỗ nên hậu thuẫn cho chúng tôi là 2 chi bộ, 2 chi đoàn thanh niên, 2 đội du kích và một số an ninh mật hoạt động hợp pháp trong lòng địch.
Chính họ là tai mắt, đầu mối, phối hợp công tác và chở che cho chúng tôi bám trụ địa bàn và sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới khi được Đảng và cách mạng tin tưởng giao phó, nhờ vậy mà chỉ trong vòng 1 tuần triển khai chúng tôi đã lo liệu, chuẩn bị đầy đủ mọi thứ.
Đêm trước ngày ký hiệp định Paris, Trung đoàn 1 từ chiến khu theo dẫn đường của chúng tôi đã chiếm lĩnh trận địa. Đúng 23 giờ đêm 26/1/1973 quân ta tổ chức đánh chiếm Phân Chi khu quân sự xã Phong An (đóng ở trụ sở UBND xã Phong An hiện nay) và tiếp đó đánh chiếm mục tiêu bắc cầu An Lỗ, đẩy lực lượng cảnh sát dã chiến, lực lượng địa phương quân tháo chạy qua vùng chùa Long Quang thuộc địa phận của thị xã Hương Trà bây giờ.
6 giờ ngày 27/1/1973. Sau khi Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng đồng loạt phát thông báo Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực thì cả một miền dọc sông Bồ từ Hiền Sỹ đến An Lổ rợp cờ Mặt trận dân tộc giải phóng.
Bộ đội và nhân dân vô cùng phấn khởi vì nghĩ rằng sau nhiều năm chìm trong máu lửa của chiến tranh, quê hương đã có hòa bình, dù chưa trọn vẹn!
Trong những ngày ngắn ngủi đó, theo chỉ đạo của trên, chúng tôi đã gấp rút tổ chức bộ máy quân quản để lãnh đạo và chỉ đạo nhân dân đấu tranh buộc địch thi hành hiệp định Paris. Và sự ngây thơ đó đã bị trả giá!
Một tuần sau, địch tung đại đội Biệt động quân đánh thăm dò, thấy ta phản ứng yếu ớt nên 2 ngày sau chúng đã quyết định tung Tiểu đoàn Biệt động quân và Đại đội Cảnh sát dã chiến có xe tăng yểm trợ tiến hành phản kích và đã đẩy toàn bộ lực lượng của ta ra khỏi địa bàn Phong An!
Chưa dừng lại, chúng tiếp tục truy kích. Chiến sự nổ ra ở khu vực khe nước nóng Thanh Tân. Thấy Trung đoàn 1 thương vong nhiều, Quân khu Trị Thiên - Huế điều Trung đoàn 3 (do anh Võ Chót làm Trung đoàn trưởng, sau này là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh QK4) về thay thế và tạo nên phòng tuyến Phong Sơn (cuối năm 1973, Trung đoàn 4 do anh Nguyễn Quốc Khánh làm Trung đoàn trưởng được Quân khu Trị Thiên - Huế cử về thay thế Trung đoàn 3).
Sau khi tái chiếm Phong An, địch tiến hành bình định, thanh lọc và với sự chỉ điểm của bọn gián điệp, đội ngũ cơ sở hợp pháp của ta bị lộ nên chúng đàn áp rất khốc liệt.
Đến mãi bây giờ tôi vẫn không thể nào quên tấm gương kiên trung của các chị Hoàng Thị Quả (Bí thư chi bộ hoạt động hợp pháp), chị Nguyễn Thị Bê (du kích mật) và chị Giãnh (du kích mật). Cả 3 chị đều ở độ tuổi thanh xuân đã bị chúng bắt, hãm hiếp, đánh đập hành hạ rất dã man nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, không hé một lời.
Bất lực, bọn chúng quyết định thủ tiêu bằng cách trói cả 3 chị thành một chùm rồi ném xuống cầu An Lổ. Hai chị Hoàng Thị Quả, Nguyễn Thị Bê hy sinh, còn chị Giãnh may mắn thoát chết nhờ dây trói bị đứt, sông Bồ lại vào mùa kiệt nên khi tỉnh dậy chị Giãnh đã bò được vào bờ (hiện chị còn sống ở thôn Phò Ninh, xã Phong An).
Trước tình hình như thế, thực hiện chủ trương của Huyện ủy Phong Điền, một mặt chúng tôi tìm đường giúp Trung đoàn 1 rút quân (khổ nhất là chuyển đại đội cối 120 ly) và mặt khác lực lượng của 2 xã Phong An, Phong Sơn phải tìm mọi cách đưa số cơ sở, nhất là đảng viên, cốt cán bị lộ ra vùng giải phóng và gần 20 gia đình cơ sở cách mạng đã kịp thoát vòng vây giặc, lập nên làng giải phóng tại Tam Dần.
Sau khi Trung đoàn 1 rút lui, số anh em du kích, an ninh ở Phong An còn lại rất ít. Thôn Phò Ninh thời điểm có tôi, anh Đợi, anh Minh, anh Kiếm; ở thôn Vĩnh Hương có các anh: Quyền, Cầu, Rạm, Hùng. Chúng tôi đào hầm ở các rú để bám dân, bám địa bàn, còn địch thì cho xe cày ủi vùng giáp ranh và tiến hành bình định các thôn. Để thể hiện quyền kiểm soát chúng buộc các nhà phải sơn, kẻ lên tường hoặc mái lá cờ vàng ba sọc đỏ.
Bị địch khủng bố, ngoài số bị bắt, số cơ sở còn lại phải chạy trốn khắp nơi, đặc biệt có chị Châu Thị Thỏn, Bí thư chi bộ xã Phong Sơn (cơ sở nuôi dưỡng nhà văn Nguyễn Quang Hà, nguyên TBT Tạp chí Sông Hương) và mẹ Trần Thị Con, Chi ủy viên Chi bộ Phong Sơn (mẹ vợ của Bác sĩ Dương Quát nay nghỉ hưu ở Đông Hà - QuảngTrị).
Sau hơn nửa tháng kiếm tìm, cuối cùng chúng tôi được chị Nuôi, một đảng viên hợp pháp ở xóm Bồ báo cho biết đã liên lạc được với chị Châu Thị Thỏn, mẹ Trần Thị Con và cả nhà họ hiện đang trú trong nhà của chị.
Xóm Bồ là vùng lõm của thôn Bồ Điền xã Phong An, nằm phía dưới QL1 và tiếp giáp với xã Phong Hiền nên địch ít chú ý. Thế là trong đêm, từ Phò Ninh tôi và anh Kiếm cắt đường tìm về xóm Bồ để đưa cả hai gia đình ra vùng giải phóng. Thấy nhà chị Nuôi đỏ đèn - tín hiệu an toàn, chúng tôi xâm nhập và tổ chức đưa họ đi. Cuộc giải cứu 2 gia đình diễn ra trong lặng lẽ.
Vì không có giao liên dẫn đường nên tôi và anh Kiếm không biết điểm nào có địch phục kích để mà tránh, trong khi đó trên tuyến QL1, quãng từ An Lỗ ra KM 23 địch bố trí nhiều điểm chốt chặn.
Nhờ thông thuộc địa hình, thay bằng trở lại con đường đã đi, 2 chúng tôi quyết định từ xóm Bồ ngược ra phía bắc vượt qua trảng cát Phong Hiền rồi men theo tuyến giao liên của Quảng Điền để đưa họ lên Vĩnh Hương.
Đó là đêm trăng rất sáng. Mọi vật rõ mồn một, nhất là khi qua trảng cát mà rú đã bị cày nát ở Phong Hiền. Nếu địch phát hiện, chắc chắn chết nhiều hơn sống. Dù có hy sinh cũng phải qua, nếu chần chừ không đưa gia đình chị Thỏn và mẹ Con trốn thoát thì chắc chắn họ sẽ bị địch thủ tiêu như chị Quả, Chị Bê. Chị Châu Thị Thỏn là vợ liệt sĩ có 2 con đứa con trai chưa đầy 10 tuổi. Còn mẹ Trần Thị Con, chỉ có mình Hiền là con gái, lúc đó chừng 15 tuổi.
Để vượt qua trảng cát, tôi đi trước và cõng cháu Đức, anh Kiếm đi sau cùng, cõng cháu Thế. Số còn lại đi giữa, phòng thất lạc.
Cả đoàn lặng lẽ đi trong đêm, đến gần nửa đêm về sáng thì đến QL1, đoạn KM23. Dừng lại, tôi băng qua đường quan sát. Thấy không có động tĩnh gì mới quay lại cõng cháu Đức và dẫn đoàn cùng đi. Mãi đến 5 giờ sáng, sau khi băng qua rất nhiều đồi, đoàn chúng tôi mới tới được rú Vụng Côm. Đây là nơi anh em du kích Vĩnh Hương hay ở, vì sợ bị vấp phải mìn nên không dám vào. Ngồi đợi một lúc mới thấy anh Cầu ra ngụy trang đường vào căn cứ nên tôi gọi. Anh Cầu mừng quá, hỏi ngay: ai đi sau mà đông rứa, lại còn có cả con nít?
Suốt một ngày ở lại đây, đến tối, tôi bắt được liên lạc và đưa 5 người về vùng giải phóng Phong Sơn. Sau khi bàn giao họ cho anh Tuy giao liên, tôi quay trở lại Phong An tiếp tục bám trụ cho đến ngày quê hương giải phóng.
Mới đó mà đã gần 40 năm...
Cháu Đức đêm nào tôi còn cõng trên lưng nay đã là Thượng tá, Thị đội trưởng Hương Trà. Em Hiền đã trở thành bác sĩ và có cháu nội, cháu ngoại...
Chuyện đã lâu nhưng với tôi kỷ niệm của tình quân dân ấy vẫn đong đầy, vì ngoài trách nhiệm nó còn thể hiện tình yêu thương với đồng chí, đồng đội, nhất là lúc khốn khó.
H.X.M
(SH286/12-12)
_________________________________________________________________________________

Ông Hồ Xuân Mãn có cướp công?


Bài 1: Nhân chứng một thời (08/01/2013)

"Em đi đâu cũng nghe người ta bàn chuyện báo chí viết về anh Hồ Xuân Mãn. Theo em, với kinh nghiệm của mình anh nên tìm hiểu sự việc thế nào. Có phải anh Hồ Xuân Mãn là "người cướp công của đồng đội?”. Đó là E-mail của đồng nghiệp gửi cho tôi sau khi bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Hà có tựa đề "Về lại Phong Điền” đã được photo phát tán nhiều nơi làm dấy lên sự hoài nghi, lo lắng về nhân phẩm, đạo đức và thậm chí bôi nhọ thanh danh của một con người từng là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế 2 nhiệm kỳ. Vì thế, chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu sự thật.


Giấy chứng nhận Dũng sĩ, Chiến sĩ thi đua
trong những năm chiến tranh mà ông Hồ Xuân Mãn còn lưu

Ông Hồ Xuân Mãn, sinh năm 1949, quê ở thôn Phò Ninh, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế; tham gia cách mạng khi 14 tuổi, đến năm 1967 thì thoát ly gia đình, trực tiếp cầm súng đánh giặc. Trong những năm chiến tranh, từ một chiến sĩ an ninh vũ trang tỉnh Thừa Thiên, ông làm Đội trưởng Trinh sát an ninh vũ trang Ban An ninh huyện Phong Điền. Từ năm 1973 cho đến ngày quê hương Thừa Thiên - Huế giải phóng (26-3-1975), ông Hồ Xuân Mãn là Trưởng ban An ninh kiêm Xã đội trưởng xã Phong An, huyện Phong Điền. Suốt thời gian 5 năm (1970 -1975) bám dân, bám đất và kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội, ông Hồ Xuân Mãn đã lập nhiều chiến công xuất sắc và góp phần tạo nên vành đai Sơn - An - Nguyên diệt Mỹ nổi tiếng.
Năm 1994, tại khách sạn Hương Giang (Huế), thấy ông Lê Việt Hà (Trưởng Công an TP. Huế) gọi, xưng hô rất thân mật với ông Hồ Xuân Mãn (Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy), tôi hỏi: "Hai anh đã thân nhau à?”. Ông Lê Việt Hà cho biết: "Từ giữa năm 1968, ở vùng thượng nguồn sông Bồ, trên đường đi công tác, bọn mình gặp biệt kích Mỹ”. Rồi chỉ vào ông Hồ Xuân Mãn đang ngồi đối diện, ông Hà khẳng định: "Chính anh Mãn đã cõng và cứu mình thoát chết. Nghĩa tình sâu đậm lắm, không ở trong cuộc không biết mô!”.
Đại tá Nguyễn Việt Hùng - nguyên Giám thị Trại giam Bình Điền, quê ở xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy nhớ lại: "Toán chúng tôi có 3 người. Anh Lê Việt Hà đi đầu, kế đến là tôi và anh Hồ Xuân Mãn. Trong khi chúng tôi đang leo dốc thì địch bất ngờ nổ súng. Anh Hà kêu thất thanh: -Hùng ơi, mình bị thương rồi! Tôi hỏi anh Mãn: Anh Hà bị thương thì mần răng?Anh Mãn nói: -Phải đưa lui và cấp cứu ngay! Trong khi chúng tôi thay nhau cõng tìm nơi để vừa tránh địch vừa tiến hành băng bó vết thương thì anh Lê Việt Hà trăng trối: "Đ/c Lớn đang nợ tôi mấy chục triệu” (tiền của chế độ cũ, anh Hà ứng để về đồng bằng mua gạo cho đơn vị) và hô khẩu hiệu: Đảng Lao động muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Hô đến lần thứ 3 thì anh Hà ngất lịm. Chúng tôi tưởng anh Lê Việt Hà đã hy sinh nên đem giấu vào một bụi rậm rồi tìm đường trở lại đơn vị, bởi lúc này địch đã gọi máy bay đến oanh kích rất dữ dội. Sáng hôm sau chúng tôi được đơn vị phân công quay trở lại tìm kiếm anh Lê Việt Hà. Ngoài 2 chúng tôi còn có thêm anh Hồ Văn Ninh, sau này là Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Thừa Thiên - Huế (vừa nghỉ hưu). Tìm mãi không thấy, anh Mãn ngại rằng, không lẽ ngửi được mùi máu, cọp đã tha xác anh Hà? Dù vậy, cả mấy anh em chúng tôi phân nhau tìm kiếm, nếu hy sinh thì phải tìm cho được thi thể của anh Lê Việt Hà để mai táng và báo cáo cho đơn vị. Hóa ra nửa đêm tỉnh lại, anh Lê Việt Hà đã bò đi tìm nước uống và bị ngất xỉu nên nằm lại bên bụi lá nón, gần bờ khe. Anh Lê Việt Hà thoát chết trong hoàn cảnh ấy”.
Trong hồi ký của mình, ông Lê Sáu, quê ở huyện Phú Lộc, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên, nguyên Bí thư Huyện ủy Phong Điền thuật lại: "Ngày 6-9-1969, tôi được Thường vụ Khu ủy Trị Thiên - Huế điều động trở lại Phong - Quảng Điền thay đồng chí Vũ Thắng (sau này là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế) làm Bí thư Huyện ủy Phong Điền phụ trách Quảng Điền. Đầu năm 1970, sau khi đồng chí Hồ Xuân Mãn dự học lớp nghiệp vụ An ninh ở Quảng Bình vào, theo đề nghị của tôi, đồng chí Tư Minh - Phó Bí thư Khu ủy, Trưởng ban An ninh Khu đồng ý không để đồng chí Hồ Xuân Mãn về lại đơn vị cũ mà chuyển về công tác tại Ban An ninh huyện Phong Điền do tôi làm Trưởng ban. Mãi đến khi đồng chí Ngô Văn Viện (cần vụ) bị thương mới chọn đồng chí Hồ Xuân Mãn làm thư ký và bảo vệ cho tôi. Lớp học nghiệp vụ An ninh 3 tháng được tổ chức tại xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình do ông Hồng Lam, cán bộ An ninh Khu ủy Trị Thiên - Huế phụ trách. Đồng chí Nguyễn Đình Bảy - Phó Ban An ninh Khu ủy Trị Thiên - Huế; Vĩnh Thành - Trưởng Ty Công an Đặc khu Vĩnh Linh cùng nhiều cán bộ của C500 được Bộ Công An cử vào tham gia giảng dạy. Lớp học chỉ có 2 trung đội. Một do ông Ngọc Anh (quê Hương Trà, chồng của chị Lành, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ Huế) làm Trung đội trưởng. Trung đội còn lại do ông Hồ Xuân Mãn làm Trung đội trưởng. Số học viên nay chỉ còn vài người như: ông Nguyện (nguyên Phó Phòng Tổ chức Công an Thừa Thiên - Huế), ông Cưụ (Công an Phong Điền), bà Điền, bà Hợi (Công an Hương Điền cũ), ông Cống (Công an Quảng Điền), ông Kiên (Công an Phú Lộc), ông Nguyễn Việt Hùng (nguyên Giám thị Trại giam Bình Điền), chị Lê Thị Thu (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBMTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế)... Cuối năm 1970, Thường vụ Huyện ủy Phong Điều quyết định cử đồng chí Hồ Xuân Mãn làm Đội trưởng Trinh sát An ninh ở Phong An - Phong Sơn”.
Ông Ngô Kha, quê ở Quảng Trị, sau khi tốt nghiệp Đại học, năm 1964 đã vào chiến trường Thừa Thiên - Huế công tác. Trong những năm chiến tranh, ông Phụ trách Báo Cờ giải phóng, Bí thư Đảng ủy Ban Tuyên huấn Thừa Thiên. Ông Ngô Kha cho biết: "Hễ lần nào tỉnh mở Đại hội chiến sĩ thi đua thì lần đó đều có anh Hồ Xuân Mãn tham dự. Tôi biết rõ điều này vì tôi được phân công viết giúp bản báo cáo thành tích cho anh Mãn và nhiều người khác. Năm 1973, sau Đại hội thi đua của tỉnh Thừa Thiên, một số cán bộ tiêu biểu được chọn đi dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua tổng kết 18 năm chống Mỹ của Quân khu Trị Thiên - Huế tổ chức ở Cồn Tiên - Quảng Trị. Ông Ngô Kha là đại biểu chính thức. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ tham dự Đại hội với tư cách là phóng viên Tạp chí Văn nghệ Trị Thiên - Huế vừa mới thành lập”.
Ông Hồ Viết Lễ - nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thương mại Thừa Thiên - Huế, một trong những Chiến sĩ thi đua tham dự Đại hội ở Cồn Tiên nhớ lại: "Theo kế hoạch, tôi được phân công báo cáo điển hình xã T.(tức Phú Thạnh - Phú Đa ngày nay), anh Nguyễn Văn Thạnh báo cáo điển hình xã M. (tức Mỹ Thủy - Thủy Phương), anh Hồ Xuân Mãn báo cáo điển hình xã A. (tức xã Phong An).”
Ngoài 3 lần tham dự Đại hội chiến sĩ thi đua, ông Hồ Xuân Mãn từng đã có 33 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ, 3 Huân chương Chiến công hạng Ba, 3 Huân chương Giải phóng các hạng và 1 Huân chương Quyết thắng, 3 huy hiệu Chiến sĩ thi đua, nhiều bằng khen và cả giấy chứng nhận danh hiệu "Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”.
Trong những chiến công xuất sắc của ông Hồ Xuân Mãn, theo ông Lê Sáu thì việc ông Hồ Xuân Mãn phối hợp với lực lượng của 2 xã Phong An -Phong Sơn vào đầu tháng 10-1972 diệt được tên ác ôn khét tiếng (xin không nêu tên) là vang dội nhất, vì tên này có đặc điểm là sau khi sát hại cán bộ, du kích của ta, hắn tự xẻo tai rồi đeo lên cổ. Hắn khoe đã giết được 82 cán bộ, du kích Phong - Quảng nằm vùng. Trong hồi ký của mình, ông Lê Sáu còn dẫn nhiều trường hợp anh Hồ Xuân Mãn đã cùng đồng đội tham gia diệt ác trừ gian và tổ chức đánh địch rất cụ thể, nhưng vì đó là chiến tranh và phần lớn vợ con họ hiện đang còn sống, có những người cùng quê; hơn nữa Đảng ta chủ trương khép lại quá khứ nên ông Lê Sáu không đồng ý nêu cụ thể.
Hữu Thu-Bảo Hân


Bài 2: Những chiến công thầm lặng (09/01/2013)

Sau Hiệp định Paris 1973, địch dùng 1 tiểu đoàn biệt động quân và 1 đại đội cảnh sát dã chiến có xe tăng yểm trợ để tái chiếm xã Phong An. Sau khi tái chiếm, chúng tiến hành bình định, thanh lọc. Nhiều đảng viên, an ninh, du kích của ta bị bắt, tra tấn tù đày, thậm chí còn bị thủ tiêu.




Để bảo toàn lực lượng, Huyện ủy Phong Điền chủ trương gấp rút đưa những cơ sở còn lại ra vùng giải phóng. Nhận nhiệm vụ của cấp trên giao, ông Hồ Xuân Mãn đã cùng với lực lượng 2 xã Phong An và Phong Sơn bí mật tổ chức đưa hơn 20 gia đình cơ sở cách mạng lên chiến khu. 
Sau gần 1 tháng rời địa bàn đi dự Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua ở Cồn Tiên, ông Hồ Xuân Mãn quay trở lại A Lưới và biết ở quê mình chị Hạnh - Huyện ủy viên, Bí thư xã Phong An; anh Đời - Bí thư xã Phong Sơn; anh Thuận - Xã đội trưởng Phong An; anh Đàm, anh Anh - du kích và nhiều đồng chí khác đã lần lượt hy sinh. Trước tình hình đó, ông báo cáo với ông Vũ Thắng - Bí thư Tỉnh ủy và ông Nguyễn Đình Bảy - Phó Ban An ninh Khu ủy xin trở lại Phong Điền. Về đến nơi, ông Lê Tư Sơn - Bí thư Huyện ủy, ông Phạm Văn Danh - Trưởng Ban An ninh huyện cho ông Hồ Xuân Mãn biết: "Tình hình Phong An bây giờ gay go lắm. Thường vụ tin đồng chí và giao đồng chí tìm mọi cách trở lại chỉ đạo phong trào.” 
Liên quan đến nội dung bài viết "Về lại Phong Điền” của nhà văn Nguyễn Quang Hà, ngày 5-12-2012, ông Đồng Hữu Vinh - Trung tá, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm Chính trị Ban CHQS huyện Phong Điền và ông Nguyễn Văn Lương - Thượng tá, nguyên Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phong Điền đã có văn bản phản hồi. Ông Đồng Hữu Vinh cho biết: "Tôi thấy rằng: một số nội dung và ngôn từ của bài báo phản ánh không đúng sự thật và bị cường điệu hóa làm cho người đọc hiểu sai vấn đề.”...Có đoạn thoại (trích đăng trong bài báo), theo khẳng định của ông Đồng Hữu Vinh "là hoàn toàn sai sự thật”.
Để tránh địch phát hiện, ông Hồ Xuân Mãn và ông Hùng (du kích) lội xuống bàu (ruộng sâu) dùng cỏ để ngụy trang. Trong cuộc đời tham gia hoạt động cách mạng của ông Hồ Xuân Mãn, theo ông đây là thời điểm gian khổ nhất, vì ban đêm thì lạnh, muỗi bu kín đầu còn ban ngày nắng như đổ lửa, nước lại nóng, bụng đói lại bị đỉa hành. Đêm xuống, cởi hết áo quần, toàn thân đầm đìa máu và đỉa. Hai ngày sau, họ mới tiếp cận được ấp Phò Ninh và gặp được chị Nguyệt - cơ sở của ta. Chị Nguyệt khuyên họ: "Đi đi, ở đây là chết vì địch đóng ở khắp nơi”. Thông qua chị Nguyệt, cuối cùng ông Hồ Xuân Mãn đã gặp được chị Hoa - cơ sở mật của an ninh. Gặp lại cán bộ cách mạng, chị Hoa òa khóc: "Chết hết rồi, chú về chi nữa!”
Từ đó, cùng với anh em an ninh, du kích, ông Hồ Xuân Mãn gây dựng lại phong trào. Chi bộ mật, Chi đoàn mật, 5 tổ du kích mật được khôi phục và hoạt động trở lại. Tháng 3-1975, mặc dù không có lực lượng chủ lực hỗ trợ nhưng ông Hồ Xuân Mãn đã cùng lực lượng tại chỗ tổ chức nhân dân 2 xã Phong An - Phong Sơn nổi dậy, phá toang cánh cửa phía Bắc, tạo điều kiện cho Quân đoàn II tiến quân vào giải phóng Huế.
Nếu không được nghe những người trong cuộc kể lại những câu chuyện sau đây thì khó mà hình dung về phẩm chất của một người anh hùng một lòng kiên trung với Đảng, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ cán bộ lãnh đạo trong những năm đầy gian khổ và ác liệt của chiến tranh.
Đó là tháng 6-1970, một đoàn cán bộ 5 người, gồm ông Vũ Thắng - Bí thư Đảng ủy Đoàn 6 và 2 cần vụ, ông Lê Sáu - Bí thư Huyện ủy Phong Điền, Thường vụ Đảng ủy Đoàn 6, do ông Hồ Xuân Mãn (lúc đó là thư ký và bảo vệ cho đồng chí Lê Sáu) dẫn đầu hành quân từ dốc Cao Bồi trên đất Lào để trở về hậu cứ Phong Điền. Do đoàn không có trinh sát, không có giao liên dẫn đường nên tính mạng của 4 con người, trong đó có 2 vị lãnh đạo chủ chốt của Thừa Thiên đều phó thác vào ông Hồ Xuân Mãn. Khi đến đoạn đường gần cao điểm Cóc Bai - ngã 3 Quảng Trị thì diễn ra tình huống: địch vừa phục kích và cắm 3 cái đầu máu đang còn chảy. Trước diễn biến bất ngờ đó, ông Hồ Xuân Mãn đã cùng với ông Viết (bảo vệ của đồng chí Vũ Thắng) tiến hành kiểm tra. Biết địch đã rút, không gài lựu đạn nên cả đoàn tổ chức mai táng. Nhóm 3 người của Đoàn 6 tạm dừng lại chờ dò đường, còn ông Mãn, ông Sáu tiếp tục đi. Gần giữa chiều, linh cảm bất an nên ông Mãn dừng lại nói nhỏ với Thủ trưởng của mình: "Chú đợi cháu ở đây” rồi tiếp tục trinh sát. Được một quãng, ông Mãn phát hiện giữa đường địch lại cắm 1 cái đầu. Đi tiếp, ông lại phát hiện thêm 1 cái đầu khác. Cả 2 máu còn chảy, chứng tỏ địch vừa phục kích tại đây.

Văn bản của ông Đồng Hữu Vinh và Nguyễn Văn Lương 
có xác nhận của Thượng tá Đặng Trần Sơn 
- Chính trị viên Ban CHQS huyện Phong Điền


Kể cho nghe tôi nghe đến đoạn này ông Lê Sáu nói: "Thú thật đến lúc đó mình cảm thấy ớn lạnh. Phải là con người gan lỳ, không biết sợ mới dám liều lĩnh đi một mình như thế. Đó là phẩm chất của một anh hùng!”. 
Về đến căn cứ của xã Phong Thu, ông Hồ Xuân Mãn lại nhận nhiệm vụ đi tìm gạo, muối cứu đói cho bộ phận của ông Phan Bằng - Tỉnh đội trưởng và ông Võ Lạng (sau giải phóng là Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc) - Cán bộ tổ chức của Trung đoàn 6 đã đói nhiều ngày đang tìm đến để xin tiếp tế. Đó là một nhiệm vụ rất nguy hiểm. Trong những năm chiến tranh, để bảo vệ số lương thực cất giấu, trước khi chuyển chỗ đóng quân, anh em ta thường gài lựu đạn để phòng địch hoặc thú rừng phá hoại. Anh Hoàng Khuê (Thu) - Bí thư xã Phong Thu đã chết vì mìn do anh em gài lại ở hầm cũ. Trước khi đi, ông Lê Sáu dặn ông Mãn: Phải hết sức cẩn thận "vì đồng chí là người duy nhất gắn liền sinh mạng với tôi và sứ mệnh của Đảng bộ 2 huyện Phong - Quảng”.
Ông Lê Sáu thuật lại trong hồi ký: "Như một người đi dò mìn, anh Mãn lần từng đoạn, phát hiện vật nổ cả dưới đất lẫn trên cây, vượt qua đoạn này đến đoạn khác. Gần 12 giờ trưa anh Mãn mới tìm ra chỗ giấu gạo, muối và gùi về được 50 lon gạo, 3 lon muối và mang theo 2 quả lựu đạn mà anh em mình đã gài ở miệng hầm. Anh Mãn chia cho anh Phan Hường 18 lon gạo, 1 lon muối, anh Võ Lạng 32 lon gạo, 2 lon muối. Cân lương khô mang từ khu ủy về anh Mãn cũng cho luôn đoàn của anh Võ Lạng.”
Trong hồi ký của mình, ông Lê Sáu còn ghi lại kỷ niệm mà trong gần 10 năm làm Bí thư Huyện ủy Phong Điền, ông không bao giờ quên cái đêm anh Hồ Xuân Mãn tổ chức đưa ông vượt qua căn cứ địch ở Đồng Lâm - Ngành Ngạnh. Ông Sáu cho biết: "Đoạn đường không dài mà ở đó có 36 cụm biệt kích Mỹ chốt giữ. Đêm đó, tôi bị vọt bẻ nên phải lết từng bước một, tránh hết ổ biệt kích này, lết qua ổ biệt kích khác chốt xen kẽ nhau giữa các quả đồi. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, địch phát hiện được, chúng tôi chỉ có tử chiến, khó thoát chết.”.
Sự thật về năm tháng chiến đấu can trường của ông Hồ Xuân Mãn có thể viết thành một cuốn truyện ký. Tuy nhiên, chỉ riêng một số thông tin vừa nêu cũng đã đủ hình dung về phẩm chất của một cán bộ nằm vùng. Điều cần nói thêm là kể từ khi đất nước đổi mới, từ một Bí thư Huyện ủy, ông Hồ Xuân Mãn phấn đấu và trở thành Bí thư Tỉnh ủy 2 nhiệm kỳ, được tặng thêm 8 Huân chương, trong đó có 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì và 1 Huân chương chuyên án an ninh tôn giáo, 1 Huân chương Đại Đoàn Kết dân tộc, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 1 Huân chương Hữu nghị, 1 Huân chương Itxala. 
Năm 2010, xét thành tích cả thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ông Hồ Xuân Mãn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Hữu Thu - Bảo Hân


Anh hùng LLVTND Hồ Xuân Mãn: Người con ưu tú của đất Phò Ninh

9:55, 31/01/2013

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Xuân Mãn.

Đêm 9/9/1966, có một chàng trai chưa tròn 16 tuổi, từ biệt cha mẹ, ông nội và làng Phò Ninh, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên để cùng những người bạn đồng liêu là các anh Hoàng Xê, Hồ A… tìm đường lên chiến khu tham gia kháng chiến, gia nhập vào Đại đội An ninh vũ trang đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên. Trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc trên mặt trận Thừa Thiên, anh đã cùng với những đồng đội của mình tổ chức nhiều trận đánh "xuất quỷ nhập thần" làm cho quân lực Hoa Kỳ và binh sĩ quân đội Sài Gòn nhiều phen kinh hồn, bạt vía…
Kẻ thù từng xem anh là "tên an ninh Việt Cộng đặc biệt nguy hiểm" và đã nhiều lần đưa ảnh chân dung của anh lên mục cáo thị để treo giá trọng thưởng bằng tiền cho bất cứ ai bắt sống hoặc tiêu diệt được anh (Theo hồ sơ của Cảnh sát đặc biệt chế độ Sài Gòn để lại - NV). Chàng trai lớn lên từ đất làng Phò Ninh ấy tên là Hồ Xuân Mãn - một người đã đi qua chiến tranh với 33 lần được phong dũng sĩ, 3 Huân chương Chiến công hạng Ba, 3 Huân chương Giải phóng các hạng và 1 Huân chương Quyết thắng, 3 huy hiệu Chiến sĩ thi đua, nhiều bằng khen và cả giấy chứng nhận danh hiệu "Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường".
Sau này, trong công cuộc dựng xây quê hương, đất nước, ông là Ủy viên Trung ương Đảng, 2 nhiệm kỳ liên tiếp giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế và vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Một ngày cuối năm se lạnh ở làng Phò Ninh, trên bậc thềm của ngôi nhà hương hỏa của gia đình, tôi có dịp ngồi đối diện cùng ông để được nghe ông kể thật nhiều những câu chuyện của tuổi thơ nghèo khó, những năm tháng tham gia kháng chiến vào sinh ra tử rồi thời kỳ hậu chiến vất vả, kiến thiết xây dựng quê hương và cả những được mất, buồn vui của một đời người…
Ông kể rằng, khi mình lớn lên, biết suy nghĩ mới thấy những người thân của mình, bà con làng xóm của mình đã bao năm phải chịu đựng dưới nhiều tầng áp bức của chế độ đương thời. Được giác ngộ bởi chính những người thân trong gia đình đã tham gia cách mạng trước đó, cùng với bầu máu nóng của lớp người trẻ tuổi, vậy là ông cùng với những người bạn đồng liêu trong làng quyết định ra đi. Ông kể, ngày đó quyết tâm lên rừng theo cách mạng nhưng chưa thấu tỏ cách mạng là gì hết.
Đêm hôm ấy ra đi cùng với Hoàng Xê, Hồ A và một người bạn nữa tên là Hoàng Nãi, nhà ở cạnh nhà ông. Nhưng khi đến giờ hẹn để lên đường thì anh Nãi bảo rằng đi bộ đội chủ lực xa nhà quá, thôi thì để anh ở lại đi du kích địa phương, vậy là chỉ còn lại ba anh em lặng lẽ tìm đường đến điểm hẹn có người đưa lên chiến khu trong đêm tối. Hành trang lên hậu cứ cách mạng của Hồ Xuân Mãn ngày ấy chỉ có một chiếc võng, một chiếc dù của ông nội tặng, mẹ ông mua cho đôi dép mới, hai bánh đường đen với hai lon đậu huyết (đậu đỏ - NV) của gia đình trồng được.
Đúng giờ hẹn, giao liên có mặt để đưa ba anh em lên đường. Từ Phong An đi lên hướng xã Phong Sơn, vượt dốc Ba Trục ở chỗ khu du lịch nước khoáng Thanh Tân bây giờ, rồi luồn rừng đi mất một đêm hôm đó với gần một ngày hôm sau mới đến chiến khu. Đến nơi, ba anh em nhìn nhau rơm rớm nước mắt vì trước lúc đi ai cũng nghĩ rằng ở vùng Cách mạng cũng có nhà, có xe, có mọi thứ chứ cả ba người không ai hình dung được cách mạng lúc ấy chỉ là vài cái lán nhỏ bằng tranh tre nứa lá được dựng chênh vênh bên cạnh bờ suối ở trong rừng già, xung quanh chỉ toàn là những thứ âm thanh lạ kỳ của chim kêu, vượn hú…
Chiều hôm ấy, cả ba người được các chú, các bác trong hậu cứ nấu cơm cho ăn, ăn cơm xong thì cả ba người ngồi ôm nhau khóc vì nhớ nhà. Thỉnh thoảng nghe từ phía bờ suối vọng lên tiếng kêu quép… quép… của mấy con ếch ương, hỏi mấy ông cán bộ con gì kêu, mấy ông cán bộ bảo đó là tiếng kêu của cọp. Nghe đến đó là cả ba người hoang mang đến tột độ. Ngày hôm sau, cấp dưỡng nấu cơm nhưng cả ba đều ủ ê nằm khóc, không một ai dậy ăn cơm mà nằm bàn với nhau "thôi thì trốn về quê đi du kích, chứ ở giữa rừng già này thì biết làm sao…".
Bước qua ngày thứ ba ở rừng thì anh Vân (người quê gốc ở Hải Phòng do Bộ tư lệnh Công an vũ trang chi viện vào làm Đại đội trưởng, anh Minh Chính trị viên; anh Lợi người ở huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên là Đại đội phó) gọi ba người dậy để động viên, anh Vân nói: "Nếu mấy chú muốn về thì các anh cho về, nhưng bây giờ không có giao liên nên các chú phải tự đi, cái khó là bây giờ mấy chú đi ra là cọp nó chụp liền, chết mà không toàn thây vì bị cọp ăn thì cũng khổ…". Nghe xong, cả ba nhìn nhau rồi bằng lòng ở lại. Ở hậu cứ được chừng một tuần lễ thì cả ba anh em bắt đầu bị sốt, nằm liệt gần một tháng trời, đứa nào cũng xanh xương, vàng da, trên đầu rụng không còn lấy một sợi tóc.
Ông Mãn nhớ lại, nằm trong lán vật vã phải hơn một tháng sau mới khỏe, khi thấy đã quen với đời sống núi rừng thì các đồng chí lãnh đạo mới cho đi huấn luyện. Lúc đó, mỗi đứa được phát một cây súng K44 (loại súng bỏ từng viên đạn rất to rồi lắc để bắn), ôm cây súng trên tay mà nước mắt chảy dài vì cây súng ấy dựng lên đã cao hơn mình một đoạn. Những ngày ấy ở chiến khu, anh em trẻ như ông chủ yếu là được đơn vị cho đi bảo vệ mục tiêu lúc đó là cơ quan tỉnh ủy, rồi đi tuần xung quanh khu vực đóng quân.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông Hồ Xuân Mãn.

Nhấp một ngụm trà đang tỏa hương ngào ngạt, ông Mãn kể tiếp: Cho đến bây giờ ông vẫn không thể nào quên được cái buổi chiều đầu tiên trong cuộc đời mình nhìn thấy máu chảy. Đó là một buổi chiều đầu năm 1966, sau khi Tiểu đội bảo vệ của ông được giao nhiệm vụ đi bảo vệ Đại hội thi đua của tỉnh trở về, trên đường về thì gặp trời mưa, với lại anh em tranh thủ dọc đường hái măng giang để mang về cải thiện đời sống nên áo quần người nào cũng bẩn. Vừa về đến lán trại của đơn vị, để súng đạn và số măng giang hái được ngổn ngang trên sàn là anh em lao ngay xuống suối tắm.
Tắm xong thì anh Thành quê ở xã Quảng Điền (nay còn sống ở Quảng Điền - NV) lên trước ngồi lau súng, tiếp đó anh em theo lên nhưng còn lại một người là anh Huề quê ở xã Phong Sơn là Tiểu đội trưởng mà không ai hay biết. Vừa ngồi lau súng, anh Thành vừa hỏi "còn đứa nào dưới suối không? Cũng chẳng thấy ai trả lời nên anh Thành thử siết cò thì bỗng dưng súng nổ. Từ dưới suối, anh Huề la toáng lên: "Chết rồi tụi bây ơi…tao gãy chân rồi…".
Hoảng hốt, tất cả anh em đều chạy ào xuống suối và thấy anh Huề đang quằn quại với cái chân đầy máu. Hôm đó, sau khi anh em lo băng bó, chữa thương cho anh Huề xong thì phải lo giải quyết những bức xúc của mấy anh em là người dân tộc thiểu số trong cùng tiểu đội. Cù Mi, Cù Đức và Cù Toản vì quá thương tiểu đội trưởng Huề mà cho rằng anh Thành là người theo địch và vì theo địch nên mới vác súng bắn Tiểu đội trưởng Huề.
Để trả thù cho Tiểu đội trưởng Huề, Cù Mi đã đi tìm anh Thành để trả thù. Đêm đó, mọi người phải đem anh Thành đi giấu ở một nơi bí mật và rạng sáng hôm sau thì đến gõ cửa cơ quan tỉnh ủy để báo cáo sự việc và xin chuyển công tác cho anh Thành về đó làm giao liên.
Suốt cả năm 1966, ông cùng đơn vị hoạt động ở vùng rừng núi ở Khe Trái, phải đến đầu năm 1967 thì mới được cấp trên cho phép về hoạt động ở vùng đồng bằng. Nhiệm vụ lúc ấy của an ninh vũ trang là xuống các xã của huyện Phong Điền, Hương Trà để phối hợp với các lực lượng "diệt ác, phá kìm", mở rộng vùng giải phóng, nới rộng dần phạm vi hoạt động. Cũng năm này, lần đầu tiên mới chính thức đụng độ với lính bộ binh của Mỹ. Ông Mãn kể, hôm ấy trung đội của ông nhận nhiệm vụ chống càn với một đại đội lính biệt kích Mỹ tập kích vào hậu cứ.
Theo phân công, cứ hai đồng chí của ta chịu trách nhiệm tiêu diệt một lính Mỹ, kế hoạch là bí mật phải đợi đến khi mục tiêu cách điểm phục kích 50 mét mới được siết cò súng. Lần đầu tiên đánh Mỹ, không riêng gì ông Mãn mà hầu hết anh em trong trung đội với vũ khí khá lạc hậu chủ yếu là súng bán tự động, súng K50, K43 Tuyn cải tiến từ chiến tranh chống Pháp còn lại, đều thấy hoang mang khi nhìn thấy đại đội lính Mỹ to lớn, kềnh càng súng đạn dàn hàng ngang tiến vào đội hình.
Y lệnh trên, khi thấy mục tiêu đã vào địa điểm cho phép là anh em đồng loạt bóp cò, sau đó rút nhanh để đề phòng phi pháo và bảo toàn lực lượng. Tổng kết trận đó, trung đội ông đã tiêu diệt 14 lính Mỹ. Anh em rất phấn khởi vì tin tưởng một cách chắc chắn rằng là mình đánh được Mỹ (trước thời điểm ông Mãn đánh Mỹ thì ở chiến trường Quảng Nam và các đơn vị du kích cũng như chủ lực của ta ở chiến trường Thừa Thiên cũng đã đánh Mỹ - NV). Từ đó, cứ theo năm tháng đánh địch, Đại đội An ninh vũ trang đa số anh em đều rất có kinh nghiệm và dạn dày trận mạc.
Cuối năm 1967, để chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, đơn vị chỉ để lại một đại đội làm nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu ở hậu cứ, số còn lại được tăng cường để nâng cấp thành Tiểu đoàn Trinh sát vũ trang do ông Hải làm Tiểu đoàn trưởng (tiểu đoàn này sau được phong Anh hùng lực lượng vũ trang, hiện có các ông Lê Việt Hà, Bạch Hiền, Phê "điếc", Điệp "đui", Bạn… hiện đang sống tại Huế). Tiểu đoàn trinh sát này được trang bị hỏa lực rất mạnh (cứ 3 người có một khẩu B40, 2 khẩu AK báng gấp) để đánh luồn sâu vào nội thành và chuẩn bị cho cuộc tiến công.
Lúc bấy giờ, Đại đội An ninh vũ trang được bố trí một trung đội ở lại bảo vệ hậu cứ, một trung đội phối hợp với lực lượng An ninh Hương Trà bảo vệ trại giam, tiếp nhận tù binh và tài liệu, một trung đội phối hợp với các lực lượng chiến đấu vào thành phố Huế. Trung đội này chia thành 2 nhóm, một nhóm đi cùng với bộ đội chủ lực và trinh sát vũ trang để tiếp quản, vận chuyển tài liệu và dẫn giải tù binh, đặc biệt là loại tình báo, gián điệp. (Các đồng chí làm công tác dẫn giải tù binh đa số là anh em người đồng bào dân tộc như: đồng chí Cu Mi, Cu Đích, Cu Pả…).
Nhóm của ông Mãn đi theo Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 do đồng chí Khảm làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Lê Khả Phiêu (sau này là Tổng bí thư BCH Trung ương Đảng) làm Chính ủy. Vừa làm nhiệm vụ chiến đấu, trinh sát, dẫn đường, vận động nhân dân tiếp tế lương thực. Ông Mãn bảo rằng, chiến dịch Mậu Thân năm 1968 với đồng chí Lê Khả Phiêu có thật nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Tỷ dụ như chuyện anh em tìm được đồng chí Quốc Bảo bị thương nặng nằm sót lại ở Cửa Đông Ba (nay anh Bảo còn sống và làm kinh doanh).
Nhớ nhất là chuyện, sau khi cả tổ dẫn Trung đoàn 9, kể cả thương binh ra vùng giải phóng, vừa đi vừa đánh nhau với Sư đoàn Kị binh Không vận số 1 của địch. Lên đến vùng A Lưới, súng mỗi khẩu chỉ còn một ít đạn, 1 đồng chí lại vác từ 2 đến 3 khẩu (vì còn phải cáng thương binh), bộ đội không đi nổi vì thiếu lương thực, xin đồng bào dân tộc cũng không có nhiều.
Đồng bào và du kích địa phương nói rằng: Bộ đội cần sắn để ăn, mình cần súng để đánh Mỹ, hay là bộ đội đổi cho mình? Lúc bấy giờ, đồng chí Lê Khả Phiêu đồng ý, cứ mỗi khẩu CKC là 3 gùi sắn, nhờ thế bộ đội có cái ăn để hành quân đến vùng giáp với biên giới Việt - Lào. Sau này, mỗi lần gặp lại đồng chí Lê Khả Phiêu, đồng chí ấy bảo rằng "vụ lấy súng đổi sắn hồi Mậu Thân suýt nữa thì bị Quân khu kỷ luật, nhưng sau khi nghe mình phân tích có lý, có tình nên Quân khu lại hoan nghênh…". 
(Còn nữa)

Người con ưu tú của đất Phò Ninh (tiếp theo và hết)

3:10, 02/02/2013
Từ A Lưới, tổ của ông Mãn quay trở lại Hương Trà để cùng với Đại đội An ninh vũ trang đánh địch, mở đường cho Tỉnh ủy chuyển từ Khe Trái, Hương Trà về khu vực Khê Đầy, Hương Thủy để trú ẩn. Thời kỳ này, ở Khe Trái máy bay B52 của địch oanh kích một ngày không biết bao nhiêu lần, đạn từ máy bay rót xuống dày đặc, rừng núi trơ trụi, hố bom chồng lên hố bom. Chỉ có các cơ quan đầu não như Thành ủy, Tỉnh ủy, Ty Công an là di chuyển an toàn, còn lại những đơn vị chưa di chuyển được, nhất là kho tàng thì bị thiệt hại rất nặng nề sau nhiều ngày rải thảm của địch.
Năm 1969, ông Mãn được đơn vị bầu là Chiến sĩ thi đua và giữa năm 1969, được Ban An ninh khu cử đi học lớp nghiệp vụ 3 tháng ở Quảng Bình. Đầu năm 1970, ông Mãn được ông Lê Sáu - Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy - Bí thư Huyện ủy xin về địa bàn Phong Điền làm thư ký và bảo vệ.
Khi trở lại vùng đất Phong Điền - Quảng Điền thì cán bộ cơ sở không còn nhiều nữa vì bị phản kích. Lúc bấy giờ, lãnh đạo quyết định trưng dụng quân của Đại đội 1, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 6 do ông Vũ Thắng (sau này là Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư tỉnh ủy Bình Trị Thiên - NV) làm Chính ủy về tăng cường cho các địa phương để bổ sung vào lực lượng du kích. Có những người đang là đại đội trưởng, đại đội phó một đơn vị chủ lực, tăng cường làm xã đội trưởng. Như trường hợp của đồng chí Tăng Văn Phả, đại đội trưởng được tăng cường làm xã đội trưởng xã Phong Sơn (sau này đồng chí Phả là Bí thư tỉnh ủy Hà Nam - NV) .
Là người dân địa phương, ông Mãn thấy rằng nếu thực hiện chính sách đưa quân chủ lực về tăng cường địa phương sẽ vô cùng nguy hiểm, hơn nữa phương án này anh em sẽ hy sinh nhiều. Thứ nhất vì quân chủ lực về ở địa phương không ai rành đường sá; thứ hai anh em không rành các phương án xây dựng cơ sở bí mật tại địa phương. Vì lẽ đó, ông Mãn đã xin ý kiến lãnh đạo để được chuyển hướng hoạt động, tức là không nằm vùng ở dọc tuyến phía ngoài (đồi rú, bờ ruộng, ao bàu) mà chuyển hẳn vào nằm vùng bí mật trong dân. Tổ chức xây dựng nên một vùng căn cứ lỏm ở ngay trong địa bàn các thôn xóm. Ở đó, ông đã cùng với các đồng chí của mình bám trụ, xây dựng các đơn vị du kích, chi bộ mật. Thời điểm này, cả Phong An, Phong Điền có gần 2 trung đội du kích mật và 3 chi bộ, chi đoàn mật.
Năm 1971, ông đã cùng với lực lượng du kích ở xã Phong An luồn sâu vào vùng địch hậu, tấn công tiêu diệt nhiều lực lượng phòng vệ dân sự của địch. Đưa hơn 40 thanh niên lên hậu cứ bổ sung thêm lực lượng. Có lực lượng trong tay, ông cùng những đồng chí của mình tổ chức những trận đánh nhỏ lẻ để dằn mặt địch, hồi ấy chủ yếu là đánh bằng bom mìn, mục tiêu là bọn nghĩa quân, địa phương quân, dân vệ…
Có lần, ông cùng với hai người đồng chí tên Minh (sau này ông Minh làm Phó giám đốc Sở Nội vụ của tỉnh Thừa Thiên Huế - NV) và Hùng (nay sinh sống ở Vĩnh Hưởng - NV) đánh một trận chí mạng làm lực lượng địch ở địa bàn Phong An hoảng loạn.
Ông nhớ lại, hồi đó, ở vị trí cổng vào làng Phò Ninh quê ông, địch thành lập nên một cái chốt và bố trí ở đó một trung đội để canh chừng. Sau một thời gian điều nghiên quy luật hoạt động của địch, ông quyết định đánh. Hôm ấy là ngày 14 âm lịch nên trăng rất sáng. Tổ công tác của ông bí mật tiếp cận vị trí chiến đấu để đặt 1 quả mìn Claymo nằm chờ.
Khoảng 20 giờ 15 phút, cả trung đội địch bước ra đi tuần tra, ông Mãn lấy chân đá vào chân đồng chí Minh ra lệnh khai hỏa. Quả Claymo trước điểm phục kích địch vang lên một tiếng nổ chát chúa, tiếp đó ông Mãn rút chốt trái lựu đạn ném về phía địch, rồi nhanh chóng rút quân một cách an toàn. Trận đó, toàn trung đội địch có 28 tên thì chỉ còn 1 tên sống sót do lúc anh Minh điểm hỏa tên này đang ghé vào một ngôi nhà bên đường để uống nước.

Ông Hồ Xuân Mãn (người đội mũ thứ hai - từ phải sang) ở chiến khu Khe Trái.

Một lần khác, ông phát hiện thấy một trung đội địa phương quân của địch hàng ngày đóng chốt ở trên Động Hóc gần làng Phò Ninh. Qua theo dõi, ông đã nắm được hành trình tuần tra của chúng, sau mỗi lần đi tuần về thường là chúng bắt gà, bắt vịt của người dân trong làng mang lên Động Hóc để nướng ăn. Hồi đó là tháng 11 nên thời tiết rất lạnh, địch thường tận dụng việc nướng gà, vịt để cùng nhau ngồi sưởi ấm. Vậy là ông cùng với một đồng chí tên Công đi kiếm 1 quả pháo 155 ly, đục phần đầu để cài kíp mìn vào trong đó.
Lợi dụng thời điểm địch đi tuần tra, ông cùng với người đồng chí của mình đột nhập lên Động Hóc, bí mật đào lỗ ngay dưới đống tro mà địch hay đốt lửa để cài quả đạn, rồi ra ngoài trèo lên một ngọn cây để quan sát. Sau khi địch đi tuần tra về, đúng như nhận định của ông, chúng gom củi để đốt lửa sưởi ấm. Khi cả trung đội lính ngụy đang xúm lại bên đống lửa thì một tiếng nổ vang lên, khói và đất đá tung lên mù mịt. Lần ấy, cả trung đội 29 tên cũng chỉ còn 1 tên sống sót vì đang đi lấy củi từ xa.
Ông Mãn kể rằng, thời buổi đó anh em hầu như tuần nào cũng đánh vài trận, tuy rằng chỉ đánh nhỏ lẻ nhưng hiệu quả rất cao. Có những lần ông còn phối hợp cùng xã đội với 3 đồng chí đột nhập ban ngày vào khu tập trung để tiêu diệt những tên ác ôn khét tiếng làm cho bọn chúng hết sức hoang mang, lo sợ. Ngoài chuyện đánh để tiêu diệt sinh lực địch, ông Mãn còn cùng với anh em trong lực lượng của mình tổ chức tháo gỡ các loại mìn do địch gài dày đặc, nhất là loại mìn địch gài bằng điện gọi là mìn Căng - Chùng - Nổ, để phục kích cán bộ của ta vào ấp ban đêm. Hồi ấy, ông gỡ mìn thiện nghệ đến mức anh em trong đơn vị mệnh danh là "ông vua gỡ mìn".
Năm 1973, sau gần một tháng rời địa bàn để ra vùng Cồn Tiên - Quảng Trị dự Đại hội Chiến sĩ thi đua 18 về tổng kết công tác chống Mỹ. Khi trở về đến địa bàn huyện A Lưới, ông nhận được hung tin là hầu hết các cán bộ chủ chốt ở địa bàn đã hy sinh trong những trận phục kích của địch. Trong số đó có chị Hạnh - Huyện ủy viên, Bí thư xã Phong An; anh Đời - Bí thư xã Phong Sơn; anh Thuận - Xã đội trưởng Phong An; anh Đàm, anh Anh - du kích và nhiều đồng chí khác…
Về đến A Lưới hôm trước, thì hôm sau được ông Lê Tư Sơn - Bí thư huyện ủy, ông Luyện - Huyện đội trưởng, ông Phạm Văn Danh - Trưởng Công an huyện gọi ông đến để thông báo tình hình và đề nghị ông tìm mọi cách phải về xã Phong An để kết nối lại liên lạc chứ không thể để trống địa bàn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phong trào. Ông Lê Tư Sơn vỗ vai ông nói: "Tình hình như vậy đó, bây giờ cháu có yêu cầu gì cháu cứ đề xuất từ chuyện con người đến vấn đề vũ khí…".
Sau khi thống nhất kế hoạch, ông xin 5 kg lương khô, 4 hộp đạn AK và chọn đồng chí Hùng vì anh này rất rành đường sá mà lại khá gan dạ. Ông Luyện đưa Trung đội trinh sát của anh Quyết, anh Thiều thuộc Huyện đội bố trí yểm trợ cho ông vượt tuyến. Sau khi vượt tuyến, ông được anh Châu giao liên dẫn đường để trở lại địa bàn. Khi chia tay ở địa bàn thôn Vĩnh Hưởng thì anh Châu không chịu quay về mà cứ nắm tay ông đứng khóc vì biết được rằng khả năng sống sót sau chuyến trở về này của ông là quá đỗi mong manh. Ông an ủi Châu rằng: "Đừng khóc, vì mày cứ khóc thế này tao đi không được, thôi thì Châu về, nếu đêm nào Châu không nghe mìn nổ vậy là tao còn sống…".

Ông Hồ Xuân Mãn tặng học bổng cho học sinh nghèo.

Chia tay với anh Châu, ông cùng đồng chí Hùng lần mò về Phò Ninh và quyết định náu mình dưới một bàu nước rất lớn để che mắt địch. Hồi ấy là tháng 5 nên trời rất nóng, cứ 5 giờ sáng hai anh em lội xuống bàu để lấy cỏ lác, cỏ lùm trùm lên người để ẩn nấp là bắt đầu bị đỉa tấn công. Ông kể, từ tai trở xuống đến chân chỗ nào cũng có đỉa bám. Chịu đựng vấn nạn đỉa đã khổ, nhưng cứ tầm 9 giờ trở về chiều khi trời nắng to, nước dưới bàu cũng nóng mới là cực hình. Phải đến sau 6 giờ chiều hai anh em mới mò lên khỏi mặt nước, lúc đó cơ thể của ai cũng tấy đỏ như màu sơn của những chiếc máy cày MTZ.
Thoát khỏi vị trí ẩn nấp bên bàu nước, ông quyết định tìm về trên cánh đồng mà theo nhận định của ông kiểu gì cũng sẽ gặp các gia đình cơ sở ra đó để sản xuất. Một hôm, khi đang nằm bên bờ ruộng gần đám khoai lang thì ông phát hiện một chị cơ sở tên là Nguyệt ra hái rau. Ông gọi tên thì chị này quay lại, khi chị Nguyệt nhận ra ông thì nét mặt chị tái đi, chị hốt hoảng thông báo cho ông biết địa bàn này bây giờ ở bất cứ nơi đâu cũng có địch dò xét nên vô cùng nguy hiểm. Ông động viên chị Nguyệt là "cô hãy yên tâm, vấn đề quan trọng là làm sao Nguyệt phải liên lạc được với chị Hoa - Chi ủy và chị Bơi - Bí thư chi bộ để thông báo là anh đang ở đây, bằng mọi giá ngày mai ra đây cho anh gặp và cố gắng mai cho anh xin một ít cơm…".
Hôm sau, chị Hoa, chị Bơi cải trang thành người đi làm ruộng để mang cơm ra cho ông, mới đến nơi, vừa vứt chiếc ấm nước bên trong có cơm với muối mè là các chị nói ngay: "Không được, không thể ở đây được vì địch xung quanh đây quá nhiều, ở đây trước sau gì cũng chết…". Thế rồi, ông chọn một lùm cây gai gần với cánh đồng sát quốc lộ 1A làm nơi ẩn náu để tìm thời cơ liên lạc gây dựng cơ sở. Qua gần một tháng ở trong lùm cây gai đó, hai người cứ lần mò bắt được liên lạc và củng cố cơ sở ở làng Phò Ninh, một số cơ sở ở làng Thượng An và một cơ sở ở làng Bồ Điền. Nhưng lúc đó, ông xuất hiện ở cơ sở nào cũng bị các đồng chí ở đó van nài, xua đuổi vì tình hình quá nguy hiểm cho ông…
Một hôm khi ông cùng cơ sở của mình ở làng Bồ Điền đang làm một căn hầm bí mật thì có một giao liên mang thư mật của Huyện ủy đến bảo rằng ông phải thu xếp để trở về hậu cứ báo cáo tình hình cho ông Lê Tư Sơn - Bí thư Huyện ủy. Ông nhấn mạnh: Vào thời kỳ chiến tranh ác liệt đó, cán bộ của ta ai đã về được đồng bằng là được xem như một lần thoát chết nhưng từ đồng bằng mà trở lại hậu cứ thì còn nan giải hơn rất nhiều lần. Nguy hiểm là thế nhưng mệnh lệnh là phải thi hành.
Trở về hậu cứ, ông gặp lại người đồng đội là Trần Văn Minh vừa đi học trường Đảng của tỉnh về. Từ đó, ông tập trung lực lượng, bổ sung thêm một số cán bộ có kinh nghiệm đánh địch để tạo dựng phong trào trở lại địa bàn các xã Phong An, Phong Sơn để vừa hoạt động vừa đánh địch. Những năm tháng đó, Hồ Xuân Mãn đã cùng với đồng đội của mình tổ chức nhiều trận đánh "vô tiền khoáng hậu", đặc biệt có 2 vụ diệt 2 tên ác ôn khét tiếng mà Huyện ủy phát động nhiều năm chưa diệt được... Cứ thế, ông đã cùng đồng đội đánh địch cho đến ngày Huế được giải phóng 26/3/1975.
Sau ngày thống nhất, ông nhận nhiệm vụ mới là khai thác hồ sơ hậu chiến, rồi chuyển sang làm Đại đội phó - Đại đội tháo gỡ bom mìn để đưa dân trở về làng cũ. Năm 1976, tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên sát nhập thành một đơn vị hành chính là tỉnh Bình Trị Thiên. Ông chuyển ngành và đi học Trường Nguyễn Ái Quốc, sau khi ra trường ông về làm Bí thư Huyện đoàn Phong Điền lúc ấy ông tròn 30 tuổi. Từ đó, ông lần lượt giữ các chức vụ: Chánh Văn phòng Huyện ủy, Thường vụ huyện ủy - Trưởng ban Tuyên giáo, năm 1990 tham gia Tỉnh ủy với chức vụ Bí thư Huyện ủy Phong Điền, 1993 là Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy, năm 1995 là Phó bí thư Tỉnh ủy, năm 2000 là Bí thư Tỉnh ủy 2 nhiệm kỳ cho đến ngày nghỉ hưu.
Trong thời gian sau này, ông đã vinh dự được nhận thêm 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì và 1 Huân chương Chuyên án An ninh tôn giáo, 1 Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng 3 Huân chương gồm 1 Huân chương Hữu nghị, 1 Huân chương Itxala hạng 2, 1 Huân chương Lao động hạng 2. Năm 2010, xét thành tích cả thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Giờ đây, ông nghỉ ngơi sau nhiều thập niên đã cống hiến sức mình và kể cả một phần máu thịt cho quê hương, đất nước… ngày ngày ông vui vầy bên bè bạn, cháu con. Đôi ba bữa ông lại trở về ngôi nhà cũ ở làng Phò Ninh để hương khói cho tổ tiên, ông bà, chăm sóc cây kiểng, hàn huyên với bạn bè, đồng đội cũ. Ông bảo rằng, ở đời làm người có danh phận cũng lắm thị phi, nhưng mình phải rộng lòng hỉ xả, bởi vì với những hạng người vô tâm hèn hạ thì họ vẫn đáng thương nhiều hơn là đáng trách…
Phan Bùi Bảo Thy


Những trận đánh “xuất quỷ nhập thần” của người con ưu tú đất Phò Ninh

3:40, 17/02/2013

Anh hùng LLVT Hồ Xuân Mãn.

Đêm 9/9/1964, có một chàng trai mới tròn 16 tuổi, từ biệt cha mẹ cùng ông nội kính yêu và làng Phò Ninh, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, để cùng những người bạn đồng liêu là các anh Hoàng Xê, Hồ A… tìm đường lên chiến khu tham gia kháng chiến, gia nhập vào Đại đội An ninh vũ trang đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên. Trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc trên mặt trận Thừa Thiên, anh đã đồng đội tổ chức nhiều trận đánh “xuất quỷ nhập thần” làm cho quân lực Hoa Kỳ và quân đội Sài Gòn nhiều phen kinh hồn, bạt vía…
Kẻ thù từng xem anh là “tên Việt Cộng nguy hiểm số 1” và đã nhiều lần đưa ảnh chân dung anh lên mục cáo thị, treo giá trọng thưởng bằng tiền cho bất cứ ai bắt sống hoặc tiêu diệt được anh. Chàng trai ấy tên là Hồ Xuân Mãn – người đã đi qua chiến tranh với 33 lần được phong dũng sĩ, 3 Huân chương Chiến công hạng Ba, 3 Huân chương Giải phóng các hạng và 1 Huân chương Quyết thắng, 3 huy hiệu Chiến sĩ thi đua, nhiều bằng khen và cả giấy chứng nhận danh hiệu "Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”. Sau này, trong công cuộc dựng xây quê hương, đất nước, anh là Ủy viên Trung ương Đảng, 2 nhiệm kỳ liên tiếp giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế và vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ…

Kí ức hào hùng

Một ngày cuối năm se lạnh ở làng Phò Ninh, tôi đã có dịp được nghe ông kể thật nhiều những câu chuyện của tuổi thơ nghèo khó, những năm tháng tham gia kháng chiến vào sinh ra tử, rồi thời kỳ hậu chiến vất vả, kiến thiết xây dựng quê hương và cả những được mất, buồn vui của một đời người…

Ông kể rằng, khi lớn lên, biết suy nghĩ mới thấy những người thân của mình, bà con làng xóm của mình đã bao năm phải chịu đựng nhiều tầng áp bức của chế độ đương thời. Được giác ngộ bởi chính những người thân trong gia đình đã tham gia cách mạng, cùng với bầu máu nóng của tuổi trẻ, ông cùng với những người bạn đồng liêu trong làng quyết định ra đi.
Ông kể, ngày đó quyết tâm lên rừng theo cách mạng nhưng chưa thấu tỏ cách mạng là gì hết. Đêm hôm ấy, ông ra đi cùng với Hoàng xê, Hồ A và một người bạn nữa tên là Nãi, nhà ở cạnh sau hè nhà ông. Nhưng khi đến giờ hẹn để lên đường thì anh Nãi bảo rằng đi bộ đội chủ lực xa nhà quá, thôi thì để anh ở lại đi du kích địa phương, vậy là chỉ còn ba anh em lặng lẽ tìm đường lên chiến khu trong đêm tối. Hành trang lên hậu cứ cách mạng của Hồ Xuân Mãn ngày ấy chỉ có một chiếc võng, một chiếc ra dù của ông nội tặng, mẹ ông mua cho đôi dép mới, hai bánh đường đen với hai lon đậu đỏ của gia đình trồng được.
Ở hậu cứ được chừng một tuần lễ thì cả ba anh em bắt đầu bị sốt, nằm liệt gần một tháng trời. Ông Mãn nhớ lại, nằm trong lán vật vã phải hơn một tháng sau mới khỏe, khi thấy đã quen với đời sống núi rừng thì lãnh đạo mới cho đi huấn luyện. Lúc đó, mỗi người được phát một cây súng K44 (loại súng bỏ từng viên đạn rất to rồi lắc để bắn), ôm cây súng trên tay mà nước mắt chảy dài vì cây súng ấy dựng lên là cao hơn thân mình một đoạn. Những ngày ấy ở chiến khu, anh em trẻ như ông chủ yếu được đơn vị cho đi bảo vệ mục tiêu lúc đó là cơ quan tỉnh ủy, rồi đi tuần xung quanh khu vực đóng quân.
Suốt cả năm 1965, ông cùng đơn vị hoạt động ở vùng rừng núi, phải đến đầu năm 1966 thì mới được cấp trên cho phép về hoạt động ở vùng đồng bằng. Nhiệm vụ lúc ấy là trở về địa bàn xã Phong An để thực hiện nhiệm vụ “diệt ác, phá kềm”, rồi nới rộng dần phạm vi hoạt động. Tháng 6/1966, thời điểm này mới chính thức đụng độ với lính bộ binh của Mỹ.
Ông Mãn kể, hôm ấy trung đội của mình nhận nhiệm vụ chống càn của một đại đội lính Mỹ vào buổi sáng ở trên địa bàn của xã Phong Sơn. Theo phân công, cứ hai đồng chí của mình chịu trách nhiệm tiêu diệt một lính Mỹ, kế hoạch đánh là bí mật phục kích phải đợi đến khi mục tiêu cách điểm phục kích 50 mét mới được siết cò súng.
Lần đầu tiên đánh Mỹ, không riêng gì ông Mãn mà hầu hết anh em trong trung đội với vũ khí khá lạc hậu, chủ yếu là súng bán tự động, súng K50, súng Tuyn cải tiến từ chiến tranh chống Pháp còn lại, đều thấy hoang mang khi nhìn thấy đại đội lính Mỹ to lớn, súng đạn dàn hàng ngang tiến vào làng. Y lệnh trên, khi thấy mục tiêu đã vào địa điểm là anh em đồng loạt néo cò, bắn ầm ầm một trận rồi rút nhanh vào núi để chờ cơ sở tại chỗ thông báo kết quả.
Tổng kết trận đó, trung đội của ông Mãn cũng tiêu diệt được 14 lính Mỹ, anh em rất phấn khởi. Từ đó, cứ theo năm tháng đánh địch trên địa bàn huyện Phong Điền nên trong đơn vị đa số anh em đều rất dạn dày trận mạc.
Cuối năm 1967, để chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, đơn vị chỉ để lại một đại đội làm nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu ở hậu cứ, số còn lại được tăng cường để nâng cấp thành Tiểu đoàn trinh sát vũ trang do ông Hải làm Tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn trinh sát này được trang bị hỏa lực rất mạnh (cứ 3 người có một khẩu B40, 2 khẩu AK báng gấp) để đánh luồn sâu vào nội thành.
Từ hậu cứ ở Hương Trà, đơn vị ông Mãn hành quân qua đêm, đến khuya 30 Tết Mậu Thân thì đột nhập vào cánh Bắc ở Cửa Chánh Tây của TP. Huế để diệt ác, trừ gian. Sau 23 ngày chiến đấu tại vị trí Cửa Chánh Tây, đơn vị của ông Mãn gặp Trung đoàn 9 thuộc Sư đoàn 325 do ông Lê Khả Phiêu (sau này là Tổng Bí thư Trung ương Đảng – NV) chỉ huy, rồi cùng với Trung đoàn 9 thoát ra khỏi vùng nội thành Huế để quay ra hướng Phong Điền để đánh nhau với lính thuộc Sư đoàn kỵ binh không vận số 1(Kỵ binh bay) của địch. Tại đây, các đơn vị của quân ta đã trải qua những trận giao tranh vô cùng ác liệt với lực lượng không vận của Mỹ - Ngụy.
Kết thúc những ngày ác liệt ấy, Trung đoàn 9 của Sư 325 rút quân về hướng Hương Trà, rồi từ đó hành quân lên vùng A Lưới. Trong chuyến hành quân ấy của Trung đoàn 9 còn có thêm một chiến sĩ cách mạng ưu tú của đất Thừa Thiên mới thoát ra khỏi Lao Thừa Phủ đó là ông Nguyễn Khoa Điềm (Ông Điềm bị địch bắt ở khu vực Phước Yên từ tháng 7/1967-NV). Đến lúc Trung đoàn 9 dừng chân ở khu vực A Vao (Cửa khẩu Hồng Vân) để chuẩn bị ra Bắc thì quân lực kiểm tra quân số và thấy ông Điềm không có tên trong danh sách quân lực nên trả ông Điềm lại cho Khu ủy.
Ông Mãn kể, đây là giai đoạn ông Nguyễn Khoa Điềm (sau này là Ủy viên Bộ Chính Trị-NV) viết được rất nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng như: “Mặt đường khát vọng”, “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”…
Sau khi dẫn đường cho đơn vị của ông Lê Khả Phiêu lên đến vùng biên giới giữa A Lưới với tỉnh Xà Muồi của nước bạn Lào để ra Bắc. Đơn vị của ông Mãn quay trở lại Hương Trà để bảo vệ cho Tỉnh ủy ở khu vực Khe Trái. Thời kỳ này, ở Khe Trái máy bay của địch oanh kích một ngày không biết bao nhiêu lần, đạn từ máy bay rót xuống dày đặc một cách “tàn canh gió lạnh”. Chỉ có các cơ quan đầu não như Thành ủy, Tỉnh ủy, Ty Công an là di chuyển về hướng Khe Đầy thuộc huyện Hương Thủy để trú ẩn, còn lại những đơn vị chưa di chuyển được thì bị thiệt hại rất nặng nề sau nhiều đợt rải thảm của địch.
Năm 1969, ông Mãn được đơn vị cử đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua ở dốc Cao Bồi, tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào. Khi trở lại vùng đất Phong Điền – Quảng Điền thì cán bộ cơ sở không còn nhiều nữa vì bị phản kích. Lúc bấy giờ, lãnh đạo quyết định trưng dụng quân của Đại đội 1, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 6 do ông Vũ Thắng (sau này là Ủy viên Trung ương Đảng – Bí thư tỉnh ủy Bình Trị Thiên – NV) làm chính ủy về tăng cường cho các địa phương để bổ sung vào lực lượng du kích. Có những người đang là Đại đội phó một đơn vị chủ lực, nhưng tăng cường làm xã đội trưởng.
Lần đó, ông Mãn cũng được tăng cường về làm xã đội trưởng kiêm trưởng công an của xã Phong An. Là người địa phương, ông Mãn thấy rằng nếu thực hiện chính sách đưa quân chủ lực về tăng cường địa phương sẽ vô cùng nguy hiểm, hơn nữa phương án này anh em sẽ hy sinh nhiều. Vì lẽ đó, ông Mãn đã xin ý kiến lãnh đạo để được chuyển hướng hoạt động, tức là không nằm vùng ở dọc tuyến phía ngoài (đồi rú, bờ ruộng, ao bàu) mà chuyển hẳn vào nằm vùng bí mật trong dân. Tổ chức xây dựng nên một vùng căn cứ lỏm ở ngay trong địa bàn các thôn xóm. Ở đó, ông thành lập được một Trung đội dân quân mật và 3 Chi bộ mật.
Năm 1971, ông về địa bàn xã Phong An để rút một số thanh niên để đưa lên hậu cứ bổ sung thêm lực lượng, trong số đó có em trai của ông là ông Hồ Xuân Phán. Có lực lượng, ông cùng đồng đội tổ chức những trận đánh nhỏ lẻ để dằn mặt địch, chủ yếu là đánh bằng bom mìn, mục tiêu là bọn địa phương quân, dân vệ… Có lần, ông cùng với hai người đồng chí tên Minh (sau này ông Minh làm Phó giám đốc Sở Nội Vụ của Tỉnh Thừa Thiên Huế-NV) và Hùng (nay sinh sống ở Vĩnh Hưng – NV) đánh một trận chí mạng làm lực lượng địch ở địa bàn Phong An hoảng loạn.

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho ông Hồ Xuân Mãn.

Ông nhớ lại, hồi đó, ở vị trí cổng vào làng Phò Ninh quê ông, địch thành lập nên một cái chốt và bố trí ở đó 1 trung đội nghĩa quân để canh chừng. Sau một thời gian điều nghiên quy luật hoạt động của địch, ông quyết định đánh. Hôm ấy là ngày 14 âm lịch nên trăng rất sáng. Tổ công tác của ông bí mật tiếp cận vị trí chiến đấu để đặt 1 quả mìn Claymo nằm chờ.

Khoảng 20h15, cả trung đội địch bước ra đi tuần tra, ông Mãn lấy chân đá vào chân đồng chí Minh ra lệnh khai hỏa. Quả Claymo trước điểm phục kích địch vang lên một tiếng nổ chát chúa, tiếp đó ông Mãn rút chốt trái lựu đạn đã chuẩn bị sẵn tung về phía địch, rồi nhanh chóng rút quân một cách an toàn. Trận đó, toàn trung đội địch có 28 tên thì chỉ còn 1 tên sống sót do lúc anh Minh điểm hỏa tên này đang ghé vào một ngôi nhà bên đường để uống nước.
Một lần khác, ông phát hiện thấy 1 trung đội địa phương quân của địch hàng ngày đóng chốt ở trên Động Hóc gần làng Phò Ninh. Qua theo dõi, ông đã nắm được hành trình tuần tra của chúng, sau mỗi lần đi tuần về thường là chúng bắt gà, vịt của người dân trong làng mang lên Động Hóc để nướng ăn. Hồi đó là tháng 11 nên thời tiết rất lạnh, địch thường tận dụng việc nướng gà, vịt để cùng nhau ngồi sưởi ấm. vậy là ông cùng với một đồng chí tên Công đi kiếm 1 quả pháo 155 ly, đục phần đầu để cài kíp mìn vào trong đó.
Lợi dụng thời điểm địch đi tuần tra, ông cùng với người đồng chí của mình đột nhập lên Động Hóc, bí mật đào lỗ ngay dưới đống tro mà địch hay đốt lửa để chôn quả đạn, rồi ra ngoài trèo lên một ngọn cây để quan sát. Sau khi địch đi tuần tra về, đúng như nhận định của ông, chúng lại gom củi để đốt lửa sưởi ấm. Khi cả trung đội lính ngụy đang xúm lại bên đống lửa thì bỗng nhiên một tiếng nổ vang lên, khói và đất đá tung lên mù mịt. Lần ấy, cả trung đội 29 tên cũng chỉ còn 1 tên sống sót nhờ đang đi lấy củi ở xa.
Ông Mãn kể rằng, thời buổi đó anh em hầu như tuần nào cũng đánh vài trận, tuy rằng chỉ đánh nhỏ lẻ nhưng hiệu quả rất cao. Có những lần ông còn tổ chức cho anh em đột nhập vào làng vào buổi trưa, hoặc buổi chiều để tấn công vào những chốt gác của địch làm cho bọn chúng hết sức hoang mang, lo sợ. Ngoài chuyện đánh để tiêu diệt sinh lực địch, ông Mãn còn cùng với anh em trong lực lượng của mình tổ chức phá gỡ các loại mìn do địch đặt dày đặc trong các ngõ giao thông của làng xóm. Hồi ấy, ông gỡ mìn thiện nghệ đến mức anh em trong đơn vị mệnh danh là “ông vua gỡ mìn”.
Năm 1973, sau gần một tháng rời địa bàn để ra vùng Cồn Tiên – Quảng Trị dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn miền. Khi trở về đến địa bàn huyện A Lưới, ông nhận được hung tin là hầu hết các cán bộ chủ chốt ở địa bàn đã hy sinh trong những trận phục kích của địch. Về được khoảng 1 tuần thì ông Lê Tư Sơn – Bí thư huyện ủy, ông Luyện – Huyện đội trưởng, ông Phạm Văn Danh – Trưởng Công an huyện gọi ông đến để thông báo tình hình và đề nghị ông phải tìm mọi cách về xã Phong An để kết nối lại liên lạc, không để trống địa bàn.
Sau khi thống nhất kế hoạch, ông xin 5 kg lương khô, 4 hộp đạn AK và chọn một cộng sự tên Hùng vì anh này rất rành đường sá mà lại khá gan lì. Ông Luyện đưa một Trung đội trinh sát của Huyện đội bố trí cho ông vượt tuyến, sau khi vượt tuyến thì ông được tổ giao liên của anh Châu dẫn đường để trở lại địa bàn.
Khi chia tay ở địa bàn thôn Vĩnh Yên thì anh Châu không chịu quay về mà cứ nắm tay ông đứng khóc vì biết được rằng khả năng sống sót sau chuyến trở về này của ông là quá đỗi mong manh. Ông an ủi Châu rằng: “Em đừng khóc, vì em cứ khóc thế này anh đi không được, thôi thì Châu về, nếu đêm nào Châu không nghe mìn nổ vậy là anh còn sống…”.
Chia tay với tổ giao liên xong, ông cùng đồng chí Hùng quyết định náu mình dưới một bàu nước rất lớn để che mắt địch. Hồi ấy là tháng 5 nên trời rất nóng, cứ 5h sáng hai anh em lội xuống bàu để lấy cỏ lác, cỏ lùm trùm lên người để ẩn nấp là bắt đầu bị đỉa tấn công. Ông kể, từ tai trở xuống đến chân chỗ nào cũng có đỉa bám. Chịu đựng vấn nạn đỉa đã khổ, nhưng cứ tầm 9h trở về chiều khi trời nắng to, nước dưới bàu cũng nóng mới là cực hình. Phải đến sau 6g chiều hai anh em mới mò lên khỏi mặt nước, lúc đó cơ thể của ai cũng tấy đỏ như màu sơn của những chiếc máy cày MTZ. Thoát khỏi vị trí ẩn nấp bên bàu nước, ông quyết định tìm về trên cánh đồng mà theo nhận định của ông kiểu gì cũng sẽ gặp các gia đình cơ sở ra đó để sản xuất.
Một hôm, khi đang nằm dưới mấy luống rau lang thì ông phát hiện một chị cơ sở tên là Nguyệt ra hái rau. Ông gọi tên thì chị này quay lại, khi chị Nguyệt nhận ra ông thì nét mặt chị tái đi, chị hốt hoảng thông báo cho ông biết địa bàn này bây giờ ở bất cứ nơi đâu cũng có địch dò xét nên vô cùng nguy hiểm. Thế rồi, ông chọn một lùm cây gai gần với cánh đồng để làm nơi ẩn náu tìm thời cơ liên lạc gây dựng cơ sở.
Qua năm tháng ở trong lùm cây gai đó, hai người cứ lần mò xây dựng được một cơ sở ở làng Phò Ninh, một cơ sở ở làng Thượng An và một cơ sở ở làng Bồ Điếc. Nhưng lúc đó, ông xuất hiện ở cơ sở nào cũng bị người ở đó van nài, xua đuổi vì tình hình quá nguy hiểm cho ông…
Một hôm khi ông cùng cơ sở của mình ở làng Bồ Điếc đang làm một căn hầm bí mật thì có một giao liên mang thư từ hậu cứ đến bảo rằng ông phải thu xếp để trở về hậu cứ báo cáo tình hình cho ông Lê Tư Sơn – Bí thư huyện ủy. Ông nhấn mạnh: Vào thời kỳ chiến tranh ác liệt đó, cán bộ của ta ai đã về được đồng bằng là được xem như một lần thoát chết nhưng từ đồng bằng mà trở lại hậu cứ thì còn nan giải hơn rất nhiều lần.
Nguy hiểm là thế nhưng mệnh lệnh là phải thi hành. Trở về hậu cứ, ông gặp lại người đồng đội tên Minh vừa đi học trường Đảng ở ngoài Bắc vào. Từ đó, ông tập trung lực lượng, bổ sung thêm rất nhiều cán bộ có kinh nghiệm đánh địch để từ đó tạo dựng phong trào trở lại địa bàn các xã Phong An, Phong Thu, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương để vừa hoạt động vừa đánh địch.
Những năm tháng đó, Hồ Xuân Mãn đã cùng với đồng đội của mình tổ chức nhiều trận đánh “vô tiền khoáng hậu” đặc biệt là vụ trừng phạt tên Nguyễn Công Đảng là một xã đội phó du kích ở Phong Hòa chiêu hồi địch; vụ tiêu diệt hụt tên Kiểu – Trung đội trưởng nghĩa quân khét tiếng gian ác... Cứ thế, ông đã cùng đồng đội đánh địch cho đến ngày Huế được giải phóng 26/3/1975.

Anh hùng giữa thời bình

Sau ngày thống nhất, ông nhận nhiệm vụ mới là khai thác hồ sơ hậu chiến, rồi làm Đại đội trưởng – Đại đội tháo gỡ bom mìn để đưa dân trở về làng cũ. Năm 1976, tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên sáp nhập thành một đơn vị hành chính là tỉnh Bình Trị Thiên. Ông chuyển ngành và đi học trường Nguyễn Ái Quốc, sau khi ra trường ông về làm Bí thư huyện đoàn Phong Điền lúc ấy ông tròn 30 tuổi.
Từ đó, ông lần lượt giữ các chức vụ: Chánh văn phòng Huyện ủy, Thường vụ Huyện ủy – Trưởng ban tuyên giáo, Phó Bí thư thường trực, năm 1990 tham gia Tỉnh ủy với chức vụ Bí thư Huyện ủy Phong Điền, 1993 là Thường vụ Tỉnh ủy – Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy, năm 1995 là Phó bí thư Tỉnh ủy, năm 2000 là Bí thư Tỉnh ủy 2 nhiệm kỳ cho đến ngày nghỉ hưu.
Trong thời gian sau này, ông đã vinh dự được nhận thêm 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì và 1 Huân chương chuyên án an ninh tôn giáo, 1 Huân chương Đại Đoàn Kết dân tộc, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 1 Huân chương Hữu nghị, 1 Huân chương Itxala. Năm 2010, xét thành tích cả thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Giờ đây, ông nghỉ ngơi sau nhiều thập kỷ đã cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước… ngày ngày ông vui vầy bên bè bạn, cháu con. Đôi ba bữa ông lại trở về bên ngôi nhà cũ ở làng Phò Ninh để hương khói cho Tổ tiên, ông bà, chăm sóc vài ba cây kiểng để tìm vui. Ông bảo rằng, ở đời làm người có danh phận cũng lắm thị phi, nhưng mình phải rộng lòng hỉ xả, bởi vì với những hạng người vô tâm hèn hạ thì họ vẫn đáng thương nhiều hơn là đáng trách…
Quốc Anh – Thảo Nguyên (CSTC Xuân 2013)


3.000 USD

Thứ Hai, 25/01/2010 - 00:26

Bí thư Thừa Thiên Huế:


Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế, Hồ Xuân Mãn 
(DÂN TRÍ)
Trong tham luận tại Hội nghị toạ đàm các điển hình tiên tiến “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông có đề cập tới việc đã báo cáo Thường vụ Tỉnh uỷ ngay sau khi có phong bì 3.000 đô la gửi tới mình. Ông có thể nói rõ hơn về sự việc này?
Hôm đó, tôi vừa đi công tác về, vợ tôi chuyển cho một tập tài liệu. Trong tập tài liệu có một phong bì, tôi tưởng đó là đơn thư, nhưng mở ra thì thấy tiền. Thấy đây là một sự việc không bình thường cho nên sáng hôm sau đến cơ quan, tôi mời Thường vụ, mời cơ quan Công an đến nói sự việc và giao tài liệu cho công an điều tra.
Số tiền đó tôi quyết định sung vào công quĩ để xoá nhà tạm cho đồng bào dân tộc. Về quá trình điều tra, đến nay công an cũng chưa phát hiện được đối tượng là chủ nhân của số tiền đó.
Trước đó ông có bao giờ gặp phải tình huống tương tự và tại sao ông quyết định báo cáo ngay vụ việc?
Tôi chưa từng gặp việc như thế.
Về số tiền đó, mình cất đi cũng chẳng ai biết, nhưng điều cơ bản là mình tự giác. Mình thấy việc đó không đúng, không nên làm vì như Bác Hồ nói, việc gì đúng phải quyết tâm làm cho bằng được, còn việc gì sai thì kiên quyết không làm.

Chủ nhân của 3.000 USD thưa chuyện với anh Mãn

Từ lâu tôi im lặng, không phải tôi sợ ông tố cáo tôi tội hối lộ, tôi là người có đạo đức và biết luật pháp, cơ quan chức năng không tìm thấy dấu hiệu tội đưa hối lộ khoản tiền 3.000 USD của tôi đâu...Cha tôi dạy "miệng quan, trôn trẻ", "miệng nhà quan có gang có thép, nói ngang cũng được, nói ngược cũng xong", tôi chưa muốn phiền phức...
Ông không nên nói: "3.000 USD không có chủ nên sáng hôm sau đến cơ quan, tôi mời Thường vụ, mời cơ quan Công an đến nói sự việc và giao tài liệu cho công an điều tra.". 
Ông là người mau quên, ông từng đến nhà tôi chơi và quên cả cặp tài liệu, sáng hôm sau tôi vội vàng mang đến tận nhà cho ông, ông còn có lời cảm ơn...tôi có báo cho công an điều tra đâu? mà giả sử có đi báo công an họ cũng không cần điều tra, vì họ thừa biết ngay là của ông, họ còn chê tôi là "hâm".
Việc 3.000 USD trong tay ông là của ông, ông cho ai hoặc mua sắm cái gì là quyền của ông. Cặp tài liệu trong đó có tiền, ông đã thừa nhận có 3.000 USD (tôi cũng chấp nhận chỉ có 3.000 USD, tôi không cãi vì không có bằng chứng) là tiền của tôi quên tại nhà ông...
Bây giờ ông hết quyền can thiệp vào cơ quan chức năng, nếu ông vu khống tôi tội hối lộ thì thời hiệu xử lý đã hết, ông phải nói được tôi hối lộ về việc gì?
Để tránh phiền phức cho ông về pháp lý, trước hết tôi đề nghị ông: CHO TÔI XIN LẠI khoản tiền ông đã thừa nhận tôi bỏ quên tại nhà ông, đó là khoản tiền của vợ tôi sai tôi đi đổi tiền Việt để chồng tiền mua nhà, tôi bận chưa thực hiện thì bị quên tại nhà ông...tôi đến nhà ông bị quên tài liệu + tiền hoặc tôi đến để đưa hối lộ là hai việc khác nhau, đã đưa hối lộ thì đội ngũ lobby ở tỉnh ta không thiếu, tôi không dại gì mà đưa trực tiếp cho vợ ông...đã biết hối lộ thì phải biết thỏa thuận, tránh trường hợp bị lật kèo, tiền mất tật mang...việc ngày mai ông vội vàng báo cáo...tôi không hiểu được ông là người như thế nào...trong xếp tài liệu không chỉ có tên tôi, mà còn có sơ yếu lí lịch và cả gia phả nhà tôi nữa...
Tôi vô tâm bị quên, ông cho tôi xin lại, đối với gia đình tôi đó là khoản tiền không nhỏ.

55 nhận xét:

  1. Khi nớ tui sợ, chạy đi lánh tháng năm sao hạn, chừ thì tui không sợ nữa, ai hỏi tui nói ngay, mà không hỏi tui cũng nói, hôm nớ có nhiều người, có chủ quán,có chắc chi tui, với lại tui nói hô cho "ôn nớ" để mần chi?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em còn nhỏ không có kinh nghiệm, gặp chị thì chị cho nó hun thoải mái...kéo nó vô phòng xin vài ba trăm tiền lẻ...mấy thì này không chơi chịu...sành điệu lắm em ơi.
      Anh Tô Hà Giang là chơi kiểu miền núi, nó thật thà nên bị...

      Xóa
    2. Em dữ quá, mình bán hàng phải chịu thôi, dưới mắt các anh ấy chị em mình chỉ là cave bình dân...

      Xóa
    3. Vào xem Báo Tiền Phong đi, rõ ràng ràng thế rồi còn chi nữa mà bàn luận

      Xóa
    4. Báo TP ngày 4/3/2013: Bí thư tỉnh uỷ bị kiện gian dối, cướp công; mà đau nhất là chính đồng đội, bà con cùng quê Phong An của ông ấy (và hình như của cả ông Thiện Bí thư hiện tại) kiện nữa chứ!

      Xóa
  2. Thực ra tui chỉ phản ứng vô thức, tui không cố tình...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu bạn gieo dối trá, bạn sẽ gặt ngờ vực
      Nếu bạn gieo ích kỷ, bạn sẽ gặt cô đơn
      Nếu bạn gieo kiêu hãnh, bạn sẽ gặt hủy diệt

      Xóa
  3. Thông tin “3000 USD thu hút sự quan tâm của dư luận, xử lý kiểu anh Mãn làm người dân nghi ngờ về đạo đức và hiểu biết pháp luật của anh.

    Theo Bộ luật Hình sự, việc cán bộ công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ từ 2 triệu đồng trở lên đã đủ yếu tố cấu thành tội “nhận hối lộ”.
    Nếu có đủ cơ sở, đủ yếu tố cấu thành “tội đưa hối lộ” công an tỉnh Thừa Thiên Huế phải xử lý, công an tỉnh không ra quyết định điều tra là có lý, không phải tiền nào đưa tới nhà anh Mãn cũng là tiền hối lộ...thí nghiệm của Páp-lốp(?) khi con chó đã quen tiếng kẻng, chỉ cần một tiếng chuông nhỏ thôi là nó quẩy đuôi đòi ăn...(tiếng chuông-được ăn) đã trở thành tiềm thức.
    Trường hợp này cũng vậy: Anh Mãn thấy tiền đến nhà mình, không cần tìm hiểu mà kết luận ngay: Tiền hối lộ?
    Thường tình, món hàng chưa đúng giá, người bán hàng dí trả lại ngay nhưng không báo công an...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Mãn xử lý tình huống này không thông minh, tạo dư luận không tốt, bất lợi cho uy tín của mình...
      Dân không tin cán bộ có cấp hiện nay chê tiền...anh Mãn chê tiền để cho dân biết mình "liêm". người ta càng nghi ngờ thậm chí bôi bác thêm...

      Xóa
    2. Không ai đem đống tiền lớn đi hối lộ mà không để tên và cầu cạnh việc gì...anh Mãn nói thế không nghe được...

      Xóa
    3. Anh em bạn bè cho nhau mượn 5 triệu cũng phải ghi vài chữ...

      Xóa
    4. Chỉ có hai thằng thiểu năng trí tuệ mới có kiểu quan hệ lạ lùng như thế này...

      Xóa
    5. Chơi kiểu này dù Mãn là Vua cũng bị xử đẹp...Không lấy thì trả lại cho người ta, lấy của chùa ve gái là kiểu chơi bẩn, không hay ho gì...Ông Mãn ấu trỉ nghĩ rằng ông quá to nên ai cũng cầu cạnh, cũng sợ ông...
      Xin thưa ông, chỉ mấy thằng lon ton ngu dốt mới hầu hạ ông mà thôi...Ông còn nhớ cô gái dám "bạt tai" không? Ông rút ra bài học chậm quá, ông lú lẫn mất rồi...

      Xóa
    6. Bây giờ ông ấy tới xin lại 3.000 USD thì ông ăn nói thế nào đây? Ông khịa ra việc này, chính ông làm khó cho ông rồi đó...

      Xóa
  4. Người đứng đầu phải biết giữ mình cho thật trong sáng, thật trọn vẹn của người đảng viên đứng đầu tổ chức, đơn vị, cơ quan…để lãnh đạo, giáo dục quần chúng nhân dân. Đòi hỏi họ là người tu dưỡng để có được những phẩm chất bình thường là cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư như Bác Hồ căn dặn. Họ không bị suy thoái, tha hóa, vi phạm các nguyên tắc đạo đức, tư tưởng của Đảng. Người đứng đầu phải biết hổ thẹn trước những sai phạm của mình, không nên ỷ thế quyền lực, ỷ thế ô dù, phe cánh mà làm ngơ, coi thường dư luận...
    Người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch về mọi phương diện trước quần chúng nhân dân.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bảo Quốc đang nói chuyện chính trị đó hử? Bọn quan tham nó bố trí hêt cho ngon ăn cho con em nó, thừa mứa nó mới bán cho thiên hạ, Người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch về mọi phương diện trước quần chúng nhân dân.
      Xưa rồi...trò mèo trả tiền hối lộ của Mãn, của Bình Cà Mau chỉ là trò mèo vờn chuột của chúng nó, tin bọn này là sút quần luôn...

      Xóa
  5. “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ. Đời trước làm quan cũng thế a?”

    Trả lờiXóa
  6. Một người làm quan cả họ được nhờ...

    Trả lờiXóa
  7. Rượu ngoai chivas 38 còn phải thêm "mật bò tót" chứ không chơi mật "gâu"...sành điệu lắm...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. sành điều gì cái loại vô học đó bà nội

      Xóa
  8. Cờ bạc nổi tiếng khi còn ở Hương Điền

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Gom nhi,toi ngay bai bac dánh co lon không?

      Xóa
  9. Dam me chim, san thu la so truong, rung la vuon cu ong ta.

    Trả lờiXóa
  10. Ngang nhiên lắm, mỗi lần đi săn là cả đoàn đệ đi theo: nào bia, nào rượu, nào đủ thứ...họ làm gì thấy dân đang đầu tắt mặt tối...

    Trả lờiXóa
  11. "Chuyện đã lâu nhưng với tôi kỷ niệm của tình quân dân ấy vẫn đong đầy, vì ngoài trách nhiệm nó còn thể hiện tình yêu thương với đồng chí, đồng đội, nhất là lúc khốn khó."
    Hữu Thu kết luận cho hắn...
    Tui còn nhớ hắn, tui mất ăn mất ngủ...vì vô tình tui bạt tai...

    Trả lờiXóa
  12. "
    "Nhớ đêm về xóm Bồ "
    Chỉ có thế thôi ư?
    Người ta làm bí thư lo cho dân, cho tỉnh 20 năm sau, Mãn thì nhớ lại 45 năm năm trước nhờ Hữu Thu viết để đánh bóng cho cái AHLLVTND nhiều tai tiếng của mình.Than ôi...

    Trả lờiXóa
  13. Muốn đi lên TW lắm, ưa lắm...ngoài nớ họ ưa Nguyễn Bá Thanh thôi...Huế chừ còn ai ngoài nớ nữa mô...nó kìm hết, người tài bỏ đi xích lô, xe thồ...Bổ nhiệm GĐ sở TTTT tìm không ra người, bí thư đành phải nhờ người nhà không biết "bàn phím", không biết xử dụng mobile đảm đương công việc nặng nhọc này cho tỉnh...

    Trả lờiXóa
  14. Dương Tiến Anh, TRT anh con gì của Mãn, anh của Mãn...Nguyễn Xuân Hoa méo mặt vì nó...co quỷ gái gú đây.
    Thủ trưởng TRT làm sao dấu đuôi được với những người có học...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dương Tiến Anh ở Phong An, Ông Mãn ở Phong Điền, Dương Bê là văn hóa thông tin rồi, học tại chức ở Đà Nẵng lâu rồi...trưởng đài TRT, gái gú nhưng có thế lực nên không ai nói làm chi, lãnh đạo cở này ai làm cũng được, mỗi lần phát sóng là chú em Mãn khen hay để động viên thăng em con bà dì ruột...

      Xóa
  15. Bán đường, bán chợ, bán rừng, bán chức, bán dự án, bán vé số, bán radio, bán tạp hóa...tiền để mô cho hết hè...

    Trả lờiXóa
  16. Phải nói thêm bây giờ còn bán sông, bán biển nữa...Phương xuống nước rồi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trung tá, chức với anh em nhà ông Mãn như cơm nguội...chế độ này thay đổi thì chúng nó ăn cám...kiểu của anh em nhà này làm cho chế độ này sớm sụp đổ mà thôi...chế độ này trước sau chi cũng phải sụp đổ, dân đen mới ngóc đầu lên được...

      Xóa
    2. Rang mà dành noí hê´t cái ý cua tui rôì

      Xóa
  17. Một tay xây dựng cơ đồ các bạn nhỉ? Cuối cùng Mãn cũng mặt áo Hoàng Bào thay vua lạy trời, lạy đất...
    Vua ngày xưa làm sao bằng Mãn bây giờ...
    Ông Vua thứ 14 ni trên tài các vua Triều Nguyễn...
    Hà Văn Thịnh đã chất vấn:
    Người viết bài này đã sống và làm việc ở tỉnh TTH 33 năm, đã chứng kiến sự thay đổi của nhiều lãnh đạo nhưng chưa hề thấy bất kỳ sự thay đổi thực sự nào từ ý tưởng, cách làm việc của những người lãnh đạo ấy. Tôi sẵn sàng tranh luận với bất kỳ vị lãnh đạo nào về đề tài này. Chỉ cần bước qua đèo Hải Vân là thấy xấu hổ vì mình là người Huế. Sự đủng đỉnh của Huế, tính bảo thủ muôn đời của nó là điều ai cũng biết. Thật là buồn khi mình gắn bó với một quê hương mà quê hương ấy chỉ thay đổi gọi là, phát triển gọi là...
    Là người dân, rất ước mong rằng các vị lãnh đạo hãy nói được sau khi đã làm được. Xin ông Bí thư Tỉnh ủy tỉnh TTH trả lời những câu hỏi của tôi.

    Trả lờiXóa
  18. Ông thương đồng bào dân tộc, ông cho họ 3.000 USD từ tiền ông được hối lộ.
    Ông lắng nghe một trí thức nói với ông đây:
    Các dân tộc ít người ở tỉnh TTH có gần 50.000 người. Ông Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn cho rằng "tỉnh đã lo cho 31.000 đồng bào dân tộc có nhà "bốn cứng" là chính xác hay không? Được biết, nhà của đồng bào được xây dựng theo Đề án 135 của Chính phủ và kinh phí để thực hiện là do nguồn từ Nhà nước và các cơ quan hợp tác quốc tế. Tại sao tỉnh TTH có thể nói là chính họ đã lo cho đồng bào? Mặt khác, 40% còn lại vẫn chưa có nhà "bốn cứng" là nghĩa làm sao khi chỉ có 8% người nghèo? Đó là chưa nói chuyện xây nhà xong nhưng trong đó chẳng có gì, thu nhập của người dân không thay đổi gì thì quả thật, chỉ mới đem cái áo khoác lên cho người nghèo bớt xấu một chút mà thôi!

    Trả lờiXóa
  19. Đừng đi cảng sân bay Phú Quốc làm chi cho mệt, ở nhà truyền ngón nghề cho thằng con rễ chuẩn bị kế vị vào nhiệm kì tới.
    Nghề làm Vua cũng lắm công phu...

    Trả lờiXóa
  20. Nguyễn Bá Thanh ra Hà Nội làm Trưởng ban Nội Chính, tài lobby của Mãn cụt ngón rồi...vốn đã khinh nhau, Mãn hết cơ hội đi làm trợ lý Thủ Tướng rồi...
    Đối với Nguyễn Bá Thanh phải có thực tài...có nhiều tiền nhưng không học thì không mua được...có thể mua được nhưng rất đắt...
    Đội ngũ cán bộ Đà nẵng khác cán bộ Huế về chất...
    Ở Huế để đưa lên làm cán bộ lãnh đạo, Mãn không cần biết học hành như thế nào? tư cách đạo đức ra sao? Mãn chỉ cần hỏi hai trong ba câu:
    -Con ai?
    -Ở mô?
    -Có tiền không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. -Con Lính Viet nam cong hoa
      -O Trai cai tao
      -Tiê`n không có,chi có Luu dan

      Xóa
    2. đồng ý cao. Tôi thấy khập khiển quá. Làm sao mà đêm hình ảnh của ông Nguyễn Bá Thanh để so sánh với thằng Mãn. Bọn nó có làm việc đâu. Ngày tới cơ quan để chia phe chia cánh, tối về suy nghỉ để ăn cướp.

      Xóa
  21. Chỉ cần bước qua đèo Hải Vân là thấy xấu hổ vì mình là người Huế. Sự đủng đỉnh của Huế, tính bảo thủ muôn đời của nó là điều ai cũng biết. Thật là buồn khi mình gắn bó với một quê hương mà quê hương ấy chỉ thay đổi gọi là, phát triển gọi là...

    Trả lờiXóa
  22. Ngày xưa quả báo thì lâu.
    Bây giờ quả báo ở đâu đến liền.

    Trả lờiXóa
  23. Nếu bạn gieo thành thật, bạn sẽ gặt lòng tin
    Nếu bạn gieo lòng tốt, bạn sẽ gặt thân thiện
    Nếu bạn gieo khiêm tốn, bạn sẽ gặt cao thượng
    Nếu bạn gieo kiên nhẫn, bạn sẽ gặt chiến thắng
    Nếu bạn gieo cân nhắc, bạn sẽ gặt hòa thuận
    Nếu bạn gieo chăm chỉ, bạn sẽ gặt thành công
    Nếu bạn gieo tha thứ, bạn sẽ gặt hòa giải
    Nếu bạn gieo cởi mở, bạn sẽ gặt thân mật
    Nếu bạn gieo chịu đựng, bạn sẽ gặt cộng tác
    Nếu bạn gieo niềm tin, bạn sẽ gặt phép màu

    Nhưng
    Nếu bạn gieo dối trá, bạn sẽ gặt ngờ vực
    Nếu bạn gieo ích kỷ, bạn sẽ gặt cô đơn
    Nếu bạn gieo kiêu hãnh, bạn sẽ gặt hủy diệt
    Nếu bạn gieo đố kỵ, bạn sẽ gặt phiền muội
    Nếu bạn gieo lười biếng, bạn sẽ gặt mụ mẫn
    Nếu bạn gieo cay đắng, bạn sẽ gặt cô lập
    Nếu bạn gieo tham lam, bạn sẽ gặt tổn hại
    Nếu bạn gieo tầm phào, bạn sẽ gặt kẻ thù
    Nếu bạn gieo lo lắng, bạn sẽ gặt âu lo
    Nếu bạn gieo tội lỗi, bạn sẽ gặt tội lỗi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu bạn gieo dối trá, bạn sẽ gặt ngờ vực
      Nếu bạn gieo ích kỷ, bạn sẽ gặt cô đơn

      Xóa
  24. Hởi mấy em Cave, mấy em tiếp thị, mấy em phục vụ bồi bàn...hãy đứng lên tố cáo quan dâm Hồ Xuân Mãn đã làm gì với mấy em trước đây... hắn như con cọp già đã rụng nanh, chẳng làm gì ai được nữa đâu.

    Trả lờiXóa
  25. Hãy cùng nhau tố cáo tên Mãn

    Trả lờiXóa
  26. ong lam chi nho rua ha ong[man].hue mong,hue mo bao nam con dau nua.chi mot minh ong o su hue thoi sao.quan nguoi tra di nguoi dua ke don.con ong nho sao khong nham ve lai que huong[phong dien]ngay tui xa hue da 10nam roi.gio tro lai hue thay hue van nhu xua...mong rang lanh dao moi co gan phan dau het minh de su hue sung tam voi mien que song nuoc huu tinh.tp truc thuoc tw

    Trả lờiXóa
  27. ong lam chi nho rua ha ong[man].hue mong,hue mo bao nam con dau nua.chi mot minh ong o su hue thoi sao.quan nguoi tra di nguoi dua ke don.con ong nho sao khong nham ve lai que huong[phong dien]ngay tui xa hue da 10nam roi.gio tro lai hue thay hue van nhu xua...mong rang lanh dao moi co gan phan dau het minh de su hue sung tam voi mien que song nuoc huu tinh.tp truc thuoc tw

    Trả lờiXóa
  28. nói chi cho nhiều

    Trả lờiXóa
  29. nhin lai gioi lanh dao, ai ai cung pho truong, mi dan, nhung co phuong sach na de dua kinh the toan dan len dau.
    chi biet lam sao de co nhieu loi nhuan cho ban than, hoc cap 2 ma di chay bang luat su! oi Man nha ta, lam sao biet xau ho, tu ai, duoc
    nguoi vo hoc lam sao biet "ke si"

    Trả lờiXóa
  30. hay nhin lai 2 nhiem ki Bi thu cua Man, Thua Thien Hue, chan co gi thay doi, Trong luc do Toan quoc, trong giai doan moi moi! lam an kinh te, Thu cung luc Man lam bi thu. Kiem Ham su phat trien cua TTH, Hue co ve dep va the manh, dong song Huong troi qua giua thanh pho, nhung khong biet nang cap thanh ve dep thu hut DU LICH, DAI NOI di tich lich su, nhung gio van hoang phe! MAM bi thu chi biet im lang thu tien cong tring, tien chay chuc vu...kha nan cap 2 thi biet con me gi, chi biet RUOU, GAI, GAI RUOU

    Trả lờiXóa
  31. Nguyễn Bá Thanh, tôi muốn nhớ cái tên này để còn hãnh diện khi nghĩ mình là người Việt Nam. Nếu có tâm huyết lo cho dân, xin người hãy cố gắng phấn đấu để có tầm ảnh hưởng mạnh hơn, dẹp loạn quan tham, đẩy nhanh hơn công ...

    Trả lờiXóa
  32. tôi là thầy tướng số đây, nhìn mấy ảnh của thằng Mãn có thể xem tướng nó là ăn cướp, hậu vận sẽ sống trong ô nhục.

    Trả lờiXóa
  33. Chó gặm xương chó. Tởm!

    Trả lờiXóa
  34. Sao không bầu ai giỏi mà bầu thằng ngu Mãn làm lảnh đạo

    Trả lờiXóa