Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Dân không xin mà yêu cầu chính quyền phục vụ

(Dân trí) - Bộ Nội vụ sẽ thực hiện điều tra xã hội học về chỉ số hài lòng của người dân. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam sẽ giám sát để có được kết quả khách quan.

 >>  Đo mức độ hài lòng của dân về thái độ phục vụ của công chức

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Điều tra xã hội học chọn 6 lĩnh vực dịch vụ hành chính công gồm: Cấp giấy chứng minh nhân dân, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng nhà ở (đối với cấp huyện). Cấp giấy đăng ký kết hôn, cấp giấy khai sinh và chứng thực (đối với cấp xã). Kết quả sẽ được công bố vào tháng 10. 2015.
Những lĩnh vực được chọn điều tra trên rất sát sườn với đời sống của người dân. Mỗi người khi sinh ra đều làm giấy khai sinh, lớn lên làm chứng minh nhân dân, lấy vợ lấy chồng làm giấy kết hôn, rồi mua đất, cất nhà, sinh con đẻ cái. Sau đó, lại lo đúng cái vòng tuần hoàn của một đời người.
Những việc nêu trên kết nối mối quan hệ nhà nước – công dân và chính quyền cơ sở là nơi chịu trách nhiệm thực hiện hầu hết mối quan hệ này. Chính vì lẽ đó, nếu chính quyền tốt thì dân nhờ, chính quyền kém thì dân chịu.
Lâu nay, người dân đến cửa công để xin được cấp các loại giấy trên, bị cán bộ nhà nước hành sách, thậm chí đòi tiền theo kiểu “Có ba trăm lạng việc này mới xong” (Truyện Kiều). Người dân đến cửa công trong tâm thế của một người đi xin, cán bộ chính quyền tiếp dân với thái độ của bậc bề trên, thích thì cho. Đã có nhiều trường hợp quan xã, quan huyện cư xử với dân như quan lại ngày trước.
Hãy nhìn vào các loại đơn thư mà người Việt Nam gửi tới cơ quan nhà nước sẽ thấy được bản chất của vấn đề. Đơn nào cũng ghi “Đơn xin…”. Tại sao lại phải xin mà không là đề nghị, yêu cầu?
Đúng ra, người dân không xin những điều đó mà yêu cầu chính quyền có trách nhiệm thực hiện. Dân đóng thuế để nuôi bộ máy chính quyền làm nhiều việc phục vụ nhân dân, trong đó có việc phục vụ các loại giấy tờ, thủ tục cần thiết cho người dân theo quy định của pháp luật.
Chúng ta sẽ chờ đợi kết quả điều tra xã hội học của Bộ Nội vụ, nhưng xét từ thực tế, có thể thấy rằng, người dân dứt khoát không hài lòng với thái độ phục vụ theo kiểu xin – cho, ban ơn mưa móc như quan lại với thảo dân. Người dân của xã hội dân chủ là công dân chứ không phải thần dân. Vì vậy, cần có sự thay đổi mà trước hết là từ trong nhận thức của chính những người làm việc trong bộ máy công quyền.
Đo sự hài lòng của dân cũng chính là đo chất lượng hoạt động của chính quyền. Mục đích là để nâng cao chất lượng của nền hành chính công, phục vụ nhân dân đúng bản chất của hai chữ “phục vụ”. Nếu đọc xong rồi cất kết quả vào ngăn kéo thì đọc làm chi cho mất thì giờ và tốn kém tiền bạc.
Lê Chân Nhân

1 nhận xét:

  1. Cuộc sống của 'tổng thống nghèo nhất thế giới'
    Đương kim tổng thống Uruguay sống trong một nhà tranh giữa nông trại bụi bặm, tặng 90% lương cho các tổ chức từ thiện và làm việc trên đồng ruộng hàng ngày.
    Quần áo được phơi bên ngoài ngôi nhà tranh tuềnh toàng. Một giếng trong sân cung cấp nước. Cỏ dại mọc kín mặt sân. Chỉ hai cảnh sát và Manuela, một con chó ba chân, canh gác bên ngoài nông trại.

    Đó là nơi ở của ông Jose Mujica, tổng thống Uruguay. Lối sống của ông tương phản rõ rệt so với phần lớn các nguyên thủ trên hành tinh.

    Mujica tránh xa ngôi nhà sang trọng mà chính phủ Uruguay dành cho nguyên thủ quốc gia và chuyển tới nông trại của vợ trên một con đường bụi bặm bên ngoài thủ đô Montevideo.

    Lối sống khắc khổ này, cộng với việc Mujica tặng khoảng 90% lương hàng tháng của tổng thống – tương đương 12.000 USD – cho các tổ chức từ thiện, khiến giới truyền thông gọi ông là “tổng thống nghèo nhất thế giới”, BBC cho biết.

    “Tôi đã sống như thế trong phần lớn cuộc đời và tôi có thể sống tốt với những thứ mà tôi có”, ông nói khi ngồi trên một chiếc ghế cũ trong vườn. Chiếc đệm trên ghế là chỗ nằm mà chó Manuela rất thích.

    Phần lương mà ông giữ lại chỉ tương đương với mức thu nhập trung bình hàng tháng của người dân Uruguay, tức là 775 USD.

    Vào năm 2010, Mujica tuyên bố trị giá tài sản cá nhân của ông là 1.800 USD, giá trị của chiếc xe hơi Volkswagen Beetle 1987. Tại Uruguay, một quan chức đều phải kê khai tài sản cá nhân.

    Trong bản kê khai tài sản cá nhân năm nay, ông bổ sung một nửa tài sản của vợ - bao gồm đất, máy kéo và một ngôi nhà – vào danh sách. Vì thế giá trị tài sản của ông tăng lên 215.000 USD, bằng khoảng 2/3 tài sản của Phó tổng thống Danilo Astori và 1/3 tài sản của Tabare Vasquez, người tiền nhiệm của ông.

    Tổng thống Mujica từng tham gia lực lượng du kích Tupamaros chống chính phủ trong thập niên 60 và 70. Ông hứng chịu 6 viên đạn và bị giam 14 lần. Mãi tới năm 1985, khi nền dân chủ quay trở về Uruguay, ông mới được thả. Trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2009, ông tranh cử và giành chiến thắng.

    Công dân số một của Uruguay nói rằng khoảng thời gian sống trong tù đã giúp ông tạo dựng quan điểm sống.

    “Người ta gọi tôi là tổng thốngnghèo nhất, nhưng tôi không cảm thấy nghèo. Người nghèo là người chỉ cố gắng làm việc để duy trì một lối sống tốn kém và họ luôn muốn nhiều tiền hơn. Đây là vấn đề tự do. Nếu bạn không có nhiều tài sản, bạn sẽ không phải làm việc cả đời như nô lệ để giữ đống tài sản. Vì thế bạn sẽ có nhiều thời gian hơn cho bản thân”, Mujica lập luận.

    Trả lờiXóa