VanVN.Net - Nhà văn Nguyễn Quang Hà tâm sự với tôi rằng anh có hai món nợ rất lớn mà chắc viết cho đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng không thể nào trả xong. Hai món nợ mà anh đang gánh trên đôi vai của mình là món nợ đối với nhân dân và món nợ đối với đồng đội. Hơn bốn mươi năm cầm bút, anh đã viết 10 tập tiểu thuyết; 7 tập truyện ngắn, ký, truyện ký; 2 tập thơ cùng với hàng trăm bài báo, anh chỉ mong sao trả được hai món nợ ấy.
Nhà văn Nguyễn Quang Hà
Nguyễn Quang Hà rất tâm đắc với câu nói của Bác Hồ: “Nếu không có nhân dân liệu ta làm được gì?”. Thời chiến, nhân dân đổ xương máu để giành lại độc lập tự do, thời bình họ đưa hết sức lực để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhưng họ cũng là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất. Trong bài bút ký Thủy Thanh của tôi, chỉ bằng vài con số “biết nói” anh đã cho mọi người hiểu bao nhiêu máu xương mà nhân dân đã đổ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Một xã nhỏ ven thành phố Huế như Thủy Thanh mà đã có đến 581 liệt sĩ. Ở đó có chị Thơm từng hy sinh trinh tiết của mình để bảo vệ cán bộ nằm vùng; có anh Lê Văn Kế dùng lựu đạn đánh xe tăng, bị địch bắt chặt đầu bằng cây rựa cùn và bêu xác bên cầu An Cựu...Có dịp về thăm A Lưới, anh bồi hồi nhớ lại thời anh đóng quân trong rừng,“bà con mấy bản gần đó mặc dù rất nghèo nhưng ngày nào cũng đem đến cho bộ đội rau lang, đu đủ, cà ghém...” (Con gà, cái chai và hạt bắp). Trong thiên bút ký Luận chứng một tâm hồn đa cảm anh kể lại chuyện chị Cẩm ở Phong Sơn đánh lừa địch, lấy súng M19, vấp mìn chết khi trời vừa rạng đông; chuyện cậu bé An 12 tuổi giúp bộ đội địa phương nắm tình hình địch trong trận đánh đồn Hiền Sĩ, bị địch bắn chết, trên tay cậu nắm chiếc bắp ngô đang ăn dở. Năm 1990, nghĩa là 15 năm sau giải phóng, về thăm lại A Lưới anh không khỏi chạnh lòng khi nhìn một số đứa trẻ chưa được đến trường. Bữa ăn của đồng bào vẫn chủ yếu là sắn. Lời hứa hẹn “Đến ngày độc lập đồng bào sẽ có tất cả”. Thấm thoắt đã mười lăm năm mà điều hứa hẹn ấy xem chừng vẫn còn xa vời. Một người dân A Lưới nói với anh:“Độc lập thì mình thấy rồi nhưng tất cả thì mình chưa thấy”. Điều mà anh băn khoăn sau chuyến đi ấy là: “15 năm trôi qua mà A Lưới vẫn còn nghèo, làm thế nào để nhân dân thoát khỏi cái nghèo ấy?”. Mặc cảm mắc nợ với nhân dân làm cho lòng anh nặng trĩu nỗi buồn. Cũng vì cuộc sống của dân mà anh dũng cảm, thẳng thắn nêu tên hoặc chức vụ của một số quan chức thiếu trách nhiêm với dân. Trong bút ký Luận chứng một tâm hồn đa cảm (viết năm 1986), anh phê phán cách làm việc hết sức quan liêu của lãnh đạo huyện Hương Điền (thời Bình Trị Thiên). “Trên mới lo cho dân trên nghị quyết, trên giấy tờ, nhưng khi lên xe thì mọi dự kiến cũng theo bánh xe của phó bí thư đi luôn”. Huyện phát động trồng cây gây rừng, hứa đầu tư cho mỗi gốc cây một cân gạo. “Xã Phong Sơn đã trồng bốn vạn cây mà huyện vẫn chưa đưa về một hạt gạo nào”. Đọc một số bài ký, bài báo chống tiêu cực, thấy anh nêu thẳng tên hoặc chức vụ một số quan chức cấp huyện, cấp tỉnh, bạn bè ái ngại cho anh. Nhưng anh không sợ là phải. Vì anh đấu tranh cho công lý, cho nhân dân, chắc chắn là anh sẽ được nhân dân ủng hộ. Mà được nhân dân ủng hộ thì cần gì phải “tránh đâu” nữa! Đối với những vị lãnh đạo thực lòng thương dân, quan tâm đến đời sống của dân, anh vô cùng kính phục, yêu mến. Trong số họ, người được anh hết lời ca ngợi là ông Phan Thế Phương (nguyên giám đốc sở Thủy sản). Anh nhớ mãi câu nói của ông: “Bao giờ phá Tam Giang nuôi được một nghìn héc ta tôm thì nghỉ hưu tôi mới mãn nguyện”. Câu nói đó thể hiện một cách đầy đủ tấm lòng, trách nhiệm của ông đối với những người dân sống ở vùng đầm phá. Tiếc là ông mất đột ngột vì tai nạn giao thông. Trong đoàn người đến viếng ông, có nhiều bà con nuôi tôm ở phá Tam Giang (Dòng nước thi ca). Anh cũng rất khâm phục sáng kiến của cán bộ lãnh đạo xã Thủy Thanh phát động phong trào giúp đỡ những con em liệt sĩ. Qua đợt phát động, có đến 295 người mẹ nhận 262 cháu mồ côi làm con nuôi. Họ trở thành những “người mẹ tinh thần”, là nơi nương tựa để các cháu không còn cảm thấy bơ vơ trong cuộc sống (Thủy Thanh của tôi). Đó cũng là một cách uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã hiến dâng xương máu cho Tổ quốc.
Nhà văn Nguyễn Quang Hà có đến tám năm sống và chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên (1967 – 1975) - là nơi được xem ác liệt nhất, là vùng giáp ranh, tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Anh tận mắt chứng kiến những hành động dũng cảm, trí thông minh, tinh thần chịu đựng gian khổ, đức hy sinh của cán bộ chiến sĩ quân giải phóng nói chung và đại đội Ngô Gia Tự của anh nói riêng. Chính điều này đã thôi thúc anh cầm bút và trở thành một trong những nhà văn hiếm hoi chủ yếu viết về chiến tranh trên văn đàn hiện nay. Ba tập tiểu thuyết: Sông dài như kiếm, Tiếng thở dài của đất, Vùng lõm mà anh tâm đắc đều viết về đề tài này. Một số chi tiết trong những tác phẩm ấy nếu không có thực tế chiến trường không thể biết được. Chẳng hạn như chi tiết: Giáp Văn Sự - cán bộ an ninh vừa mới được tăng cường giúp xã Mai Trung - vô ý để những hạt cát dính trên cỏ chưa khô sương, in dấu bàn chân nên bị địch phát hiện hầm bí mật (Vùng Lõm)... Nếu không tận mắt chứng kiến những trường hợp hy sinh anh dũng của một số cán bộ nằm vùng tác giả cũng khó lòng tưởng tượng hình ảnh Giáp Văn Sự nhảy vọt ra khỏi hầm bí mật, dùng súng AK bắn địch, bị trúng đạn, Sự nín thở, nằm nghiêng, rồi bất ngờ rút chốt lựu đạn giết được năm tên địch trước khi bị chúng bắn chết. Thành công của tập truyện ký viết về huyền thoại Thân Trọng Một chủ yếu là nhờ vốn sống, vốn thực tế ấy. Cũng như những cây bút viết về đề tài chiến tranh gần đây, Nguyễn Quang Hà đã phần nào khắc phục được một số hạn chế như bệnh sơ lược, công thức, đơn chiều... Tiểu thuyết Vùng lõm (NXB Quân đội nhân dân, 2008) không chỉ miêu tả cuộc chiến giữa ta và địch mà còn tập trung thể hiện “cuộc chiến” nội bộ giữa ta với ta. Đó là “cuộc chiến” giữa những người có lý tưởng cao đẹp với những kẻ cơ hội. Huỳnh Thế Tô bỏ học về làng Mai Trung làm xã đội trưởng chỉ vì yêu Hoài. Y tỏ ra ta đây dũng cảm cũng chỉ để được lòng Hoài. Y chỉ lo “vun vén chức tước, tập hợp quanh mình những người dễ sai khiến để tôn mình lên”. Nhưng khi bị Hoài từ chối thì tìm cách hãm hiếp cô rồi chiêu hồi. Quả đúng như nhà văn Nguyễn Quang Hà đúc kết: “Để quyền lực rơi vào tay những thằng cơ hội, chúng không ngần ngại gì giết cả trời xanh”. Đối lập với Huỳnh Thế Tô là Nguyễn Văn Dư-một chàng trai tài trí, kiên cường, gan góc và có đời sống tâm hồn hết sức phong phú. Chứng kiến cảnh những hành động vô cùng dã man của kẻ thù, Nguyễn Văn Dư đã dũng cảm nhận về mình cái chết để cứu dân làng.
Nhà văn Nguyễn Quang Hà từng hai lần đạt giải ký báo Văn nghệ. Tác phẩm Thân Trọng Một – con người huyền thoại và tiểu thuyết Vùng lõm được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam… Mặc dù đã đến tuổi “cổ lai hy” và bị cắt hơn một mét đại tràng vì căn bệnh ung thư nhưng anh vẫn tích cực đi và viết. Tôi thực sự kính nể sức làm việc phi thường của anh. Cầu chúc anh “chân cứng đá mềm” để tiếp tục trả hai món nợ mà anh vẫn hằng tâm nguyện!
Không chỉ có những người lính làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc, mà cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc đã hun đúc, tôi luyện nên những người lính. Những người còn lại sau cuộc chiến như anh Nguyễn Quang Hà lại tiếp tục “trả nợ đời”, “trả nghĩa nhân dân và đồng đội” như chính anh đã từng nói.
Trả lờiXóaChúng ta tự hào chúng ta là những người lính, chất lính hun đúc thành nhân cách của anh, của tôi, của chúng ta...không phô trương, không hình thức, không cần thành tích ta vui vẽ làm hết sức mình...dọn dẹp rát rưỡi trên con đường chúng ta đã chọn...
Ai cũng phải sợ bí thư Hồ Xuân Mãn, riêng anh (tất nhiên không chỉ riêng anh) không sợ những việc làm xấu của bất kì ai...
Trả lờiXóa