Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

"Giỡn" tử thần và chuyện con rể quan cũng xử

Chỉ mong sao, những cây cầu đó không “nổi tiếng”. Và không xảy ra những mờ ám khó hiểu như những con đường cao tốc nói dưới đây.

I- Khái niệm ‘cầu túm” chả lẽ rồi đây sẽ đi vào lịch sử vượt khó một cách “kỳ dị”- như lời bà Nguyễn Thị Khá (Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH)- của ngành giáo dục ở các tỉnh miền núi? Một loại hình cầu đặc biệt mà sự “khánh thành, ứng dụng, và khách bộ hành” của nó vừa gây chấn động mạnh đến toàn xã hội. Khiến người Việt vừa bàng hoàng, vừa đau đớn, và ngành giao thông không khỏi hổ thẹn.
Bởi mô hình “cầu túm” có thiết kế và địa danh hẳn hoi: Một túi ni lông cho một cô giáo ở bản Sam Lang (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) chui vào trong, được trùm kín đầu. Những thanh niên trai bản biết bơi, sẽ vừa bơi, vừa túm chiếc túi bơi qua dòng suối những ngày có lũ. Để các cô giáo có thể kịp đến lớp dạy học.
Không ai có thể cảm nhận hết cái cảm giác ngột ngạt, sợ hãi và bồng bềnh về cái chết bất thần có thể đến trong tích tắc bằng họ. Hệt sự đùa giỡn với tử thần!
Thế là sau mô hình trẻ em đi học “đu dây’ qua sông Pô kô (Kon Tum), đến các “con sáo lội sông” ở thôn Phú Mưa (xã Jơ Ngây, huyện miền núi Đông Giang- Quảng Nam), giờ, đến lượt các “sáo mẹ” vượt suối mang cái chữ về cho các “sáo con”. Không biết nhạc sĩ Trần Tiến xem được hình ảnh kinh hoàng của chiếc “cầu túm”, ông sẽ có đủ ngẫu hứng để sáng tác về sự lội sông nữa không?
Đứa trẻ nào đến trường cũng được học về sự dũng cảm. Nhưng hẳn không cô giáo nào muốn liên hệ tới sự dũng cảm vượt suối kiểu này để dạy cho trẻ, vì nó phiêu lưu quá, tội nghiệp quá. Đó là sự dũng cảm bất đắc chí trước sự… quên lãng, bởi chính quyền, ngành GD có đủ lý do về nghèo khó, thiếu kinh phí…
sáo mẹ, sáo con, Sam Lang, Điện Biên, GTVT
Qua suối bằng cách chui vào túi nilon. Ảnh cắt từ clip của Tuổi trẻ.
Công bằng mà nói, giao thông miền núi, đặc biệt xuống các bản làng vùng sâu, vùng xa hẻo lánh, luôn là một thách đố lớn với các tỉnh miền núi cao. Chả thế ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở GD Điện Biên khi được hỏi đã phải nói: Các thầy cô giáo muốn đến trường buộc phải làm thế thôi. Trường hợp này là điển hình, không phải là phổ biến nhưng cũng không phải là hiếm. Bởi thực tế, trên địa bàn tỉnh còn nhiều vùng gặp khó khăn như vậy.
Chính vì thế mà vào mùa khai trường, hoặc mưa lũ, không hiếm việc báo chí đưa tin, nơi này giáo viên bị lũ cuốn, nơi kia học sinh bị lũ cuốn trên đường đi học. Những cái chết thương tâm đó ám ảnh chúng ta, ám ảnh ngành giáo dục sở tại được bao lâu? Và đã có những “bờ vai” nào cho những bàn tay trẻ trung, hay thơ dại bám lấy giữa con lũ dữ để tránh được tử thần?
Thế nên không khó để nhận ra trong câu trả lời của ông Giám đốc Sở GD Điện Biên chứa đựng một tâm lý cam chịu. Cái khó đã bó cái khôn quá lâu. Và con người ta gần như thỏa hiệp với hoàn cảnh. Nhưng còn chính quyền các cấp của Nậm Pồ, họ ở đâu trước sinh tử của những cô giáo, những học trò? Các cô vượt khó một cách “kỳ dị”, để Tất cả vì học sinh thân yêu. Nhưng cấp quản lý giáo dục, cấp quản lý chính quyền nào sẽ Tất cả vì sự an toàn các thầy cô?
Khiến người viết bài tự hỏi, tại sao sự may rủi của những đứa trẻ, những người phụ nữ vốn chân yếu tay mềm- những con người dễ tổn thương nhất trong xã hội cần được bảo vệ- lại chỉ phụ thuộc vào “trách nhiệm” của những… con sông, con suối hung dữ, mà không phụ thuộc vào trách nhiệm con người nhỉ?
Dù trong thực tế, không hẳn lúc nào người dân cũng cam chịu như… tinh thần của ngành GD Điện Biên, hay các cấp chính quyền Nậm Pồ và tỉnh Điện Biên.
Tháng 8/2013, xã hội chứng kiến câu chuyện nghĩa hiệp của một lão nông 63 tuổi, ông Mai Văn Đâu (xã Đinh Yên, huyện Lấp Vò- tỉnh Đồng Tháp). Thấm thía nỗi khổ của người dân miệt sông nước, ông miệt mài vận động “xã hội hóa” chuyện xây cầu. Câu chuyện đẹp như trong mơ đã biến thành hiện thực. 156 cây cầu (70 cầu gỗ, 86 cầu bê tông) cuối cùng đã “hợp long” trên các con kênh, rạch vùng Đồng Tháp Mười (24h.com, ngày 31/8/2013)
Bốn tháng sau đó, một cô giáo đã nghỉ hưu- cô Bùi Thị Một, nguyên giáo viên Văn, Trường THCS Nguyễn Huệ (xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) lại tự nguyện bỏ tiền túi của mình, vận động nhiều đồng nghiệp khác, cùng học trò cũ xây một cây cầu, dầm bê tông, mang tên Bàu Làng, trị giá 100 triệu đồng, cho dân làng không còn phải thấp thỏm vào mùa mưa lũ (Dân trí, ngày 20/12/2013).
sáo mẹ, sáo con, Sam Lang, Điện Biên, GTVT
Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhắn tin cho cô giáo quay clip. Ảnh: Lê Anh Dũng
Xã hội hóa là một cách làm hay để người dân “chia lửa” khó khăn với Nhà nước. Thế nhưng, nếu người dân một nắng hai sương không cam chịu, còn các ngành, các cấp quản lý chính quyền lại sống chung với cái khó, thì chả lẽ trách nhiệm quản lý còn có khái niệm là “cam chịu”? Và những mô hình “cầu túm” như ở bản Sam Lang, hẳn có lý do để tồn tại?
Không giống như người tiền nhiệm của mình, từng có phát ngôn ấn tượng, coi học trò phải đu dây vượt sông Pô kô đi học là “sáng tạo không ngờ”- đã khiến không ngờ cả xã hội nổi sóng bất bình, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng có một động tác cần thiết khi nhắn tin cho cô giáo Tòng Thị Minh, người đã quay clip cảnh “cầu túm” vượt suối với lời Cảm ơn em.
Và một động tác quyết liệt, chắc chắn người dân Sam Lang sẽ đỡ đi nỗi lo ám ảnh khi mùa lũ về. Đó là việc ông chỉ đạo gấp cho Sở GTVT Điện Biên, và Bộ GTVT tiến hành kiểm tra thực tế, quyết định sẽ xây một cây cầu treo ở suối Sam Lang, với thời gian 02 tháng, hoàn thành trước mùa mưa lũ.
Thế nhưng, xã hội sẽ còn đỡ đi nỗi lo ám ảnh hơn nếu ngành GTVT, các ngành chức năng khác làm sao nhanh chóng vượt qua một con suối dữ khác. Đó là quản lý kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”, hoặcđuổi hình bắt chữ đã và đang phổ biến lâu nay.
Được biết mới đây, Thủ tướng CP có quyết định phê duyệt đề án xây dựng 450 cầu nông thôn tại 32 tỉnh miền núi phía bắc, miền trung, Tây nguyên và vùng đặc biệt khó khăn của Đoàn TNCSHCM giai đoạn 2014- 2020. Một sự tin cậy ở hậu thế.
Chỉ mong sao, những cây cầu đó không… “nổi tiếng” bởi có những con “ốc eo tăng đơ”, những trụ cầu xây bằng gạch bao quanh cốt thép, như cầu treo Chu Va 6 (Lai Châu) còn đang tiếp tục ầm ĩ. Và không xảy ra những mờ ám khó hiểu như những con đường cao tốc nói dưới đây.
                                                         *********
II- Sự ầm ĩ của xã hội không phải không có lý. Bởi đến thời điểm này, người ta có quyền đặt câu hỏi: Vì sao vụ cầu treo Chu Va 6 (Lai Châu) làm gần chục người chết, gần 40 người bị thương, nghiêm trọng thế, khiến đích thân Bộ trưởng GTVT phải đề nghị khởi tố, đến nay vẫn im lặng quá, im lặng không chịu nổi (mượn ý thơ của Olga Bergon). Còn bản thân lãnh đạo ban QLDA cũng chưa một lần lên tiếng trước công luận.
Phải chăng vì ông Đỗ Chiến Thắng, Trưởng Ban QLDA huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, người trực tiếp quản lý xây dựng cầu Chu Va 6, cũng lại là con rể của ông Lò Văn Giàng, Bí thư tỉnh này, nên vụ việc mới bò và yếu như… “con ốc” (neo)?
Trả lời báo chí, cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu khẳng định: Pháp luật không bỏ qua ai, ai vi phạm phải xử lý bằng pháp luật (Đất Việt, ngày 19/3). Dư luận vẫn chờ xem sự “xử lý bằng pháp luật” của Lai Châu nghiêm minh đến thế nào.
Một cây cầu treo như Chu Va 6, được đầu tư mới 1,2 tỷ đồng, đã biến thành cây cầu tử thần. Còn con đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, đoạn đi qua t/p Đà Nẵng lại có tài khác- “biến hóa” giá tiền đầu tư/ km đường cao tốc cao gấp 03 lần giá đầu tư đường cao tốc tại nước Mỹ, với mức 2.133 tỷ đồng cho 08 km. Không chịu kém miếng, con đường cao tốc đoạn Cầu Giẽ- Ninh Bình (giai đoạn 01), cũng “biến hóa” kinh phí đầu tư từ 3.734 tỷ đồng lên tới 8.974 tỷ đồng.
Đây không phải chuyện trên sân khấu xiếc, mà là câu chuyện “ảo thuật” trên các cung đường của ngành GTVT. Tính ra, để làm 01 km đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi (đoạn đi qua t/p Đà Nẵng), mất khoảng 267 tỷ đồng, tương đương 12,7 triệu USD. Nếu biết rằng, con số đầu tư này của TQ chỉ 5 triệu USD/ km, còn Mỹ chỉ mất 4,5 triệu USD/km (Đất Việt, ngày 08/3). Trong khi, chất lượng đường xá VNtốt, bền, nền, nẩy ra sao, ai cũng biết. Như vậy trên thực tế, tài “biến hóa” giá đầu tư 01 km đường cao tốc còn cao hơn nhiều.
sáo mẹ, sáo con, Sam Lang, Điện Biên, GTVT
Hiện trường cầu cheo Chuva sập. Ảnh: ĐVO
Chỉ khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, và chỉ khi giá thành 01 km đường cao tốc được công khai tại Hội nghị thảo luận hoàn thiện các nội dung dự án Luật Đầu tư công, trước khi trình QH vào kỳ họp tháng 05 sắp tới, tài thủ thuật hô “biến hóa” của các con đường nói trên mới bị bắtận tay day tận trán.
Theo Bộ trưởng KH& ĐT Bùi Quang Vinh, có những dự án, chủ đầu tư bảo gì, tư vấn, giám sát cũng theo. Thậm chí, chủ đầu tư và tư vấn còn bắt tay nhau, nâng đơn giá gấp 2-3 lần, rồi từ đó bòn rút. Còn Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng thừa nhận: Tôi cũng xin thẳng thắn là có tình trạng “bắt tay” nhau - những nhận xét về tài “biến hóa” ở tầm vĩ mô. Còn ở tầm vi mô mọi trò ảo thuật còn lắt léo, kinh khủng hơn nhiều.
Đó là chuyện các nhà thầu tìm mọi cách trúng thầu bằng giá thấp, cố tình kéo dài thời gian dẫn tới trượt giá, rồi cả chủ dự án, các Ban QLDA, nhà thầu, tư vấn khảo sát thiết kế đồng tâm thổi giá lên cao. Khi mà cả dây, từ ban QLDA trở xuống đều nhất mực kéo giá lên cao, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Đặc biệt nữa, bắt tay kéo giá lên cao, còn có cả “thế giới ngầm” ở các địa phương chuyên thâu tóm nguồn cung ứng vật liệu xây dựng, khai thác cát. Đất có chủ thì cát cũng… có chủ. Đố cơ quan chức năng, chính quyền sở tại nào không biết. Nhưng các bác còn mải mê ca khúc “vì sao anh không nói, vì sao anh không nói…
Chỉ đến khi con đường cao tốc tai tiếng được đưa lên giải phẫu tại cuộc thảo luận về dự án Luật Đầu tư công, thì té ra, có quá nhiều kẽ hở, tại anh tại ả, tại cả hai bên- bên con bệnh và bên các tay dao, tay kéo- các nhà quản lý, chuyên gia.
Trước đó, theo Đất Việt (ngày 19/11/2013), góp ý cho Luật Đầu tư công, các ĐBQH, như ông Trịnh Ngọc Thạch, đã thẳng thắn chỉ ra rằng, đầu tư công ở VN lãng phí và thất thoát rõ nhất ở các dự án giao thông, nhưng lại chưa quy định rõ cấp nào sẽ chịu trách nhiệm.
Còn theo ĐB Trịnh Thế Khiết, trong luật đầu tư công, chủ đầu tư phải có vốn nhưng hiện nay, chủ đầu tư lại “tay trắng” nắm thẩm quyền. Chính vì thế nên tất cả các dự án đầu tư công vượt trần rất lớn, lãng phí rất nhiều nhưng khi phát hiện vi phạm thì chẳng ai bị gì cả, kẻ tham nhũng cứ nhởn nhơ. Do vậy sắp tới phải xác định rõ chủ đầu tư là ai. Nếu không đầu tư công sẽ tiếp tục thất thoát.
sáo mẹ, sáo con, Sam Lang, Điện Biên, GTVT
Lún nứt trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh TNO
Ở góc độ giám sát, ĐB Trần Du Lịch cho rằng tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí như lâu nay là do cơ quan dân cử không kiểm soát được đầu tư. Lẽ ra cơ quan nào quyết định đầu tư, cấp ngân sách cơ quan ấy phải kiểm soát được từng dự án. Đây là nguyên tắc cả thế giới đều làm, chỉ riêng VN cứ nghĩ em xinh em đứng một mình vẫn xinh.
Đầu tư công là một trong ba lĩnh vực tái cấu trúc (cùng với DNNN và ngân hàng) quan trọng nhất, mang ý nghĩa quyết định đến sự phát triển hay tụt hậu của kinh tế- xã hội. Do đó, đầu tư công không chỉ cần được hoàn thiện về văn bản pháp luật, còn cần có những chế tài xử lý sai phạm nghiêm khắc. Bởi sự thất thoát nghiêm trọng đó là gì, nếu không phải là tham nhũng, do quản lý quá lỏng lẻo?
Tiếc thay, việc xử lý những sai phạm như vụ rút ruột đường cao tốc ở đoạn đường 20km (tuyến cao tốc t/p HCM- Long Thành- Dầu Giây), cũng lại nhẹ nhàng quá, nhẹ nhàng không chịu nổi, khi mà cả ba đơn vị thi công: Tổng CT Đầu tư phát triển đường cao tốc (chủ đầu tư), nhà thầu Posco E&C và tư vấn giám sát dự án - Liên doanh Nippon Koei và TediSouth đều chỉ… đồng thanh xin lỗi. Xong! (Đất Việt, ngày 03/01).
Một lời xin lỗi nhẹ hều bỗng trở nên nặng như búa tạ với dư luận
Điều đó đã gây ra không ít điều hoài nghi của xã hội về sự giơ cao đánh khẽ của ngành chủ quản.
Vì vậy, không phải vô lý, trước vụ việc “bắt quả tang” Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (giai đoạn 1) biến con đường từ 3.734 tỉ đồng thành 8.974 tỉ đồng, nâng chi phí đầu tư thêm 5.000 tỉ đồng, báo Lao động ngày 19/3 đã phải đề nghị “Xin mời Bộ trưởng Thăng rút kiếm”. Một kiến nghị đúng đắn. Và dư luận xã hội một lần nữa đang chờ đợi thái độ cần thiết của người đứng đầu ngành GTVT.
Câu chuyện những “Sáo mẹ” vượt suối bằng “cầu túm” kỳ dị và vụ việc tai tiếng những chiếc cầu treo, đường cao tốc, cách xa nhau ngàn trùng cây số. Nhưng vô tình lại đối mặt nhau trong thời kim tiền, như sự đối mặt giữa những số phận quá khác biệt. Cho dù có thể nay mai, một cây cầu treo sẽ được bắc qua con suối Sam Lang, thì những con đường cao tốc bị đội giá hàng ngàn tỷ đồng vẫn nghênh ngang nhởn nhơ uốn éo?
Chả lẽ kẻ bị nốc- ao, cuối cùng lại chính là Lương tâm- trách nhiệm quản lý?

1 nhận xét:

  1. Xin đừng đổ tiền vào nhưng chỗ chưa cần thiết, chúng ta sống ở thành thị ở đồng bằng thế này là tạm ổn rồi, hãy thập trung tất cả sức người sức của lo cho đồng bào ruột thị của chúng ta ở miền núi, không thể trông chờ vào vài cái dự án hay lòng hảo tâm. Lúc này nhà nước phải tập trung mọi nguồn lực, của cải tài nguyên để thay đổi cuộc sống của đồng bào ta ở miền núi, chư không chỉ là mấy cây cầu> Chính phủ nên xem xét các dự án, trước mắt dự án nào sinh lợi ngắn hạn nhất, còn những dự án xa vời cỡ dự án cảng chân mây thì dẹp đi, lo có tiền có gạo lo cho dân đã, đừng để một đất nước có một đảng tiến bộ nhất thế giới lại phó mặc cho dân đánh đu với số phận, rồi dân chê, tư bản thúi nát dèm pha lại đổ cho các thế lực phản động thù địch phá hoại đảng thì vô lý quả.
    Đảng có biết tại sao nhiều người ( khoảng 87 triệu người) không tin đảng nữa không?

    Trả lờiXóa