Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Cõi thiêng

  Vũ Quốc Túy
Lời tác giả: Tôi chưa bao giờ tin vào cái mà người ta gọi là “tâm linh” hay “ngoại cảm”. Nếu ai cổ vũ  cho cái gọi là “văn hóa tâm linh” thì đó chẳng qua là thực hiện chính sách “ngu dân”. Chả biết đó có phải là chủ trương của nhà nước hay không mà khắp nơi mọc lên chùa mới, nảy nòi ra ti tỉ đồng cô bóng cậu, kiếm tiền bằng cả những cách đê tiện hạng nhất. Địa điểm hoạt động của họ phần lớn tại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Tin họ hay không là tùy mỗi người, nhưng khi cơ chế của nó chưa được khoa học kĩ thuật chứng minh thì hãy nên cảnh giác. Sau đây xin gửi tới bạn đọc Quê Choa bài viết của tôi cách đây 8 năm



     Những vị có nhiều trải nghiệm, có chút học vấn lại hoạt ngôn, lúc nhàn tản hay khi trà dư tửu hậu thường hay lý sự và tán róc, tưởng như “anh hoa” phát tiết ra đằng mồm. Vãn chuyện lan man nhân tình thế thái, quá khứ tương lai và những chuyện tạp nham, ông nông dân hỏi ông bác sĩ “Cõi âm ở đâu?” Ông bác sĩ tịt. Ông thầy giáo liền hăm hở giải thích, cõi âm ở ngay bên cạnh, ở ngay xung quanh chúng ta đây chứ đâu? Cõi âm hiện đang tồn tại trong không gian dưới dạng sóng. Theo tôi, mọi vật chất đều phát ra bức xạ và hài cốt con người cũng phát ra những tia có tần số và bước sóng nhất định, có vận tốc lớn hơn cả vận tốc ánh sáng (300 ngàn kilômet/giây) và có thể đâm xuyên qua hết thảy các vật cản. Ngành khoa học xây dựng gọi đó là “tia đất”. Nhà ngoại cảm là người bằng khả năng đặc biệt đã thu nhận được loại sóng đó, nên họ mới giao lưu được với người ở cõi âm. Bộ não của họ nhận sóng giống như chiếc máy ti vi vậy. Nguyên lý máy thu hình thì đã quá rõ. Sóng phát hình phát thanh trong không gian mắt ta không nhìn thấy tác động vào ăng ten, máy thu nhận vào rồi khếch đại lên tới biên độ đủ lớn thì tách sóng ra đường hình và đường tiếng riêng. Nhờ có hệ thông quét ngang quét dọc mà ti vi tạo ra được ánh sáng và hình ảnh. Nhờ có tách sóng điều tần, hệ thống khuếch đại và thiết bị truyền âm thanh mà ta nghe được tiếng nói . Bộ óc của nhà ngoại cảm  chính là một cái ti vi siêu tinh vi, nhận được “sóng” từ những người ở thế giới bên kia, hẳn cũng trên nguyên lý ấy. Cái gì ta chưa biết thì cho là thần bí, chứ khi con người  tìm ra cơ chế, cấu trúc của nó thì mọi chuyện trở nên bình thường.

    Dẫu biết ông ta có tài Trạng mép, tán dóc, nói phét thành thần, nhưng mọi người vẫn cứ há hốc mồm ra mà nghe. Chẳng ai tin, nhưng tìm ra lý lẽ để phản bác suy luận lô-gic của một ông thầy giáo vật lý cấp ba kì cựu, đã từng lão luyện trong những lò luyện thi đại học thì đối với những người tơ lơ mơ về vật lý như tôi quả không dễ chút nào. Ông bác sĩ gật gù vẻ tâm đắc lí sự tiếp:

- Ông có lý! Cuộc sống là sự tồn tại của hai mặt đối lập. Có cái dài, ắt có cái ngắn, có cao có thấp, có nặng có nhẹ… Có âm, có dương, ví như dòng điện, phải có âm có dương mới tạo ra điện. Trời là dương, đất là âm. Thế giới tự nhiên có năm dạng vật chất là kim , mộc, thuỷ, hoả, thổ . Theo thuyết ngũ hành thì các vật chất này có tương sinh và tương khắc. Trong dương có âm và ngược lại trong âm có dương, chúng cứ quến quện lấy nhau mà tạo nên khối thống nhất. Trong mỗi con người có cả âm và dương. Bệnh tật của con người do mất cân bằng âm dương mà sinh ra…

 Nghe đến đây, tôi bỗng nhớ đến một chuyện. Mẹ tôi mất được 49 ngày thì theo tập tục, nghi lễ thông thường ở quê tôi, gia đình tôi làm lễ cầu siêu  tức là tuần canh “tứ cửu” rước mẹ lên chùa, cầu cho linh hồn người được siêu thoát, nương nhờ cửa Phật, về nơi cực lạc. Đại lễ của gia đình tôi kéo dài cả ngày và có rất nhiều công đoạn mà mọi người phải thực hiện dưới sự hướng dẫn của một sư thầy. Mẹ tôi ốm nằm liệt giường hơn 4 năm trời, tôi là người thường xuyên chăm sóc ăn uống, thuốc men, tắm rửa cho mẹ, nên sư thầy yêu cầu tôi cầm cành phan. Cành phan là một cành trúc dài hơn hai mét, trên ngọn treo một chiếc nón phan bằng giấy giống hình cái chuông chùa ở vành có những  tua màu sắc sặc sỡ luôn bay phơ phất. Tôi ngồi cúi khom, hai tay nắm chặt cành phan, một tấm vải điều trùm phủ kín người. Khi ông thầy đọc đến đoạn kinh thỉnh hồn về nhập cành phan thì tôi thấy cành trúc bỗng nặng trĩu, nghiêng đi. Tôi phải lên gân giữ cho thăng bằng và hình như có  bàn tay ai đã xoay lại cành trúc cho đúng hướng. Tôi vội vén tấm khăn điều nhìn  lên thì chẳng thấy bàn tay nào vịn vào cành trúc cả, những người xung quanh đều ngồi cách tôi quá tầm tay với và đang chắp tay vái. Lòng thương nhớ mẹ trào lên, tôi khóc thầm, cố nén không để phát ra tiếng nấc, người rung lên chao đảo. Sau này, anh chị tôi hỏi tại sao khi ấy tôi lại quay đảo như người lên đồng vậy, tôi đã nói là không biết. Ngẫm lại, mọi hiện tượng đều là do cảm giác của tôi mà ra. Tình cảm thương nhớ  người mẹ mang nặng đẻ đau sinh ra mình, suốt đời tần tảo, thắt lưng buộc bụng chăm chút cho con từng li từng tý, khi trút hơi thở cuối cùng vẫn nhìn con bằng đôi mắt chan chứa thương yêu cứ dâng trào lên trong tôi như những đợt sóng ngầm mãi không dứt. Thì ra cõi âm chẳng phải đâu khác. Đó là lòng thương nhớ khôn nguôi ông bà cha mẹ, anh chị em con cháu, bạn bè đồng đội… những người  thân đã về nơi chín suối thành người thiên cổ. Đó là văn hoá, là tình cảm, là đạo lý, là kỉ niệm thiêng liêng trong mỗi người. Hình ảnh người đã khuất luôn ở trong hồn người sống là cõi âm, cõi âm và cõi dương luôn hoà quyện mà tạo nên cõi người. Đấy là cõi thiêng. Người với người, nhất là ruột thịt, người thân trong một nhà sống với nhau bằng tình thương yêu, trách nhiệm và đạo lý để đến khi kẻ ở người đi âm dương cách biệt, không còn điều gì phải ân hận, cõi lòng thanh thản,  khỏi bị cắn rứt dày vò bởi vẫn còn mắc mớ chút “giá như ” đầy hối tiếc.  
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

2 nhận xét: