Minh Diện
Cậu Thủy" (áo trắng, bìa trái ảnh)
nghe đọc lệnh bắt - Ảnh: Bùi Thanh
- Dạ thưa chị! Chúng em cũng chỉ nghĩ đến liệt sỹ thôi chị ạ. Việc làm của chúng em xuất phát từ đạo lý “uống nước nhớ nguồn” chị ạ. Có linh hồn liệt sỹ chứng giám cho tấm lòng chúng em trong sạch chị ạ!....
Nguyễn Hoàng Phương, Phó chủ tịch Công đoàn Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam nhắc đi nhắc lại với nhà báo Thu Uyên, Chủ nhiệm chương trình “Trở về từ ký ức” của VTV như vậy.
Khuôn mặt chữ nãi méo xẹo , nhợt nhạt, mắt sụp xuống và môi đãi ra, nhìn phì nộn và trơ tráo hệt như một tên ăn trộm bị bắt quả tang. Bộ dạng ngây ngô như “Con cáo giả cừu” trong truyện ngụ ngôn của Jean de La Fontain !
Đồng điệu với vai diễn lố bịch ấy là Phó Tổng giám đốc khuôn mặt ngắn xám xịt, và mấy cán bộ của ngân hàng ngồi kề bên. Ai đã từng nhìn những khuôn mặt vênh váo trên ghế bành trong phòng lạnh ngân hàng, hoặc hừng hực hơi men trong các cuộc nhậu đổ quan xiêu đình, chắc sẽ hiểu thế nào la sự đổi mầu của loài bò sát kỳ nhông. Nhưng kỳ nhông chỉ đổi được màu da, không đổi được giọng nói như những quan chức ngân hàng chính sách xã hội khi họ đến gặp nhà báo năn nỉ đừng đưa vụ lừa đảo tỉm hài cốt liệt sỹ lên TV.
Thu Uyên hỏi:
- Anh có thể cho biết tiền chi cho nhà ngoại cảm từ khoản nào không?
- Dạ thưa chị ! – Lại ngoan ngoãn dạ thưa - Cán bộ công nhân viên góp 4 ngày lương mỗi năm ạ! Công đoàn, được sự chấp thuận của đảng ủy, đã ra nghị quyết như thế ạ. Để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đền ơn đáp nghĩa các anh hùng liệt sỹ ạ! Thưa chị ,tất cả đều là tình nguyện ạ!
Hơn 10.000 cán bộ, công nhân viên Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam đã thực hiện cái nghị quyết “Uống nước nhớ nguồn” ấy, đã tình nguyện đóng góp mỗi quý một ngày lương để xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.
Có lẽ chẳng ai băn khoăn tiếc rẻ khi làm một nghĩa cử như vậy. Ngược lại sẽ rất vui vì đã góp phần xoa dịu bớt nỗi đau của những người mẹ, người vợ, người con các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Bây giờ không hiểu hơn 10.000 đoàn viên công đoàn Ngân hàng chính sách xã hội có biết, và tâm trạng của họ ra sao, khi tiền họ bỏ vào cái quỹ ấy lại chui vào túi kẻ lừa đảo mang danh nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Thủy , tức “Cậu Thủy”?
Có lẽ không khỏi choáng. Bởi một lần nữa niềm tin lại bị đánh cắp.
Nhưng xót xa hơn vạn lần là thân nhân liệt sỹ.
Chiến tranh đi qua mấy chục năm rồi , hàng vạn người mẹ, người vợ, người con vẫn ăn không ngon, ngủ chưa yên, bởi chưa biết chồng ,con,cha, anh ,em mình còn ở nơi nào. Trái tim luôn thắt thỏm! Một khoảng trống vô mình khó lấp đầy khi chưa tìm được hài cốt người thân! Giờ này con ở đâu? Giờ này anh ở đâu? Giờ bố ở đâu? Giờ này ...Những điệp khúc nhói lòng.
Ai đã từng là thân nhân liệt sỹ chắc hiểu được tâm trạng ấy, tâm trạng kết tinh từ nỗi xót xa đằng đẵng tháng ngày . Trong tâm trạng ấy, ngày tháng luôn ngóng chờ tin, dù chỉ như một đốm lửa lóe lên cũng tràn trề hy vọng tìm được hài cốt người thân. Trên dãy Trường Sơn bạt ngàn , giữa những cánh đồng mênh mông Nam bộ, trong rừng thốt lốt Campuchia, hay lưng chừng cao nguyên Pô-lô-ven nước bạn Lào...
Trong tâm trạng ấy, dù ở tận chân trời góc bể nào thân nhân liệt sỹ cũng sẽ tới, để mang về , dù chỉ là một nắm đất nơi người thân đã nằm chờ mấy chục năm qua. Bao nhiêu bà mẹ cố sống thoi thóp để chờ giờ phút đó.
Mẹ đã ứa nước mắt vì vui sướng bất ngờ, trái tim già nua thổn thức khi các “Thiên thần áo xanh nõn chuối” ( Màu đồng phục của Ngân hàng chính sách xã hội) bảo với mẹ rằng , con mẹ ở chỗ này, chỗ kia và ngày mai, ngày mốt sẽ trở về với mẹ trong màu cờ Tổ Quốc. Và toàn bộ chi phí cho cuộc tìm kiếm , quy tập ấy do Ngân hàng chính sách xã hội của chính phủ bỏ ra , để đền ơn đáp nghĩa!
Mẹ đâu ngờ , bọc trong lá cờ Tổ Quốc màu máu đỏ rực ấy, không phải là xương con mẹ, cũng không phải xương đồng đội nó, thậm chí không phải xương người, mà là xương bò, xương lợn , là những thứ ngụy tạo của bọn khốn nạn táng tận lương tâm.
-Tội ác này không thể dung thứ!
Ông Mẫn Bá Tiến , em trai liệt sỹ Mẫn Bá Phùng đau đớn thốt lên.
Anh trai ông sinh năm 1947, nhập ngũ năm 1966 , hy sinh năm 1968. Bố mẹ ông mấy chục năm day dứt vì chưa tìm được hài cốt con. Lúc sắp qua đời hai cụ trăn trối lại cho ông : “ Cố gắng tìm xương cốt của anh mang về nơi chôn rau cắt rốn!”
Thực hiện di nguyện của cha mẹ , gia đình ông đã tìm kiềm nhiều năm nhưng chưa biết hài cốt liệt sỹ Mẫn Bá Phùng ở đâu.
Thế rồi có người mách bảo ông tìm đến “ Cậu Thủy”. Cùng ở thị trấn Chờ, ông Tiến đã nghe danh “ Cậu Thủy” có tài nhìn xuống lòng đất gọi hồn người chết. Thỉnh thoảng đi qua ngõ nhà “ Cậu Thủy” ông gặp người ra vào. Ông nghe nói “Cậu Thủy” đã được nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ tìm mộ liệt sỹ ..
Biết tin gia đình ông Mẫn Bá Tiến nhờ “ Cậu Thủy” tìm mộ liệt sỹ Mẫn Bá Phùng , ông Lê Văn Tiến, nguyên trưởng công an thị trấn Chờ can ngăn.
Ông Tiến kể : “ Tôi cùng nhập ngũ với anh Phùng , cùng hành quân vào chiến trường Đông Nam bộ. Ngày ấy thỉnh thoảng đi lấy gạo chúng tôi vẫn gặp ngau. Đúng ngày 22-4-1972 tôi nhận được tin anh Phùng đã hy sinh trong một trận đánh lớn ở miền Đông Nam bộ. Hết chiến tranh trở về, tôi được biết anh hy sinh năm 1968 theo giấy báo tử cùa đơn vị”
Ông Lê Văn Tiến không lạ gì nhân thân Nguyễn Văn Thủy. Từng là một sỹ quan công an bị sa thải, Nguyễn Văn Thủy đã có tiền án phạm tội lừa đảo và cướp đoạt có vũ khí, bị xử phạt 10 năm tù. Cũng tội danh ấy, vợ y là Mẫn Thị Duyên bị tù 12 năm. Năm 2005 được ra tù, hai vợ chồng chuyên hành nghề cúng bái. Đã nhiều lần ông Lê Văn Tiến cảnh cáo và xử phạt hành chính Thủy, Duyên về hành vi lừa đảo và mê tín dị đoan . Với một kẻ như vậy thì trời phật nào chứng mà bảo được ơn trên ban cho xứ mệnh tìm mồ mả giúp đời?
Dù vậy ông Lê Văn Tiến không can ngăn được gia đình liệt sỹ Mẫn Bá Phùng, và cuộc tìm kiếm đã được “Cậu Thủy” thực hiện trót lọt.
Hài cốt liệt sỹ Mẫn Bá Phùng được tìm thấy ở Đắc Lắc. Giữa một cánh rừng già, bên cạnh con suối. Cậu Thủy cắm nhang , bào đào 40 cm sẽ thấy hài cốt. Đúng y như vậy. Đào 40 cm là thấy xương, thấy di vật. Một đôi dép cao su Trung Quốc, 5 cái cúc áo, một chiếc bình tông. Chiếc bi đông móp méo, han rỉ, có hàng chữ châm bằng đinh, cách đánh dấu mà ngày xưa những người lính giải phóng thường làm : “Mẫn Bá Phùng F7 H Bắc”.
Những mẩu xương khó xác định nhưng những di vật thì chỉ cần tỉnh táo một chút là biết ngụy tạo. Đôi dép cao su Trung Quốc còn rất mới. Dòng chữ “Mẫn Bá Phùng F7 H Bắc” trên chiếc bi đông cũng mới khắc . Vô lý hơn là liệt sỹ hy sinh ở miền Đông nam bộ lại chôn ở Tây Nguyên?
Ông Lê Văn Tiến nói:
- Tôi kiên quyết không sang dự lễ truy điệu . Sang lễ xương trâu xương bò thì tôi thấy có lỗi với anh Phùng!”
Không chỉ riêng ông Lê Văn Tiến nhận ra bộ mặt lừa đảo của Nguyễn Văn Thủy.
Khi “ Cậu Thủy” vào khai quật ba ngôi mộ tập thể ở Bình Long , ông Nguyễn Văn Mãng, phó giám đốc Sở lao động thương bình - xã hội Bình Phước , và cán bộ chiến sỹ Đội tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ K72, Bộ chỉ huy quân quân sự tình cũng phát hiện dấu hiệu lừa đảo.
Ông Mãng kể: “ Chúng tôi biết họ lừa. Bởi điểm khai quật là một cánh rừng cao su đã ba lần khai thác , trồng đi trồng lại. Những bộ hài cốt tìm thấy quá dễ dàng, ngay gốc cây cao su chết, ở độ sâu 30 cm . Nếu đó là hài cốt liệt sỹ chôn từ trước giải phóng , thì qua ba lần cày xới để trồng lại cao su làm gì còn? Thế rồi có liệt sỹ hy sinh ở Bến Cát , Bình Dương, hài cốt lại ở đây, cách nhau 100 km. Trớ trêu hơn là hai liệt sỹ hy sinh cách nhau hai năm chung một huyệt mộ và có liệt sỹ hy sinh năm 1975, nhưng di vật chôn kèm là một huy hiệu ghi năm 1975...
Khi nhận bàn giao 15 bộ hài cốt, Bộ chỉ huy quân sự và Sở lao động thương binh –xã hội kiểm tra ADN, thì không phải xương người. Có khúc xương Nguyễn Văn Thủy nói là xương liệt sỹ, mang rửa sạch thấy hai đầu trám bằng xi măng đen , ở giữa nhồi cát trắng...!”
Những bằng chứng như vậy vẫn không làm gì được Nguyễn Văn Thủy. Cái mặt ngắn ngủn dán cặp kính râm dấu hai con mắt tròn như mắt cú vẫn nhâng nhâng. Thủy rất tự tin và thái độ rất xấc xược. Ông ta quát nạt mọi người , đuổi cán bộ chiến sỹ K72 ra khỏi khu vực khai quật. Cậu Thủy làm trời như vậy vì chung quanh được bao bọc toàn một màu áo xanh nõn chuối,- màu của tiền nhân danh nhân danh Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam!
Nhưng đi đêm có ngày gặp ma! Cái mặt nạ của Nguyễn Văn Thủy bị xé nát khi ông ta bày trò lừa đảo ở Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị.
Đại tá Trần Minh Thanh nói với báo VNEXEPRESS:
- Nếu hôm đó tôi không yêu cầu anh em khai quật bằng tay thì thất bại. H ay nếu cứ để người của phía Ngân hàng chính sách xã hội nhảy vào cất bốc cũng sẽ không lật tảy được vụ việc. Khi chúng tôi đào bằng tay ở ngoài nơi nhà ngoại cảm chỉ , thì không thấy gì. Còn đào tại vị trí ông ta chỉ thì có hiện tượng lạ như đất rất mềm, rễ cây tràm bị đứt khô, có lẫn lá tràm xanh trong đất... nên chúng tôi xác định ngay là lừa đảo.
Thì ra Nguyễn Văn thủy đã cho người tới đây năm sáu tháng trước để bí mật chôn sẵn xương trâu, xương lợn, yểm sẵn những chiếc lọ Penicinin ghi tên liệt sỹ và những di vật ngụy tạo. Cách bài binh bố trận kỹ lưỡng và quy mô, không chỉ một vài người có thể làm được.
Mỗi bộ hài cốt giả Nguyễn Văn Thủy được Ngân hàng chính sách xã hội trả 75 triệu đồng. Chỉ một đêm ở Đắc Lắc, Thủy tìm được 42 “bộ hài cốt” ẵm gọn hơn 3tỷ, và theo thông tin ban đầu, tới ngày 27-10-2013, Nguyễn Văn Thủy đã được Ngân hàng chính sách xã hội chi trà 7,9 đồng cho 105 bộ hài cốt giả.
Gần tám tỷ đồng chi cho 105 bộ hài cốt liệt sỹ giả!
Hãy nghe lời thanh minh của Phó chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam :
- Chúng em chỉ nghĩ đến các liệt sỹ! Chúng em không hề biết những việc làm của ông Nguyễn Văn Thủy. Chúng em đã bị lừa chị ạ !
Ô hay, các vị bịt tai nhắm mắt hay sao mà không nghe dư luận?
Hơn thế,Sở lao động thương binh xã hội tỉnh Bình Phước đã có công văn nói rõ sự việc Nguyễn Văn Thủy lừa, nhưng các vị vẫn ép phải đưa “hải cốt liệt sỹ” vào nghĩa trang!
Vì cái gì nhỉ? Hay là có sự ăn chia với nhau rồi, há miệng mắc quai? Vì cái gì mà một bầy áo xanh nõn chuối bao quanh “Cậu Thủy”, hết nhập đồng vật vã như điên dại, hết quỳ lạy như phát cuồng, là lăn xả vào đào bới, bốc hốt? Vì cái gì mà từ Tổng giám đốc đến Chủ tịch Công đoàn ngân hàng o bế “Cậu Thủy” ? Vì cái gì mà tìm tòi, moi móc mấy cựu chiến binh ra làm chứng ? Thật mỉa mai khi có người hàm hồ, rằng từng chỉ huy trận nọ, trận kia, cấp tiểu đoàn. trung đoàn , khi thực tế lúc bấy giờ họ mới là tiểu đội phó? Phải chăng chỉ vì tấm lòng đối với những chiến sỹ hy sinh vì nước?
Hãy lột cái mặt nạ ra, đừng giả nai nữa, lố bịch lắm.
Mấy bữa nay ngôi nhà ba tầng lầu , kiến trúc theo kiểu biệt thự, trước cổng có hai con sư tử đá , trên nóc cổng có hai con rồng vàng chầu mặt nguyệt, giữa sân có hòn đá phong thủy, trên tầng lầu có điện thờ thần linh, của vợ chồng Nguyễn Văn Thủy ở thị trấn Chờ không người ra vào. Ngôi nhà này với chiếc xe Toyota Land Cruiser và nhiều tài sản khác , Nguyễn Văn Thủy đã mua bằng tiền bán những bộ hài cốt liệt sỹ giả cho Ngân hàng chính sách xã hội. Đừng nói Ngân hàng chính sách xã hội bị Nguyễn Văn Thủy lừa. Kẻ bán và người mua cùng một duộc lừa dân .
Gần 8 tỷ đồng mua 105 bộ hài cốt liệt sỹ giả.105 lá cờ Tổ Quốc bọc những mẩu xương trâu, xương lợn . 105 bọc xương trâu , xương lợn chôn chung trong Nghĩa Trang với các anh hùng liệt sỹ đã bỏ mình vì nước!
Nguyễn Văn Thủy và đồng bọn không chỉ xúc phạm 105 liệt sỹ mà xúc phạm anh linh hàng triệu liệt sỹ. Không chỉ làm nhục 105 gia đình thân nhân liệt sỹ mà làm nhục toàn thể nhân dân Việt Nam.
Nhân danh người lính, nhân danh một gia đính có 8 liệt sỹ, tôi, người viết bài này, hỏi ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Trung ương đảng, Thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam, Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội một câu, chỉ một câu đơn giản, là: “Ông có biết việc này không, có hiểu đạo lý đó không?”.
Nếu biết thì ông có nên tiếp tục ngồi trên cái ghế đó không?
M D
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Nhìn vào danh sách hội đồng quản trị ngân hàng này mới thấy kỷ lục: các ủy viên gồm 6 thứ trưởng hoặc cấp tương đương của các bộ, ngành...
Trả lờiXóaChưa hết, ở 63 tỉnh thành mà ngân hàng này có chi nhánh và 618 phòng giao dịch cấp huyện, họ cũng tổ chức sao cho mỗi nơi đều có ban đại diện hội đồng quản trị cũng gồm các quan chức cấp tỉnh và huyện. Biểu sao bộ máy không cồng kềnh, chi phí không cao cho được.
Dù chủ yếu là cho vay các hộ nghèo và các đối tượng chính sách như học sinh, sinh viên, công nhân đi lao động nước ngoài... Ngân hàng Chính sách Xã hội thực chất vẫn là doanh nghiệp. Mà đã là doanh nghiệp thì thành viên hội đồng quản trị hay hội đồng thành viên “không là cán bộ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước”, theo quy định của Chính phủ. Thế là thêm một ngoại lệ to đùng.
Lẽ ra ngân hàng cứ được tổ chức một doanh nghiệp bình thường nhưng chính sách cho vay ưu đãi đến một số đối tượng như hộ nghèo, sinh viên gặp khó khăn, doanh nghiệp nhỏ... cứ công khai thật rõ ràng (có thể tốn tiền in tờ giới thiệu, đăng quảng cáo...) Bất kỳ ai thuộc diện được vay đều có thể vay, dựa trên những tiêu chí được công khai, không cần ban bệ duyệt xét gì nữa. Ai bị từ chối không được vay có quyền khiếu nại và được xem xét công minh. Vai trò của Ngân hàng Nhà nước hay Chính phủ là đề ra chính sách cho từng thời kỳ và Ngân hàng Chính sách Xã hội cứ thế thực hiện. Vì sao phải đẻ ra bộ máy cồng kềnh như hiện nay, nghe đâu gần đến 10.000 cán bộ, nhân viên?
Oi troi oi, bon lanh dao cao cap cong san nay khon lam, tim cach lua dao,
Trả lờiXóanay co chuyen, ho chi noi la cap duoi lua doi chu ho khong biet dau, ho lam voi tam long cao ca, nay do be thi ho se do loi cho cap duoi, ho vo can, chi dem nhung con tot ra thi va xin tu kiem diem la xong, moi chuyen deu bo qua, roi ho se tim cach khac, chuyen khac ra de lua dao tiep, con may con tot co vao tu, ho cho chuyen trai, doi ten doi ho dua di noi khac la em chuyen.
song voi cong san bao nam nay khong hieu ban chat cua cong san sao!