Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

Đạo đức = Suy thoái – (Điển hình + Tấm gương)



06-03-2013
Mình chẳng lạ gì ông Hồ Xuân Mãn và từ lâu đã không màng tới những người cùng loại với ông ta.
Lẽ ra mình sẽ tiếp tục cười khẩy và im lặng, nếu như bác Nguyễn Phú Trọng không cảnh cáo những người góp ý “sửa đổi Hiến pháp”, đụng đến sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng là “suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức”. Ở thời điểm này, có lẽ chuyện ông Hồ Xuân Mãn là ví dụ tốt nhất để cùng ngẫm nghĩ về việc có nên im lặng, chấp nhận nghe bác Trọng phê phán đó là “suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức”
1.
Hôm 4 tháng 3, tờ Dân Việt đăng bài “Anh hùng bị tố khai man thành tích” (1), cho biết, hàng chục đảng viên, từng là cán bộ, chiến sĩ đã sống và chiến đấu với ông Hồ Xuân Mãn, cùng lên tiếng tố cáo nhân vật vốn là cựu Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế, cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, ngụy tạo thành tích để được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Trước đó hai ngày, nội dung tương tự cũng được tờ Công an TP.HCM đề cập trong bài “Nguyên Bí thư Tỉnh ủy nói gì khi bị tố cáo?” (2).
Các tác giả của hai bài báo đã gặp nhiều nhân chứng, dẫn nhiều ý kiến, dữ kiện, khẳng định, cả 17 “chiến công” mà ông Hồ Xuân Mãn đã “lập” trong giai đoạn từ 1964-1975, nhằm “báo công” và trở thành “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” đều là… gian dối.
Ông Mãn trở thành “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” năm 2010. Năm 2012, tờ Cựu Chiến binh, số ra tháng 11 đăng bài “Về lại Phong Điền”, chính thức nêu nghi vấn về các thành tích của “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” Hồ Xuân Mãn. Bài này được cán bộ và dân chúng Thừa Thiên – Huế copy, chuyền nhau đọc.
Đầu năm nay, tờ Đại Đoàn Kết đăng hai bài (3), kế đó, An ninh Thế giới – một phụ bản của tờ Công an nhân dân – nhồi tiếp hai bài nữa (4), cùng giúp ông Mãn giải độc dư luận từ bài “Về lại Phong Điền”.
Tới đầu tháng này thì cả Công an TP.HCM lẫn Dân Việt cùng xới lại vấn đề, theo hướng, đứng về phía những người tố cáo, phản bác thông tin của Đại Đoàn Kết và An ninh Thế giới.
Thật ra, chẳng phải tới bây giờ ông Hồ Xuân Mãn mới được công chúng quan tâm…
2.
Cuối năm 2005, tờ Lao Động gây xôn xao dư luận khi đăng “Đất cố đô có vua” (5) – một bài viết ngắn, kể chuyện viên quan to nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế bị một nữ tiếp viên bạt tai vì đã sàm sỡ với cô. Chuyện chưa ngừng ở đó, sau khi bị bạt tai, viên quan to nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ra lệnh cho chủ nhà hàng phải đuổi nữ tiếp viên muốn bảo vệ phẩm giá của cô, ngay lập tức. Đồng thời còn dọa sẽ cho đóng cửa nhà hàng có cô tiếp viên “to gan” này và các nhà hàng lân cận!?. Tác giả “Đất cố đô có vua” kể thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên, viên quan to nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế sàm sỡ với các nữ tiếp viên dù họ chỉ đáng tuổi con, cháu ông ta giữa thanh thiên bạch nhật, đó là một thứ thói quen, một loại “chuyện thường ngày” mà viên quan to nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế hay làm. Theo tác giả, viên quan to nhất tỉnh bị tát vì “đi đêm có ngày gặp ma”. Thế thôi!
Tuy “Đất cố đô có vua” được viết theo kiểu phiếm chỉ nhưng dân Thừa Thiên – Huế và giới thạo tin biết rất rõ, viên quan to nhất tỉnh là ai. Họ không lạ gì tư cách, tính cách của “đồng chí” Hồ Xuân Mãn…
Đến năm 2008, thiên hạ thêm một lần phải để ý tới ông Hồ Xuân Mãn, khi tận mắt mục kích hoặc đọc, nghe tường thuật về Lễ tế Nam Giao trong Festival Huế. Nhà báo Trương Duy Nhất kể như thế này qua “Không phải là vua nhưng mộng ước cũng như… vua!”, ở blog Một góc nhìn khác (6): “Trong nhóm quan chức phưỡn bụng trên thượng đàn trong lễ tế có một vị khoác… hoàng bào. Đó là ông Hồ Xuân Mãn, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên- Huế. Sao ông Mãn dám… liều thế nhỉ? Hay ông nghĩ mình là… Vua?”
Đầu năm 2010, một lần nữa ông Hồ Xuân Mãn gây xôn xao dư luận vì được công nhận là một trong những “những tấm gương tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân cả nước đã có nhiều thành tích trong học tập và nhất là làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Việc công nhận ông Hồ Xuân Mãn là “điển hình” về “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, khiến nhà giáo Hà Văn Thịnh, giảng viên Đại học Huế, viết bài “Xin hỏi ông Bí thư Tỉnh ủy” (7), đề nghị ông Mãn nói rõ hơn về “thành tích” giảm tỷ lệ người nghèo từ 28% xuống còn 8%. Bài “Xin hỏi ông Bí thư Tỉnh ủy” xuất hiện trên báo điện tử VietNamNet một vài ngày rồi biến mất. Ông Mãn không trả lời, những người phát động việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cũng không thèm bận tâm.
Rồi ông Mãn được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
3.
Mình viết tới đây thì thấy, vừa có thêm tờ Tuổi Trẻ tham gia vào vụ lật lại hồ sơ “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” Hồ Xuân Mãn.
Trong bài “Anh hùng khai man thành tích?” (8), phóng viên tờ Tuổi Trẻ cho biết, họ có gặp ông Lê Sáu, cựu bí thư Huyện ủy Phong Điền, giai đoạn 1969-1971 để hỏi thăm về “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” Hồ Xuân Mãn.
Ông Lê Sáu nhận định, không thể xem chuyện ngày xưa, ông Mãn giết ông Hoàng Sớm –trưởng ấp Phò Ninh là “thành tích” vì dù giết được ông Hoàng Sớm nhưng “trận đánh” này đã làm chín thường dân, trong đó có cả trẻ em chết.
Đáng chú ý là sau bài viết kể trên, một blogger có nickname là “anhmanxx”, tiếp tục cung cấp thêm một số thông tin trên blog của blogger này (9). Theo đó, trong “trận đánh” để “khử” ông Hoàng Sớm, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” Hồ Xuân Mãn đã thản nhiên xả súng vào đám giỗ, dẫu cho ông nội ông Mãn và nhiều bà con của chính ông ta đang ngồi tại đó. Ngoài 9 thường dân vô tội thiệt mạng, “trận đánh” này còn làm cho 8 thường dân khác bị thương. Bây giờ, cứ tới ngày ấy, thôn Phò Ninh, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế có đến 10 đám giỗ.
4.
Với Đảng, với bác Nguyễn Phú Trọng, bác Nguyễn Sinh Hùng, một kẻ như ông Hồ Xuân Mãn là một “đồng chí”, vừa “vững vàng về lý tưởng”, vừa “kiên định về lập trường”.
Đảng, tất nhiên, đã, đang, sẽ chỉ tín nhiệm những người như ông Mãn. Sự tín nhiệm này thể hiện ở những chức vụ mà ông ta đã đảm nhận: Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, những danh hiệu mà ông ta được tặng: “Điển hình của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Bạn có muốn làm “người tốt”, có “đạo đức”, “điển hình”, “anh hùng” theo kiểu ông Hồ Xuân Mãn?
Ông Hồ Xuân Mãn không phải là cá biệt, có không ít người giống hệt ông ta. Họ bảo họ là ưu việt, họ có quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, quyết định mọi thứ liên quan đến số phận, tương lai, không chỉ của chính bạn mà còn làm như thế với cả con, cháu bạn. Không chấp nhận điều này, bạn sẽ là “kẻ xấu”, bị “suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức”.
Bạn sẽ “dạ” thật to hay nói “không”?
—–
Chú thích:

1 nhận xét:

  1. Bộ sậu khi anh Mãn dựng lên và về hưu đang quản lý hiện nay mới kinh dị hơn nữa. Không ở đâu như ở Huế, du lịch lại bị tách làm 2 để cho thằng đệ ruột lập hiệp hội ngang hàng có ước vọng làm chính trị lon ton trên bàn nhậu.

    Anh Huy.N chắc có lẽ biết nhiều lắm. Tại sao anh lại không nói nhỉ. Anh cũng là người có ít nhiều ĐƯỢC hoặc BỊ trong những chuyện mà không muốn nói cũng không được kia mà.

    Dân Huế đang đồn, vụ này mà không xong thì sau đó sẽ là vụ trả thù và phá hoại lớn nhất đang tính toán diễn ra.

    Người Huế hay than vãn: Vì sao người tài bỏ đi gần hết. Đơn giản là chúng nó cố tình làm cho chán nản, oải. Người ta không còn sức để chịu đựng và thế là họ bỏ đi. Bất chiến tự nhiên thành.

    Thành tích đó là nhờ a Mãn và đồng bọn sau này.

    Trả lờiXóa