Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Hồ Xuân Mãn dấu đầu hở đuôi

Tạp chí Sông Hương tháng 12/2012 có tạp văn Nhớ đêm về xóm Bồ của HỒ XUÂN MÃN (Nguyên UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, anh hùng LLVTND) viết:
Năm 1973, để chuẩn bị cho ký kết hiệp định Paris, Khu ủy và Quân khu Trị Thiên - Huế chủ trương tổ chức các lực lượng (bao gồm cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) tổ chức đánh chiếm các căn cứ và phân chi khu địch để giành đất, nắm dân, cắm cờ giành quyền làm chủ. 
Lúc đó tôi là Trưởng Công an, cùng với lực lượng xã đội Phong An (Phong Điền) nhận nhiệm vụ phối hợp với du kích xã Phong Sơn tổ chức, nghiên cứu địa bàn dẫn đường đưa Trung đoàn 1 Sư 324 do anh Phan Thỏa làm Trung đoàn trưởng (nay đã nghỉ hưu sống ở Đông Hà - Quảng Trị) về địa bàn hoạt động của mình. 
Đó là công việc không hề đơn giản, bởi ngoài dẫn đường, tìm nơi trú quân, đặt trận địa cối 120 ly..., chúng tôi còn được giao nhiệm vụ phải dựa vào dân để lo mọi thứ từ hậu cần, thuốc men, tải thương, chăm sóc thương binh, mai táng liệt sĩ... cho cả Trung đoàn. 
Trên thực tế lực lượng du kích, an ninh chúng tôi thời điểm đó không nhiều. Cả Phong An và Phong Sơn điểm lại chỉ có chừng 10 người nhưng nhờ chú trọng xây dựng lực lượng tại chỗ nên hậu thuẫn cho chúng tôi là 2 chi bộ, 2 chi đoàn thanh niên, 2 đội du kích và một số an ninh mật hoạt động hợp pháp trong lòng địch. 
Đêm trước ngày ký hiệp định Paris, Trung đoàn 1 từ chiến khu theo dẫn đường của chúng tôi đã chiếm lĩnh trận địa. Đúng 23 giờ đêm 26/1/1973 quân ta tổ chức đánh chiếm Phân Chi khu quân sự xã Phong An (đóng ở trụ sở UBND xã Phong An hiện nay) và tiếp đó đánh chiếm mục tiêu bắc cầu An Lỗ, đẩy lực lượng cảnh sát dã chiến, lực lượng địa phương quân tháo chạy qua vùng chùa Long Quang thuộc địa phận của thị xã Hương Trà bây giờ. 
6 giờ ngày 27/1/1973. Sau khi Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng đồng loạt phát thông báo Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực thì cả một miền dọc sông Bồ từ Hiền Sỹ đến An Lổ rợp cờ Mặt trận dân tộc giải phóng. 
Bộ đội và nhân dân vô cùng phấn khởi vì nghĩ rằng sau nhiều năm chìm trong máu lửa của chiến tranh, quê hương đã có hòa bình, dù chưa trọn vẹn! 
Trong những ngày ngắn ngủi đó, theo chỉ đạo của trên, chúng tôi đã gấp rút tổ chức bộ máy quân quản để lãnh đạo và chỉ đạo nhân dân đấu tranh buộc địch thi hành hiệp định Paris. Và sự ngây thơ đó đã bị trả giá! 
Một tuần sau, địch tung đại đội Biệt động quân đánh thăm dò, thấy ta phản ứng yếu ớt nên 2 ngày sau chúng đã quyết định tung Tiểu đoàn Biệt động quân và Đại đội Cảnh sát dã chiến có xe tăng yểm trợ tiến hành phản kích và đã đẩy toàn bộ lực lượng của ta ra khỏi địa bàn Phong An!
Chưa dừng lại, chúng tiếp tục truy kích. Chiến sự nổ ra ở khu vực khe nước nóng Thanh Tân. 
Thấy Trung đoàn 1 thương vong nhiều, Quân khu Trị Thiên - Huế điều Trung đoàn 3 (do anh Võ Chót làm Trung đoàn trưởng, sau này là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh QK4) về thay thế và tạo nên phòng tuyến Phong Sơn (cuối năm 1973, Trung đoàn 4 do anh Nguyễn Quốc Khánh làm Trung đoàn trưởng được Quân khu Trị Thiên - Huế cử về thay thế Trung đoàn 3). 

Báo Tuổi Trẻ 05/03/2013 08:22 (GMT + 7) có bài: Anh hùng khai man thành tích? củaNGUYÊN LINH - THÁI LỘC viết:
Những ngày qua, trên một số báo có đưa tin về việc ngày 5-2-2013, một số cựu chiến binh từng sống và chiến đấu với ông Hồ Xuân Mãn, nguyên bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, đã gửi đơn đến Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế khiếu nại ông Mãn khai man thành tích để được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 8-2010. 
Theo đơn khiếu nại, bản báo cáo thành tích của ông Mãn với 17 thành tích lớn diễn ra từ năm 1964-1975 trong thời chiến tranh khi hoạt động tại địa bàn huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế đều là “khai man”. 
Ông Hoàng Phước Sum (nguyên trung tá thanh tra Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, một trong những người ký đơn) cho biết: “Từ năm 1969 đến tháng 3-1970, ông Mãn đi học tại Quảng Bình cùng với tôi; từ tháng 3-1971 đến tháng 11-1971 về lại làm cần vụ cho ông Lê Sáu, bí thư Huyện ủy Phong Điền bấy giờ. Tháng 11-1971, do xích mích, ông Mãn bỏ ông Sáu giữa rừng rồi trở về xã Phong An. 
Lúc đó ông Mãn chỉ là du kích xã, có chức vụ gì đâu mà nói là tổ chức gần 100 trận đánh, diệt hơn 150 tên Mỹ ngụy, phá hủy một máy bay và 37 xe quân sự?”. Những người ký đơn khiếu nại còn nói rằng ông Mãn kê khai thành tích có công “giết chết tên ác ôn Nguyễn Công Đẳng” là khai man thành tích, cướp công đồng đội. Bởi trận đánh ở Bù Mạ, thôn Hiền Sỹ, xã Phong Sơn là do ba du kích xã này đánh mìn, hiện hai người còn sống ở địa phương, một người đã hi sinh. 
Chiều 4-3, phóng viên Tuổi Trẻ đã gặp ông Lê Sáu, nguyên bí thư Huyện ủy Phong Điền giai đoạn 1969-1971. Ông Sáu xác nhận không có chuyện ông Mãn bỏ ông giữa rừng mà về Phong An. 

Báo Tiền Phong XÃ HỘI 14:51 | 04/03/2013 có bài: Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế bị tố gian dối viết:
Thành tích thứ 8, 9, 10, 11 và 12 là từ năm 1969 đến ngày 26-3-1975, giữ vững hậu cứ đồng bằng và nội thành Huế, tổ chức đơn vị đánh gần 100 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 150 tên Mỹ ngụy, phá hủy 1 máy bay, 37 xe quân sự... Ông Hoàng Văn Phận cho biết: “Từ năm 1969 đến tháng 3-1971, ông Mãn đi an dưỡng và học tại Quảng Bình (ông Hoàng Phước Sum là người đi cùng), rồi làm cần vụ cho ông Lê Sáu, nguyên Bí thư Huyện ủy. Tháng 11-1971, do xích mích, ông Mãn bỏ ông Sáu giữa rừng rồi trở về. Ông Sáu điện cho Huyện ủy nói phải kỷ luật ông Mãn. Lúc đó ông Mãn chỉ là du kích xã, chưa phải là đảng viên (năm 1974 mới được kết nạp Đảng) thì làm sao mà tổ chức đánh gần 100 trận”. 
Thành tích thứ 13 là năm 1972 chỉ huy tổ ba đồng chí vào ấp Phò Ninh tiêu diệt tên ấp trưởng Hoàng Sớm cùng một ấp phó, một chiêu hồi, một địa phương quân, hai cảnh sát, làm quần chúng nức lòng. Ông Hồ Văn Nghĩa (85 tuổi), nguyên Trưởng ban an ninh huyện Phong Điền cho biết: “Trận này có ông Mãn nhưng quân ta chỉ giết được Hoàng Sớm và không có thành tích như ông Mãn đã khai”. 
Ở các thành tích thứ 15, 16 và 17, ông Mãn đã tiêu diệt 12 tên biệt động ở cầu An Lỗ năm 1973; năm 1975 chỉ huy du kích và an ninh xã chiếm chốt của ngụy làm chúng co cụm lại, chuẩn bị cho quân chủ lực tiến về giải phóng... cũng đều là bịa đặt. 

Ông mãn viết về mình, báo thì dựa vào lời kể của đồng đội ông Mãn, tin ai đây hở trời? qua các bài viết trên lộ ra một điều: Ông Mãn là du kích nhưng ưa nhận mình là dân "an ninh", tham gia cách mạng từ 1964 nhưng phải đến 10 năm sau, năm 1974 mới được kết nạp vào Đảng, như vậy 10 năm ấy chỉ là du kích chay thôi, chỉ thừa hành mệnh lệnh, quần chúng ngoài Đảng mà chỉ huy, lãnh đạo ai hả ông Mãn? Ông có quyết định đảng viên chính thức năm nào?...

Trên báo Đại Đoàn Kết Hữu Thu có viết 2 bài báo cùng tựa đề: Ông Hồ Xuân Mãn có cướp công? - Bài 1: Nhân chứng một thời (08/01/2013) - Bài 2: Những chiến công thầm lặng (09/01/2013), xin trích một đoạn: 
Ngoài 3 lần tham dự Đại hội chiến sĩ thi đua, ông Hồ Xuân Mãn từng đã có 33 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ, 3 Huân chương Chiến công hạng Ba, 3 Huân chương Giải phóng các hạng và 1 Huân chương Quyết thắng, 3 huy hiệu Chiến sĩ thi đua, nhiều bằng khen và cả giấy chứng nhận danh hiệu "Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”. 
Cùng nội dung, trên báo An Ninh Thế Giới, Phan Bùi Bảo Thy có bài viết đăng 2 số: Anh hùng LLVTND Hồ Xuân Mãn: Người con ưu tú của đất Phò Ninh, xin trích đoạn:
Kẻ thù từng xem anh là "tên an ninh Việt Cộng đặc biệt nguy hiểm" và đã nhiều lần đưa ảnh chân dung của anh lên mục cáo thị để treo giá trọng thưởng bằng tiền cho bất cứ ai bắt sống hoặc tiêu diệt được anh (Theo hồ sơ của Cảnh sát đặc biệt chế độ Sài Gòn để lại - NV). Chàng trai lớn lên từ đất làng Phò Ninh ấy tên là Hồ Xuân Mãn - một người đã đi qua chiến tranh với 33 lần được phong dũng sĩ, 3 Huân chương Chiến công hạng Ba, 3 Huân chương Giải phóng các hạng và 1 Huân chương Quyết thắng, 3 huy hiệu Chiến sĩ thi đua, nhiều bằng khen và cả giấy chứng nhận danh hiệu "Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường"

Báo Tuổi Trẻ 06/03/2013 08:12 (GMT + 7) M.TỰ - TH.LỘC có bài:
“Anh hùng khai man thành tích?”: Tỉnh ủy đang kiểm tra lại hồ sơ 
Trích đoạn phát biểu của Ông Hồ Xuân Mãn: (V.THÀNH - NG.LINH) ghi: 

“Khó thể nặn ra được” 

Chiều 5-3, phóng viên Tuổi Trẻ tại Hà Nội đã liên lạc với ông Hồ Xuân Mãn, nguyên bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế. Ông Mãn cho biết hiện đang điều trị tại một bệnh viện ở Hà Nội và cho hay nếu ông ở nhà (tại Huế) thì sẽ mời phóng viên qua nhà để “mang bộ hồ sơ ra chứng minh”. 
Ông Hồ Xuân Mãn cho rằng vì đơn khiếu nại gửi Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế thì để Thường vụ Tỉnh ủy trả lời là khách quan nhất. “Mình sống có tổ chức, cứ để tổ chức làm việc. Một là có thành tích không, hai là nếu có thành tích thì chứng minh như thế nào, có hiện vật không, có giấy tờ gì không, có bằng khen hay danh hiệu dũng sĩ thế nào, huân chương thì chứng minh có bao nhiêu huân chương và loại gì, chiến sĩ thi đua phải chứng minh là chiến sĩ thi đua” - ông Mãn nói. 
Cũng theo ông Mãn, hồ sơ phong tặng danh hiệu anh hùng đã làm 4-5 năm nay rồi, theo luật là phải công bố trên báo, làm từ cơ sở làm lên, phải qua cấp quản lý cán bộ, qua hội đồng thi đua khen thưởng. “Từ cái đó tập thể suy tôn, chứ mình không thể nặn ra được”. 
Trong bản báo cáo thành tích đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng, ông Hồ Xuân Mãn khai sau 11 năm chiến đấu (1964-1975), được tặng hai Huân chương Chiến công (hạng nhất và hạng ba), ba Huân chương Giải phóng, một Huân chương Kháng chiến hạng nhì, hai danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp quân khu và một danh hiệu toàn miền Nam, 33 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, ngụy, xe cơ giới... 
Cùng ngày, một phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương cho biết cá nhân ông chưa nhận được đơn khiếu nại mà chỉ biết một số thông tin qua báo chí. Vị phó chủ nhiệm này giải thích: “Đây là thắc mắc về vấn đề phong danh hiệu nên có thể sự việc sẽ được chuyển đến Bộ Nội vụ, Ban Thi đua khen thưởng trung ương”. Phóng viên báo Tuổi Trẻ đã liên lạc với lãnh đạo Ban Thi đua khen thưởng trung ương nhưng chưa nhận được trả lời. 

Đề nghị Báo Tuổi trẻ xem lại chi tiết hai Huân chương Chiến công (hạng nhất và hạng ba), Hữu Thu viết: 3 Huân chương Chiến công hạng Ba, Phan Bùi Bảo Thy viết: 3 Huân chương Chiến công hạng Ba. Có thể Báo Tuổi không đúng vì muốn có Huân chương Chiến công hạng nhất thì phải có Huân chương Chiến công hạng nhì.
Huân chương Chiến công hạng nhất là điều kiện cần để làm thủ tục xét Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông Mãn nói là một việc, kiểm tra lại là việc khác, nếu bây giờ mới khai coi chừng là đồ chợ trời...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét