Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

“Có thước đo, không ai chỉ đo đến nửa chừng”

(Dân trí) - Trao đổi về những vấn đề mới “bật ra” từ phiên xử vụ tổ chức cho cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài, GS. Nguyễn Minh Thuyết mong các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ làm rõ mọi chuyện, xử lý nghiêm minh...

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết ngay sau khi bản án của TAND Hà Nội được tuyên, quyết định khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước được công bố.
Phiên tòa xử cựu Phó giám đốc Công an Hải Phòng Dương Tự Trọng, với sự có mặt của Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines đã tỏa “sức nóng” tới dư luận những ngày qua. Ông có nhận xét gì về phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và các đồng phạm?
Việc đưa ra xét xử vụ án tổ chức đưa Dương Chí Dũng chạy trốn ra nước ngoài là một việc đương nhiên phải làm và tôi thấy công tác xét xử, chứng minh tội phạm của tòa án là công minh. Lời khai của nhân chứng Dương Chí Dũng đã làm bật ra một thông tin “chấn động” là người đứng đầu cơ quan chống tội phạm, điều tra đại án tham nhũng tại Vinalines lại chính là người báo tin, xúi giục Dương Chí Dũng bỏ trốn. Trước một lời khai như vậy, HĐXX đưa ra quyết định khởi tố là kịp thời.
 
GS.Nguyễn Minh Thuyết: Có thước đo trong tay, không ai chỉ đo đến nửa chừng.
GS.Nguyễn Minh Thuyết: "Có thước đo trong tay, không ai chỉ đo đến nửa chừng".
Được biết đã có ý kiến phản bác lời khai của Dương Chí Dũng. Sự thực thế nào sẽ được làm rõ để không làm oan người vô tội, cũng không bỏ lọt một tội rất to. Nhưng ai cũng hiểu, chỉ có cán bộ cấp cao trong ngành mới biết thông tin tối mật trong cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ chiều 17/5/2012 để báo cho Dương Chí Dũng kịp thời chạy trốn trước khi cơ quan điều tra ký lệnh khởi tố, tạm giam.
Giả sử lời khai của Dương Chí Dũng là đúng, ông có ý kiến gì về việc nơi để lộ ra nguồn tin mật báo cho Dương Chí Dũng lại xuất phát từ chính người của cơ quan điều tra?
Thực ra chuyện mật báo nhiều người cũng có thể đoán được nhưng dù sao khi Dương Chí Dũng khai ra thì người ta vẫn bị sốc vì Công an là lá chắn bảo vệ pháp luật, bảo vệ đất nước mà người đứng đầu cơ quan điều tra của cơ quan này lại sẵn sàng bắt tay với tội phạm, tiết lộ những bí mật hết sức quan trọng, vạch đường cho tội phạm chạy trốn, thì thật là …
Qua việc xét xử Dương Tự Trọng, có thể thấy chính ông sếp công an này cũng che chắn cho một kẻ đang bị Công an TP Hồ Chí Minh truy nã để nó làm đệ cho mình, đưa anh mình chạy trốn. Như vậy có nghĩa là chuyện sa ngã, bắt tay với tội phạm không phải chuyện cá biệt của một cán bộ nữa rồi. Đã đến lúc cần tổ chức lại cơ quan chống tội phạm cho nó hoạt động hiệu quả hơn.
Ông nói nhiều người dân sốc với các thông tin từ phiên tòa, còn cá nhân ông thấy thế nào, ông có có bất ngờ?
Tôi không bất ngờ vì khi có thông tin Dương Chí Dũng chạy trốn ngay trước khi Công an ký quyết định khởi tố, bắt tạm giam, tôi đã nghĩ phải có người trong ngành mật báo và chắc chắn người đó phải ở cấp cao mới làm được việc này.
Tòa đã khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước nhưng dù sao đến thời điểm này, lời khai của Dương Chí Dũng mới chỉ là từ một phía. Vậy để đi đến cùng sự việc, làm rõ đúng sai, theo ông, việc điều tra cần phải tổ chức theo hướng nào?
Đây là một vụ xâm phạm hoạt động tư pháp, người bị tố cáo lại là người đứng đầu và một số người có chức vụ ở cơ quan chống tội phạm, bởi vậy, phải giao cho Cục Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý. Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều tra, những người bị tố cáo cần được tạm thời đình chỉ chức vụ.
Thực hiện được 2 điều trên là đã gạt bỏ được những khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong công tác điều tra rồi. Còn nội dung sự việc thực ra không quá phức tạp. Chỉ cần công tâm là sẽ có kết quả chính xác.
Thêm một giả định nữa, nếu lời lời khai của Dương Chí Dũng về những can thiệp vào nội bộ của Vinalines như vấn đề nhân sự hay chọn nhà thầu là đúng thì vấn đề về sự can thiệp của lãnh đạo các ngành, dù là ngành “ngoại đạo” đối với doanh nghiệp nhà nước cũng là chuyện rất đáng ngại, thưa ông?
Tôi cho đây là những hành vi trái pháp luật nghiêm trọng, xuất phát từ lợi ích nhóm, phải xử lý nghiêm. Đáng tiếc là luật pháp nước ta không thừa nhận lobby để có quy định điều chỉnh những hành vi tương tự nên nó phát triển bừa bãi quá.
Trước phiên tòa xử Dương Chí Dũng, ông có phát biểu, kết quả phiên tòa sẽ là phép đo quyết tâm chống tham nhũng. Vậy đến thời điểm này, ông đánh giá thế nào về kết quả của phép đo này?
Tôi cho rằng kết quả xử vụ án tham nhũng của Dương Chí Dũng ở Vinalines cũng như vụ tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài đã cho thấy các cơ quan pháp luật, nhất là tòa án đã làm việc công minh. Kết quả 2 phiên tòa bước đầu đã khôi phục lòng tin của người dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Nhưng qua phiên xử lại có những chuyện mới bật ra, rất nghiêm trọng. Bởi vì nếu những lời khai của Dương Chí Dũng là đúng thì người bị Dũng tố cáo không chỉ phạm tội cố ý làm lộ bí mật công tác mà còn phạm tội tham nhũng với mức độ không hề kém Dương Chí Dũng (cũng xấp xỉ 1,6 triệu USD) và là kẻ chủ mưu tổ chức cho Dũng chạy trốn. Mong rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ làm rõ mọi chuyện, xử lý nghiêm minh. Có thước đo trong tay, không ai chỉ đo đến nửa chừng.
Xin cảm ơn ông!
Cấn Cường - Phương Thảo

2 nhận xét:

  1. Thượng tôn pháp luật
    Pháp bất vị thân


    không như rứa đem Chém!!!
    miễn nghị bàn!

    Trả lờiXóa
  2. Bác thông cảm. Nếu chém thì ko tìm ra người tài để làm việc.

    Trả lờiXóa