Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Chân dung một lãnh đạo "khổ" nhất và "sướng" nhất

Nguyễn Bá Thanh 

Thứ sáu 04/01/2013 20:08
L.H

Tuổi thơ gian khó

Anh Nguyễn Bá Thanh mồ côi cha từ rất sớm. Ba anh mất trong một cuộc chống càn của quân đội Mỹ. Đến giờ, nhiều người vẫn nhắc về tấm gương hy sinh của ông: Anh dũng chống trả quyết liệt và hy sinh khi không còn một viên đạn. Ông đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng. Ba anh khi đó đã là Tỉnh ủy viên và ông cũng chỉ có mong ước con sẽ tiếp tục sự nghiệp của mình. Khi ông mất, Bình, cậu em kế anh Thanh mới tròn 4 tuổi, chưa biết gì nhiều. Còn anh Thanh thì khi đó đang học ở ngoài Bắc ở trường Học sinh Miền Nam.

Xách ba lô ra Bắc học tập, anh Bá Thanh không ngờ mình lại ở ngoài Bắc lâu đến vậy. Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, trở về Đà Nẵng, sau một thời gian làm tại Sở Nông lâm, anh Thanh nhận công tác tại một trong những nông trường xa xôi và khó khăn nhất cả nước. Khổ cực trăm bề, má anh chỉ nhắc anh một câu: “Hãy ráng lên, con ạ!”.

Câu nói bình dị đó đã đi theo anh Thanh, vượt qua được muôn vàn những thử thách cam go của cuộc sống. Cũng chính cuộc đời của người vợ liệt sĩ đó đã là tấm gương sáng rõ nhất cho cậu con trai của mình.

Người của công chúng

Tôi và anh Thanh gặp nhau lần đầu, trong một hoàn cảnh rất đặc biệt: mẹ anh đang ốm thập tử nhất sinh tại bệnh viện. Anh nói với tôi: “Anh chỉ có một nguyện vọng duy nhất, cứu mẹ anh sống thêm". Nhưng phải nói rằng, khuôn mặt thô ráp và thân hình to lớn như gấu của anh khiến tôi hơi e ngại. 


Ông Nguyễn Bá Thanh trên nghị trường

Sau đó vài tuần, tôi có dịp vào Đà Nẵng để tổ chức tuần trăng mật của con một gia đình người bạn thân. Trong lúc đi taxi, ngồi quán nước, hoặc đi chợ, nghe người dân kháo nhau… tôi mới hiểu rõ hơn về anh. Hoá ra anh là người của công chúng theo đúng nghĩa của từ này: Nhân dân thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, họ yêu và quý anh biết bao. Đừng hòng ai bắt dân Đà Nẵng nói xấu được “vị chỉ huy” của họ. 

Những dịp anh phát biểu tại Hội đồng Nhân dân đều được truyền hình trực tiếp và mọi người đều tạm gác công việc lại để nghe anh nói. Số điện thoại của anh được công khai cho mọi người dân để họ có thể gọi điện trực tiếp cho anh. Khi nhận được thông tin nào đáng lưu ý, anh bèn đóng giả làm dân thường đi xuống tận nơi, ngồi ăn uống tại quán như một người khách để nghe cụ thể xem những khiếu nại đó có đúng không?

Cán bộ của anh rất liêm chính bởi anh rất nghiêm. Khi giao những vị trí nhạy cảm cho các cán bộ trẻ, anh nói ngay: Muốn có tiền ngay thì tham nhũng và đòi tiền của dân, nhưng sẽ không bền. Nếu làm việc trong sạch thì sẽ nghèo, nhưng, sau một thời gian sẽ được giao những vị trí then chốt và tiến lên nữa… tuỳ chọn. Và hầu hết các nhân viên trẻ, có năng lực của thành phố này đều chọn con đường thứ hai.

Thời gian hoàn thành các thủ tục hành chính ở Đà Nẵng rất nhanh. Từ khi bạn mua đất hoặc nhà đến khi cầm trong tay sổ đỏ chỉ mất không quá 1 tháng. Trong khi ở rất nhiều địa phương khác thường là vô định… vì không ai có thể dám quả quyết rằng trong bao lâu mới xong. Nhà tôi ở khu Trung Hoà Nhân Chính - Hà Nội. Tôi mua đất năm 2001, xây nhà năm 2005, về đây ở năm 2006, vậy mà từ đó đến nay sổ đỏ vẫn chưa có. Có cán bộ nói với tôi, muốn có nhanh, phải lo chuẩn bị “phong bì”… 

Còn ở Đà Nẵng? Tôi nhớ một kỷ niệm gắn liền với anh Thanh. Trong một lần gặp mặt, tôi trót phàn nàn một câu về tiến độ giấy phép xây dựng của bạn tôi trước mặt anh Thanh. Anh lập tức rút điện thoại ra nói mát mẻ với cậu phụ trách: "Vừa mới lên được là thành phố hàng đầu về thủ tục thông thoáng, nhanh chóng cho các nhà đầu tư, giờ lại muốn quay xuống à?". Một lúc sau cậu ta gọi ngay cho tôi xin lỗi rồi nói: Lần sau chị cứ gọi thẳng cho em nhé, đừng gọi cho sếp, kẻo bọn em lại bị phê bình đấy.

Anh Thanh giải quyết việc rất nhanh và quyết liệt như vậy. 

Còn nhớ, trong lần đầu vào Đà Nẵng, tôi nhờ anh dẫn đến thăm đền thờ vị anh hùng Thoại Ngọc Hầu, người có công chủ trương, xây nên kênh Vĩnh Tế, hoạch định biên giới Việt Miên nhưng phải chịu bao oan trái ngay cả sau khi đã qua đời. Ngôi đền nằm ở ven bờ sông Hàn. 

Tại đây, anh nói dự định mời “Thần đèn” Cẩm Luỹ đến để nâng ngôi đền lên vì sau hàng trăm năm, ngôi đền ở vị trí thấp so với xung quanh, tường đã ải và ngấm nước, tôi gợi ý: “Sao anh không xây lại cho đẹp hẳn? Ông Thoại – có công với đất nước biết bao”. Anh suy nghĩ một lúc rồi gật đầu cương quyết. Và chỉ một thời gian ngắn sau đó, thành phố Đà Nẵng đã có thêm một ngôi đền khang trang, đẹp đẽ để tưởng nhớ vị anh hùng ngay tại quê hương. 

Tôi cảm phục anh lắm, vì anh dám quyết, dám làm, quyết nhanh và làm cũng nhanh. Khi họp tổ dân phố, những người sống quanh đền đều tự nguyện ra đi để mở rộng sân đền, có chỗ chơi cho trẻ em quanh đấy. Tất nhiên cũng bởi vì chính sách đền bù của thành phố thoả đáng. Thời gian ngắn sau đó, tôi vào thăm lại Đà Nẵng, con đường đất trước mặt ngôi đền cũng đã được trải nhựa rất đẹp, mang tên Hà Thị Thân.

Những quyết sách gây tranh cãi...

Nhiều việc làm, quyết sách của anh gây không ít tranh cãi, cũng vì quá tiên phong và không giống ai: Nào là khởi đầu phong trào cấm đối tượng lang thang cơ nhỡ ăn xin, ăn mày trong thành phố, cấm đeo bám khách du lịch, quay camera CSGT, tăng lương cho CSGT, thưởng cho người báo tin… toàn những việc, với nhiều người là rất lạ đời. 

Trong nhiều lần giải phóng mặt bằng tại thành phố, anh đều trực tiếp có mặt và đứng ở ngay hàng đầu, mặc bộ quần áo công nhân, trực tiếp điều đình với những người phản đối. Anh chẳng nề hà chuyện gì. Bởi vậy, dân rất nể và sợ cái uy, những hành động quyết liệt của anh. Nhưng theo tôi biết, chẳng phải ai cũng thích những sự “ làm tới” của anh đâu. Nhưng một điều không thể phủ nhận, người dân tại nhiều tỉnh thích địa phương mình cũng có một ông lãnh đạo giỏi và quyết liệt như vậy… Để khỏi bụi, khỏi kẹt xe, khỏi khổ về nạn giấy tờ, nhũng nhiễu… 

Nhưng bảo anh làm khác đi, cũng giống như mọi người, cũng mềm mỏng, cũng tròn trịa, hợp thời… chắc còn khó hơn bắt anh xông lên hàng đầu trong cuộc chiến. Anh bảo: "Trong trận đá bóng, 11 anh, ai cũng thích làm hậu vệ, cứ đợi nhau, cứ chặn và vờn bóng thì còn gì là trận đấu? Phải có anh xông lên, sút bóng thì mới ra bàn thắng chứ". Và anh chắc chắn vào cái chân trung phong đó rồi. 

Cũng nhiều người nói: Đội bóng đá Đà Nẵng luôn gắn liền liền với hình anh anh Nguyễn Bá Thanh. Anh chẳng bỏ trận nào của “đội nhà”, kể cả đang họp ở Hà Nội, nếu tranh thủ được, anh cũng bay về để ủng hộ. Thắng thua gì, khi kết thúc trận, anh cũng xuống sân rút kinh nghiệm cùng cả đội. Bởi vậy đội bóng đá Đà Nẵng có thêm một huấn luyện viên danh dự Bá Thanh. 

Nói rằng anh là vị cán bộ sướng nhất cũng đúng. 

Vì làm được nhiều việc nên anh được bà con quý mến lắm. Sau này khi đã trở nên thân thiết, mỗi lần tôi vào Đà Nẵng hoặc anh ra Hà Nội họp, chúng tôi thường ngồi ăn uống nói chuyện. 

Chúng tôi tâm sự về tương lai phát triển của Đà Nẵng, về những cây cầu, những con đường, những kế hoạch triển khai cho tàu điện ngầm, về những lần thi bắn pháo hoa tưng bừng… Chúng tôi cùng anh chia sẻ những ước mơ về một thành phố Đà Nẵng tương lai – thành phố đáng sống nhất của Việt Nam… Rồi chúng tôi bàn về đất nước, về sự phát triển của nông nghiệp - lĩnh vực đúng chuyên môn của anh, về việc cần người điều hành để thúc đẩy mạnh mẽ hơn, về những kế sách để giúp nông nghiệp Việt nam phất triển, để “cứu” Hà Nội khỏi kẹt xe… Tôi phục anh lắm, anh luôn nghĩ ra những kế rất hay mà khó ai nghĩ tới… 

Không ít lần, khi ra trả tiền cho bữa ăn, chúng tôi nhận được một mảnh giấy có ghi những dòng chữ như:

“Xin cho phép tôi được mời anh Bá Thanh bữa cơm này, tôi tuy ở Hà Nội nhưng là dân gốc Đà Nẵng. Anh đã làm được nhiều việc cho thành phố quê hương lắm. Xin cảm ơn anh.”

“Anh Thanh ơi, tuy không quen anh nhưng đã được nghe anh nói rất nhiều trên vô tuyến. Cảm ơn anh, một con người dũng cảm. Xin được mời anh bữa ăn này - một người bạn không quen biết”.

Họ là ai? Là người Hà Nội, Đà Nẵng hay là một người Việt Nam nào đó đã từng đi qua Đà Nẵng và cảm phục sự đổi thay thần kỳ của thành phố này cũng như vai trò của vị "nhạc trưởng" Bá Thanh? Tôi biết những lúc như vậy anh cũng vui lắm.

Dịp cuối năm vừa qua, tôi rẽ qua Đà Nẵng một ngày để bàn bạc việc tổ chức đưa lô thuốc viện trợ từ Mỹ về cho các bệnh nhân nghèo tại các tỉnh miền Trung. Không ngờ cái việc nghe rất đơn giản đó lại vấp phải những rào cản vô hình từ nhiều cấp. May quá, có Bệnh viện Đà Nẵng và anh gật đầu nhận giúp. Thế là lô thuốc viện trợ trị giá 14 triệu USD mới tìm được đường về VN.

Cũng thời điểm này, tôi lại nghe được tin anh sắp ra Hà Nội giúp dân, giúp Đảng. 

Cô con nuôi Nguyễn Thị Huyền - Hoa hậu Việt Nam, người hàng năm vẫn làm show Lung linh sắc Việt tại Đà Nẵng để gây quỹ cho bệnh nhân nghèo tại đây, reo lên một cách rất thực thà: “Hoan hô, bác Thanh – thần tượng mà con ngưỡng mộ bấy lâu nay sắp ra Hà Nội rồi”. 

Chắc nhiều người dân Việt Nam cùng có chung niềm vui và hy vọng như vậy. Tôi nhắn tin cho anh: "Tối nay em sẽ mang hoa tới chúc mừng!". Nhưng khi ra đến chợ, tôi đã chuyển sang mua hoa và quả để thắp hương cho mẹ anh. Bởi, tôi hiểu, chính bà là động lực đã giúp con mình thành công như ngày hôm nay. 

Khi tôi tới, anh Nguyễn Bá Thanh đang ngồi một mình. Vui buồn, thắng thua người đàn ông này đều vậy, lặng lẽ ngồi hút thuốc. Tôi tới, cắm hoa vào bình trên ban thờ, thắp nhang cho bà, rồi yên lặng ngồi xuống bên anh. Người anh kiệm lời nhìn tôi, chúng tôi lặng lẽ hồi tưởng lại cả quãng thời gian vất vả vừa qua, những oan trái, những vùi dập, những cố gắng, những sẻ chia và biết bao thách thức phía trước… Chúng tôi chia tay và lần đầu tiên hai anh em ôm nhau vì những xúc động trào dâng.

Lúc tôi về, ra đến cổng, trời đã tối muộn, tôi vẫn thấy có hai người dân chờ đợi để vào xin gặp anh. Hóa ra hôm nay theo lịch – vẫn là ngày anh tiếp dân tại nhà vào buổi tối (tất cả các ngày trừ thứ bảy, Chủ nhật), người công bộc của dân lại lắng nghe để thấu hiểu và giải quyết thật nhanh những thắc mắc của người dân.

Chính anh đã là đầu tàu, kéo mọi người về với Đà Nẵng, đóng góp hết sức mình cho sự đổi thay kỳ diệu của mảnh đất này. Tôi nhắc mình phải tiến hành khẩn trương hơn cho việc vận chuyển gói hàng viện trợ trang thiết bị cho Bệnh viện Ung bướu. Bệnh viện này là tâm huyết do anh khởi xướng, dự kiến sẽ mở cửa chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo toàn bộ khu vực miền trung vào tháng giêng này. Tôi biết, anh rất tự hào về công việc này.

Về đến khách sạn rồi, tôi vẫn chưa hiểu nổi sự lạ lùng của cuộc đời, tôi gọi điện thoại hỏi lại anh: "Điều gì đã đưa em vào tận mảnh đất Đà Nẵng này để làm em của anh thế nhỉ?". Anh đáp rất giản dị: "Đó là duyên phận cuộc đời em ạ!". Nhưng tôi hiểu, chính anh là thỏi nam châm đã hút được sự trợ giúp của những người như tôi đến với mảnh đất miền Trung này, cũng như những công việc vì dân mà anh đang và sẽ làm.

Hẹn gặp anh ở Hà Nội nhé! Ra đấy lạnh chứ không ấm áp như ở đây đâu! 
Hà Nội 1/1/2013

3 nhận xét:

  1. Người ta chờ không phải bởi có quá nhiều điều bức xúc cần phải giải quyết, người ta đợi không phải có quá nhiều điều trong cuộc sống cần phải đổi thay. Cái mà người dân chờ đợi ở đây chính là để nghe ông Bí thư sẽ nói gì, vì mỗi lời ông nói trước bàn dân thiên hạ đều gắn với những quyết sách quan trọng của thành phố, ảnh hưởng thiết thực đến cuộc sống người dân và làm cuộc sống của họ ngày một tốt lên.

    Trả lờiXóa
  2. Nhớ lại cách đây gần một năm khi ông Trần Văn Minh, Chủ tịch thành phố, điều động ra làm Phó ban tổ chức TƯ, thành phố còn khuyết chức danh quan trọng như Chủ tịch, Phó chủ tịch và Giám đốc Sở Xây dựng, ông Thanh đã “đăng đàn” để nói chuyện với hơn 4.500 cán bộ chủ chốt.

    Tại buổi nói chuyện này, rất nhiều người “không mời mà đến”, gồm cán bộ về hưu, người dân, cánh báo chí và được truyền hình trực tiếp… dẫn đến hội trường quá tải.

    Tại đây, mỗi ứng viên vào những chức danh quan trọng trên đã được ông Thanh nêu lên và phân tích, mổ xẻ xem ông nào giỏi, ông nào tài và đâu là hạn chế của mỗi ông, để rồi cuối cùng, khi các chức danh trên được bổ nhiệm, đại đa số người dân đều đồng tình và cho là hợp lý và rất đúng người, đúng việc.
    Có lẽ, đây cũng là địa phương duy nhất trên cả nước mà cái chức danh to nhất của địa phương được đem ra “bình” trước bàn dân thiên hạ.
    Ở Huế...vào Đà Nẵng mà xem...

    Trả lờiXóa
  3. Ông Thanh:Việc thăng quan tiến chức ở Đà Nẵng tuyệt nhiên không có chuyện chạy vạy, mất tiền mà do năng lực thực tế. Bất cứ ai phát hiện việc chạy chức, quyền báo cho lãnh đạo thành phố sẽ điều tra và nếu có thật sẽ cách chức ngay lập tức.
    Ông Mãn dù đã nghỉ hưu: Hồ Xuân Phương, hắn là em tao mi điều chuyển khỏi chức Trưởng phòng CSGT răng được?...

    Trả lờiXóa