Mã tôi có ông thầy học trường Pháp. Vốn ghét thực dân nên ông học rất kém môn Lịch sử Pháp quốc. Ông kể năm ông chuẩn bị thi lấy bằng Thành chung (tương đương bằng Trung học), có vài bài môn ông chưa nắm vững. Thế là ông kín đáo “dọn” cho mình cái phao. May quá - ông đã trúng tủ, lấy được điểm cần thiết ở giai đoạn khốn nạn kia. Nhưng vì chuyện này mà suốt nửa đời người sau đó, ông xấu hổ đến không dám hó hé với bất kỳ ai, kể cả với vợ con là người thân nhất của mình. Mãi khi nền giáo dục nhà ta nguy cơ ngập tràn “phao cứu sinh”, ông mới đem câu chuyện "sống để dạ chết mang theo" đó ra kể với học sinh ông. Thật ra, ông cũng chưa dám đi đến quyết định công khai cái chuyện mà ông coi là tày đình đó, nếu đứa cháu ruột ông không khoe thành tích đã vượt các môn thi bằng mấy chiếc phao mà mấy tiệm photocopy dưới phố bày bán công khai trước cổng trường học. Ông kể xong, đau đớn cất tiếng kêu trời: Đời mạt pháp rồi, mạt pháp rồi!!! Cái mà thời ông bị coi là đáng xấu hổ nhất, nay được xem là thành tích đáng tự hào với làng trên xóm dưới.
Trò đã thế, thầy thì sao?
Quý ngài giáo sư nọ đã ăn cắp chính luận văn của nghiên cứu cứu sinh, tức học trò in thành sách ghi tên mình, vẫn nhơn nhơn đứng lớp dạy dỗ thiên hạ; ông ta chẳng biết xấu hổ là gì, thì đã đành rồi. Tay giảng viên trẻ nọ mà bằng cấp ai cũng biết là bằng giả, bằng mua bằng tiền, vẫn cứ oang oang thao giảng như đi vào chỗ không người, cũng là kẻ chẳng có tí tẹo dây thần kinh xấu hổ. Ờ, thì họ chai lì. Thiên hạ - ở đây là sinh viên, học viên đã trưởng thành, trong đó không ít người cũng đã chai lì như họ - ai nghe thì nghe, không nghe thì thôi. Tội hơn cả là mấy thầy giáo, cô giáo đang gõ đầu trẻ thuộc cấp Trung học phổ thông hay Trung học cơ sở, hà cớ phải "đì" mấy đứa học sinh thuộc lứa tuổi con cháu hãy còn trong trắng ngây thơ, để buộc chúng phải theo cua? Đã không biết xấu hổ còn đi khoe thằng này phải "đì" nó để nó biết thế nào là lễ độ với thầy cô... hiện đại. Ông bà đó nói ra miệng để cho mấy đứa học sinh “ngoan cố” đó biết thích ứng theo thời.
Muốn được việc, trò đành cắn răng mà chiều lòng thầy. Lợi cả đôi đường: Thầy cô được tiền dạy thêm, học sinh thì đạt điểm tiêu chuẩn. Chiều, nhưng khinh vẫn cứ khinh.
Vậy đó, sợi dây thần kinh xấu hổ qua đó đã chai lì càng chai lì thêm. Sợi dây thôi chớ chưa nói tới lương tâm cắn rứt. Chẳng những không học biết đến nó thuở ngồi ghế nhà trường, không mài giũa để nó luôn phải nhạy cảm với sự đời, mà ta đang làm cái điều ngược lại.
Kể rằng, ông Roh Moo-hyun, trước khi gieo mình xuống một vách đá sâu, đã trăng trối: “Tôi cảm thấy xấu hổ trước người dân của mình”. Biết rằng, từ một công nhân, ông tự học để trở thành luật sư và rồi đi lên tới chức tổng thống. Tội cho thân ông, ông vốn được xem là một chính trị gia trong sạch, nhưng bởi vướng víu nợ đời (vợ với con, cháu rể và trợ lý), ông đã chọn cái chết bi hùng kia. Không gì cả, bởi ông có sợi dây xấu hổ rất nhạy cảm trong mình. Sợi dây mà bất cứ kẻ có lương tâm nào cũng không bao giờ được quyền lãng quên suốt cuộc đời; sợi dây luôn được tôi luyện trong một nền giáo dục dạy con người biết đến lòng tự trọng.
Đồn rằng ở ta có thứ văn hóa "chạy". Sinh ra ta chưa biết đi đã học "chạy". Nhỏ là "chạy" trường, "chạy" lớp, "chạy" thầy, "chạy" điểm,... rồi to như "chạy" chức tước, "chạy" địa vị, "chạy" ghế, "chạy" án, "chạy" tội,... Khi không biết đến xấu hổ là ta còn "chạy". Là thứ văn hóa "chạy" còn có đất đứng.
Đồn rằng vẫn còn tồn tại loại văn hóa "luộc". "Luộc" xe Honda, "luộc" bằng cấp, "luộc" sách, "luộc" nhà đất, "luộc" ý tưởng, "luộc" văn,... Khi sợi dây thần kinh xấu hổ chưa được đánh lên là mấy sự "luộc" kia còn tồn tại. Tồn tại và phát triển trong mỗi cá nhân, mỗi thành phần, lây lan đến cả cộng đồng.
Mã Pí Lèng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét